TIN GIÁO HỘI VIỆT NAM

Gợi ý mục vụ cho Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống Giáo xứ và Cộng đoàn - Đề tài 12

Đề tài 12. Tân Phúc âm hoá Giáo xứ và Cộng đoàn: Đồng hành truyền giáo cùng với anh chị em di dân “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15)

Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn

 

1. Mệnh lệnh truyền giáo
 
Lệnh truyền đó của Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta ngày hôm nay, trong khi thế giới, dẫu phát triển và tiến bộ nhiều, cũng vẫn khao khát tìm kiếm bình an và niềm vui. Như là Kitô hữu, đây là thời đại để chúng ta làm chứng nhân. Đối với chúng ta, ngày nay sứ vụ truyền giáo là trực tiếp loan báo Tin mừng, lôi kéo người ta đến để được chia sẻ sự sống của cộng đoàn Thánh Thể.
 
 
Để thực hiện lệnh truyền loan báo Tin mừng đó cho có hiệu quả, chúng ta cần trở nên một dân có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa về Thiên Chúa, dấn thân trọn vẹn và để cho Thần Khí hướng dẫn vì chỉ trong ánh sáng đức tin và nhờ suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta có thể nhận ra được Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, “trong Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện hữu” (Cv 17,28). Chỉ trong khi tìm kiếm thánh ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống và nhận ra Chúa Kitô nơi mọi người, chúng ta mới có thể thẩm định đúng đắn về ý nghĩa thật và giá trị của các thực tại trần thế, trong bản chất của chúng cũng như trong mối quan hệ với cứu cánh của con người.[1]
 
 
Người giáo dân sống giữa đời dễ dàng liên lụy với các việc đời và lãnh lấy nhiệm vụ làm chứng cách cá nhân cho sự thánh thiện và thực tế đã nên một chứng từ thụ động bởi lẽ làm chứng tá còn là gì hơn nữa chứ không chỉ là làm việc lành và đọc kinh. “Việc tông đồ không chỉ giới hạn trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói, hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến với đức tin, hoặc cho những người đã tin để hướng dẫn, củng cố và thúc đẩy họ sống nhiệt thành hơn; quả thật, “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2Cr 5,14), và hãy để lời Thánh Tông Đồ luôn vang vọng trong tâm trí tất cả chúng ta: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16)”.[2]
 
 
2. Di dân tích cực loan báo Tin mừng

 
Tình trạng di dân hiện nay trên thế giới cũng như tại đất nước chúng ta “không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin”.[3]
 
 
Trong tầm nhìn tích cực, giống như Hội Thánh sơ khai ở Palestine do hoàn cảnh chiến tranh và bách hại mà niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô Chịu Chết và Sống lại bành trướng đi khắp nơi, làn sóng di dân ngày nay trên thế giới, trong đó có những đồng bào Công giáo, không phải là dấu chỉ thời đại và cũng là cơ hội loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô sao? Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như các Đức Giám mục Việt Nam động viên anh chị em Di dân trở thành chứng tá của “Niềm Vui Tin mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1).
 
 
Chiêm ngắm Dung nhan Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, được tỏ hiện trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô; nhờ đó người tín hữu mới cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương và niềm vui lan tỏa tự con tim khắp con người, trở thành dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót trong cuộc sống.
 
 
Chỉ có niềm vui tự trong con tim cảm thấy được yêu thương, và “tình yêu Chúa Kitô thúc bách”, anh chị em di dân trong khi “đi ra”, mới loan báo Tin mừng Tình yêu ấy bằng chứng từ, bằng cả lời nói và hành động. Nhưng con tim họ chỉ vui trong khi sống kinh nghiệm gặp gỡ thâm tình với Chúa, Đấng đã chịu chết và sống lại vì họ, trong việc cầu nguyện và sống Lời Chúa thường xuyên trong cộng đồng gia đình, Hội thánh, nơi đi cũng như nơi đến. Từ đó niềm vui Tin mừng ấy lan truyền trong môi trường lao động nghề nghiệp xã hội. Chỉ khi ấy, anh chị em di dân trở thành chủ thể tích cực loan báo Tin mừng và sẽ cảm thấy “khốn” nếu họ không loan báo Tin mừng vốn được họ cảm nghiệm sống động.
 
