HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Bác ái-Từ thiện: Chuyện không của riêng ai

Tất cả vì người nghèo và cho người nghèo. Tôi chẳng bận tâm điều gì khác ngoài những chuyện chăm lo cho những người nghèo trong khả năng nhỏ bé của tôi.

Micae Bùi Thành Châu

 

Như một mối duyên, hơn 10 năm qua, tôi sinh hoạt trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố.


Được biết phu nhân tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố - chạnh lòng thương những người nghèo để rồi cùng nhau sáng lập ra Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố.


Mùng 3 tháng 10 vừa qua, Hội nghị Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo nhiệm kỳ 4 đã tổng kết như sau:


  • Mổ tim 6.831 ca
  • Mổ mắt 108.092 ca
  • Khám phụ khoa 62.552
  • Xe lăn, xe lắc 5.430
  • Máy trợ thính 2.570
  • Bữa ăn miễn phí thân nhân nuôi bệnh 15.452.014 suất cơm
  • Bảo hiểm y tế cận nghèo 53.716
  • Học bổng học sinh , sinh sinh nghèo, khuyết tật 16.222 suất
  • Vì nụ cười trẻ thơ 677 cháu


Tạm tính khóa 4 này số tiền lo cho người nghèo là 704 tỷ.


Những con số trên đây là con số biết nói, con số của tình người, con số của lòng bác ái yêu thương.


Không cần con số nhưng trong thực tế phải có nó để chứng minh sự thật rằng Hội đã làm như thế. Cho dẫu những người trong Hội không cùng một niềm tin, nhưng cùng một nhịp đập của trái tim dành cho người đau khổ, bệnh tật già yếu. Trái tim của Chúa Giêsu, trái tim chạnh lòng thương.


Khi tôi viết những dòng suy nghĩ nhỏ bé này, tôi chợt nhớ đến lời Chúa dạy trong Phúc Âm Thánh Luca (Lc 10,30-37):


Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’


Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”


Qua dụ ngôn Người Sa-ma-ri nhân hậu, ta nghĩ sao?


Nếu cứ vào sự thù ghét cá nhân hay tập thể thì người Samari sẽ chẳng bao giờ dính vào người bị nạn. Thế nhưng, vượt qua hố của ngăn cách, của hận thù, của căm ghét... người Samari đã lo cho người bị nạn một cách hết sức tận tình.


Người Sa-ma-ri trong dụ ngôn là người ngoại, còn người Sa-ma-ri ngày nay trong cuộc sống hằng ngày là ai? Là những người không ở trong Giáo hội Công Giáo, không cùng một niềm tin nhưng họ đã cúi xuống nâng người đau khổ đứng lên.


Trong Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố có nhiều thành phần trí thức, đảng viên, những người đã làm việc trong các ban ngành của Nhà nước nay về hưu. Tôi vẫn hãnh diện tuyên xưng tôi là người Công giáo chính gốc. Giữa những đảng viên, những quan chức của nhà nước, tôi vẫn hiện diện trong tư cách là Kitô hữu.


Ngày Đại hội vừa qua, tôi mang trên mình Thánh giá chứ không mang huy hiệu của Hội. Điều này tôi muốn nói rằng dù tôi tham gia Hội đi chăng nữa tôi vẫn là con cái của Chúa.


Nếu như tôi vào Hội mà tôi che giấu căn tính Kitô hữu của mình, khi đó tôi phải xem lại bản thân. Nhưng, trong hoàn cảnh này, tôi hãnh diện cho mọi người trong Ban điều hành biết “tôi là người Công giáo”. Thể hiện điều này, tôi cho mọi người biết rằng người Công giáo yêu thương, cộng tác chứ không loại trừ.


Phải chăng là Chúa đã yêu thương hết mọi người, cả người tội lỗi. Tôi là ai mà tôi loại trừ anh em tôi?


Không chỉ tham gia vào Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo mà tôi vẫn tham gia vào các công việc từ thiện của cả bên Công giáo lẫn Phật giáo. Tôi vẫn đồng hành với Hòa Thượng Thích Huệ Thông - Chủ tịch Hội Phật Giáo Bình Dương. Tôi chia sẻ điều ngày không phải để đánh bóng cá nhân hay tên tuổi, nhưng để cho thấy ngày này đâu đó vẫn còn rất nhiều người Sa-ma-ri nhân hậu mà tôi gặp trong cuộc sống.


“Tôi kêu mời tất cả các Kitô hữu chúng ta, ở khắp mọi nơi ngay lúc này đây, hãy làm mới lại cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, hay ít ra hãy để lòng mở rộng cho Ngài có thể gặp gỡ; tôi xin tất cả anh chị em hãy làm điều này mỗi ngày. Không ai được phép nghĩ rằng lời mời này không là của mình, vì “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui khởi phát từ Chúa”
(Niềm vui Tin Mừng, I. số 3)

Tất cả vì người nghèocho người nghèo. Tôi chẳng bận tâm điều gì khác ngoài những chuyện chăm lo cho những người nghèo trong khả năng nhỏ bé của tôi. Tôi đang sống theo lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong tông huấn: Evangelii Gaudium - Niềm vui Tin Mừng.


(Nguồn: WGPSG)