HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
Bi nhưng không sầu
Đời là bể khổ! Đức Phật sau khi rảo một vòng để nhìn đời, nhìn người đã nói như thế.
Bước chân vào cõi trần này, không ai dám nói rằng mình không vướng bụi trần, không gặp những đau khổ của cuộc đời.
Những đau khổ đến trong cuộc đời có thể do yếu đuối của bản thân, có thể do khách quan của cuộc sống. Thật ra mà nói chẳng ai muốn đời mình phải bi, phải khổ cả. Những bi lụy, những đau khổ đến trong đời có khi là bất ngờ như cơn lốc, cơn bão của cuộc đời không ai ngờ được. Đứng trước những bi đát của cuộc đời đó, con người đón nhận như thế nào vẫn tùy thuộc vào suy nghĩ, tự do đón nhận của mỗi người.
Có người đau khổ chới với trước những bi đát và gục ngã. Có người cảm thấy căm phẫn với những khốn khó trong đời và sống trong bất an. Có người buông xuôi cho số phận đẩy đưa… Và cũng có những người vui vẻ đón nhận tất cả những khốn khó xảy đến trong cuộc đời, đặc biệt đón nhận tất cả trong lòng tin, lòng tín thác vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Người đón nhận những bi đát nhất trong cuộc đời nhưng vẫn một lòng tin, cậy, mến nhất trong trần gian này phải chăng là Đức Trinh Nữ Maria. Nhìn lại cuộc đời của Mẹ, có lẽ không người nào, không người nữ nào, không người mẹ nào phải liên tục gần như là suốt cuộc đời phải đau khổ như Mẹ. Thế nhưng, dù cuộc đời của mẹ có bi đến mức nào đi chăng nữa nhưng Mẹ vẫn không sầu vì Mẹ luôn có Chúa ở cùng.
Trước tiên, ta bắt gặp hình ảnh cụ già Simêon nói tiên tri cùng Mẹ khi cụ bồng ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay trong lần Mẹ cùng Thánh Cả Giuse và Hài Nhi Giêsu lên Đền hành hương: "Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35). Mẹ đã nghe như vậy và ghi nhớ trong lòng với nỗi lo và nỗi buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng.
Khi sứ thần báo tin cho Mẹ rằng: vua Hêrôđê đi tìm hài nhi Giêsu để giết, Mẹ cùng Thánh cả Giuse đem đứa con yêu sang Ai Cập để trốn. Đau buồn lại đến với Mẹ, đau buồn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy.
Và, chuyến hành hương lên Đền Thờ khi hài nhi Giêsu đã lớn một tí thì thiếu nhi Giêsu ở lại trong Đền Thờ. Mẹ đã lạc con và tìm con đến ba ngày. Ba ngày đó, trong nỗi buồn đau đớn, Mẹ đã thâu đêm suốt sáng để tìm con.
Trên con đường thương khó, Mẹ nhìn thấy con Mẹ vác thập giá nặng nề lên núi Canvê nhiều lần ngã xuống đất còn bị quân dữ đạp dậy giục đi cho mau thì lại một lần nữa lòng Mẹ đau như cắt. Hai mắt Mẹ đẫm lệ nhìn con đau đớn tủi nhục.
Đau đớn tột cùng khi Mẹ đứng kề thánh giá, con yêu duy nhất của Mẹ trút linh hồn.
Và, đỉnh điểm của đau thương đó là Mẹ đã ôm xác con mình trong đau thương tủi hổ. Đau đớn khi nhìn con mình mặt mũi rách nát thân hình đầy những vết thương.
Quặn đau khi tắm xác con với những vết thương sâu hoẵm. Khi đóng cửa mồ để chôn con cũng là lúc cuộc đời Mẹ coi như cũng đã chết. Mất con là mất tất cả.
Thế nhưng, trong tất cả, với tất cả đau đớn từ tinh thần đến thể xác đó cũng không lay chuyển được tâm hồn, được niềm tin của Mẹ bởi Mẹ đã thân thưa hai tiếng "xin vâng" từ giây phút thần sứ loan tin. "Xin vâng" là đón nhận tất cả niềm vui, nỗi buồn và thậm chí cả những cái bi đát nhất của cuộc đời. Lời "xin vâng" của Mẹ đã mở ra, đã bỏ ngỏ cho Thiên Chúa chi phối cuộc đời của Mẹ. Nhờ thế, Mẹ đã đi qua những bi thương của cuộc đời một cách bình an và thanh thản.
Có lẽ, với Mẹ, Ơn Cứu Độ - Thiên Chúa - là cùng đích của đời Mẹ để rồi dù đau khổ thế nào đi chăng nữa nhưng có Chúa ở bên là đủ. Và, có thể, Mẹ ngẫm rằng những đau khổ mà Mẹ chịu đó Mẹ cùng chịu với Con Yêu của Mẹ trong công trình cứu độ. Và, cũng có thể những đau khổ đó còn có những người gặp đau khổ này đau khổ khác như Mẹ hay hơn Mẹ nữa để rồi Mẹ thanh thản nhẹ nhàng vượt qua.