 
3. Mục vụ Di dân và Cử hành trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 
 
Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn năm 2016 sẽ được tổ chức vào Chúa nhật, 17 tháng 01 năm 2016, với chủ đề: Người di dân và tị nạn chất vấn chúng ta. Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót.
 
 
Năm 2016 là Năm Thánh Lòng Thương xót nên Hội Đồng Tòa Thánh về Chăm sóc Mục vụ cho người Di Dân và Lưu Động đã lưu ý 5 nội dung cần chuẩn bị để việc cử hành ngày Thế giới Di dân và Tị nạn trong Năm Thánh của Lòng Thương Xót không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hoặc tồn tại như một phong trào thường niên, nhưng trở thành một cử hành đức tin cụ thể:
 
 
– Việc cử hành ở mỗi giáo phận nên được tổ chức hài hoà tại giáo xứ với sự tham gia của anh chị em di dân và giáo dân địa phương để toàn thể cộng đoàn đức tin được cùng nhau chia sẻ;
 
 
– Việc cử hành phải trở nên cơ hội đồng hành cùng anh chị em di dân qua những dấu chỉ hữu hình của Lòng Thương Xót: những cách thế vừa mang dấu ấn vừa diễn tả sự gần gũi và nhạy cảm của Hội thánh dành cho anh chị em di dân;
 
 
– Gây ý thức cho cộng đoàn đức tin về hiện tượng di dân hiện nay vốn vừa mang lại những hệ quả tích cực nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều hiểm nguy và rủi ro;
 
 
– Trở thành cơ hội chuyển tải thông điệp của Đức Thánh Cha về Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn 2016;
 
 
– Việc cử hành không chỉ đơn thuần là một biến cố trong ngày nhưng trở thành cơ hội hình thành những kế hoạch thiết thực cho anh chị em di dân trong Năm của Lòng Thương Xót.
 
 
Để chuẩn bị cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót và Năm Tân Phúc-Âm-Hoá đời sống xã hội 2016, Hội thánh Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã quyết tâm đồng hành với anh chị em di dân cách cụ thể hơn qua việc ủy thác cho Ủy ban Mục vụ Di dân nghiên cứu tình hình và soạn thảo “Hướng dẫn mục vụ di dân” để “tất cả chúng ta có một đường lối chung trong việc phục vụ anh chị em di dân” và “giúp họ hội nhập vào đời sống của cộng đoàn giáo hội địa phương” nhằm “trở nên những thành viên tích cực trong việc xây dựng Giáo hội”.[4]
 
 
Câu hỏi thảo luận

 
1. Cộng đoàn giáo xứ, giáo họ của anh chị em có đón nhận những anh chị em di dân, hay tị nạn, nhập cư vì nhiều lý do khác nhau, như về kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, không? Cộng đoàn của anh chị em có thường xuyên vắng bóng nhiều người trẻ phải ra đi xa quê và xa gia đình không, và điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của cộng đoàn hiện tại không?
 
 
2. Cộng đoàn của nơi tiếp đón có tiếp đón và giúp anh chị em tạm cư, nhập cư hội nhập đời sống Hội thánh địa phương cách tích cực và hài hòa không? Có xem họ là hồng ân Chúa gửi đến cho Hội thánh địa phương mình không?
 
 
3. Cộng đoàn của nơi anh chị em ra đi có chuẩn bị từ xa, và gần cho những anh chị em di dân vì kinh tế, chính trị xã hội, học tập,… trở thành những chiến sĩ loan báo Tin mừng không?
 
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
 
[1] Cf. AA 4.
 
[2] AA 6.
 
[3] HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2014, số 4.
 
[4] x. HĐGMVN, Thư gửi cộng đồng Dân Chúa, 2015, số 6.