Nếu nhìn trong những chiều kích như vậy, tất cả những đau khổ trong cuộc đời, trong niềm tin vào Thiên Chúa cũng như đau khổ mà mình chịu không như người khác, nhẹ hơn người khác thì lòng ta cũng nhẹ nhàng hơn.
Một người quen, trong tâm sự của anh, anh nói về gia đình của mình: Người anh cả rượu chè be bét đến độ người vợ phải giũ áo ra đi. Vợ anh phải lo toan để nuôi hai đứa con, trong đó đứa con gái cả bị khiếm thính. Không dừng lại ở chỗ vợ chịu không nổi, cha mẹ ruột phải trốn đi nơi khác ở để tránh sự tàn phá của người nát rượu. Người chị may mắn có việc làm cùng chồng khá ổn định để lo nuôi cha mẹ khi cha mẹ già nua tuổi tác. Trong cái may mắn ổn định kế sinh nhai và lo cho cha mẹ đó nhưng hai vợ chồng này không tránh khỏi đau thương của cuộc đời là có đứa con đầu bị chậm phát triển. Thử hỏi nếu ta rơi vào trong hoàn cảnh bi đát đó ta có chịu được hay không? Nhưng trong niềm tin và ơn Chúa, gia đình này vẫn ngày mỗi ngày vượt qua những bi lụy của cuộc đời.
Một người nữa, đang sống đời dâng hiến, phục vụ cộng đoàn qua ý của bề trên. Mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp thì tin dữ đến: mẹ bị ung thư giai đoạn cuối. Mẹ nhập viện được ít ngày thì người bố bị tai biến! Gia cảnh quá đơn chiếc đến độ phải xin phép vào viện để chăm mẹ. Còn người bố thì vẫn ở nhà tai biến chờ ngày Chúa gọi... Đau đớn đến tột cùng nhưng người đó vẫn phải cố gắng hết sức mình để chịu đựng những nghiệt ngã của cuộc đời.
Một gia đình, xem bề ngoài cũng đủ ăn đủ mặc vì ai ai cũng thấy hai vợ chồng và ba đứa con nhẹ nhàng thanh thản. Nhưng, đâu ai biết được người vợ cực nhọc bên xe hủ tiếu để cùng chồng gồng gánh số lãi ngân hàng quá mức chịu đựng khi đầu tư vào trang trại. Giờ thì rút ra cũng không được và đi tiếp cũng không xong. Quá đau khổ khi đối diện với cuộc đời. May mà bù lại ba đứa con ngoan hiền và phần nào hiểu được gia cảnh để cùng phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh có thể của chúng. Vợ, chồng và con cái lại cùng nhau chung vai đấu cật để vượt qua khoảng tối của cuộc đời với đầy dẫy những khó khăn.
Ông bà ta đã nói: "Nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình". Câu nói như phần nào an ủi những người đang gặp phải những đau khổ bi đát trong cuộc đời.
Và, đúng như vậy, khi ta đặt chân đến những trung tâm bác ái, những nơi nuôi dưỡng những người cô thế cô thân, đau khổ và khuyết tật... hay ta đến một góc nào đó của những bệnh viện; đặc biệt, ở những nơi có những căn bệnh hiểm nghèo, ta sẽ thấy những con người nghèo đến độ ta không tưởng ngày đêm phải đối diện với những đau khổ của cuộc đời.
Nhìn lên nhìn xuống, nhìn quanh, nhìn qua trái và xoay qua phải, có thể ta cũng khổ đau nhưng liệu rằng những đau khổ của ta có là gì so với những người đang đau khổ. Và, liệu rằng đau khổ, sầu bi của ta có bằng một chút nào đó nơi cuộc đời của Đức Trinh Nữ Maria không mà ta lại khóc lóc than van.
Ta còn khóc lóc than van khi ta không nhìn đến anh chị em đồng loại đang gánh vác nhiều đau khổ hơn ta. Ta còn chán ngán và tuyệt vọng khi ta đẩy một Thiên Chúa là Cha toàn năng và giàu lòng thương xót luôn thương xót cuộc đời khổ hạnh của ta.
Hãy nhìn, hãy chiêm ngắm cũng nghĩ suy về cuộc đời đau khổ của Đức Mẹ. Hãy nhìn, hãy suy tưởng những đau khổ của anh chị em đồng loại xung quanh ta để ta lại dâng lời tạ ơn Chúa bởi vì ta còn may mắn hơn nhiều so với những anh chị em đau khổ bất hạnh đang sống bên cạnh ta.
Mẹ Maria sẽ ở cùng ta, cùng đồng hành với ta để ta không sầu khi gặp phải những nỗi bi lụy trong bể khổ trần gian này. Và, khi ta kết hợp mật thiết với Chúa thì những bi lụy mà ta có gặp trong đời cũng sẽ không làm cho đời ta sầu được.
Lm. Anmai - CSsR
(Nguồn: WGPSG)