HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Chuỗi kinh huyền diệu

Kinh Mân Côi trước hết là tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa. Những mầu nhiệm Mân Côi nhắc lại cho chúng ta những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô...

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Chuỗi kinh huyền diệu
 
 
Đây, chuỗi ngọc Mân Côi, nhiệm màu tỏa sáng, say đắm dương gian,
 
Sao vương vấn hương đời quên lời Mẹ khuyên thống hối
 
Bên suối nguồn hồng ân, nhạc lòng hòa khúc chất ngất thiên nhan,
 
Vui trong ánh huy hoàng, nép bên tà áo Mẹ hiền.
 
 
 
(Chuỗi ngọc vàng kinh, Phạm Đức Huyến)
 
 
Hầu hết những tín hữu công giáo đều biết đến kinh Mân Côi. Hình thức cầu nguyện này rất đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với mọi người. Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta miệng đọc, trí suy, tay lần chuỗi. Cầu nguyện bằng kinh Mân Côi là cầu nguyện bằng cả con người trọn vẹn, thân xác và tâm hồn. Có người nói chuỗi tràng hạt sử dụng trong các tôn giáo là một phát minh kỳ diệu của loài người. Bởi lẽ tràng hạt giúp chúng ta tập trung tư tưởng vào một điều đang suy niệm, đồng thời gạt bỏ những phiền não đang ám ảnh. Ngón tay nhẹ đưa từng hạt lần chuỗi, kèm theo một lời kinh nơi môi miệng và tâm trí giống như mỗi bước đường đời nhẹ nhàng thanh thản, nâng cao tâm hồn để gặp gỡ Đấng Tối Cao.
 
 
Chuỗi Mân Côi gắn liền với người tín hữu. Một số hình ảnh thời xưa về người phụ nữ công giáo miền Bắc trình bày các bà các cô trên đường đi chợ, mặc áo tứ thân, đội khăn mỏ quạ, đầu đội chiếc thúng, bên trong chiếc thúng có vài món hàng để bán và cũng có khi lại một em bé mà mẹ muốn mang theo. Người mẹ, một tay giữ thăng bằng chiếc thúng trên đầu, tay kia cầm tràng hạt, miệng đọc kinh Mân Côi, cứ nhịp nhàng như thế trên đường đến chợ. Tràng hạt giúp bước đi của họ chắc hơn, nhất là giúp họ không bỏ phí thời gian vô ích, mà luôn tâm sự với Chúa.
 
 
Chúng ta gọi kinh Mân Côi là một hình thức đạo đức bình dân. Khái niệm “bình dân” dễ làm nhiều người coi nhẹ và hạ thấp giá trị của việc đạo đức này. Có lẽ vì hiểu sai về tính từ “bình dân” mà một số tín hữu công giáo, nhất là tại những nước châu Âu, có khuynh hướng lơ là với việc lần hạt. Trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị Giáo Hoàng đã nhiệt tình cổ võ kinh Mân Côi và coi đó là một phương thế để cứu Giáo Hội khỏi mọi hiểm họa bên trong bên ngoài. Tình trạng khủng hoảng và bi quan của Giáo Hội thế ở kỷ thứ 13 được trở lại an bình nhờ ơn Chúa, qua nỗ lực của Thánh Đaminh, đã chứng minh sức mạnh và hiệu quả của kinh Mân Côi. Lịch sử Giáo Hội công giáo Việt Nam cũng ghi lại, có những vị tử đạo bị giam trong cũi trên đường đến pháp trường, vẫn giữ nét mặt bình an thanh thản, tay cầm tràng hạt Mân Côi. Kinh Mân Côi đã ban cho các ngài sức mạnh để can đảm làm chứng cho Chúa đến hơi thở cuối cùng.
 
 
Một số người quan niệm kinh Mân Côi là việc đạo đức sùng kính Đức Mẹ, trong khi Đức Mẹ là người “cổ võ” việc lần hạt Mân Côi. Khi hiện ra ở Lộ-đức cũng như ở Phatima, Đức Mẹ đều cầm cỗ tràng hạt trên tay. Những lần hiện ra tại Lộ-đức, Mẹ đã lần hạt Mân Côi với chị Thánh Bênađêta bằng việc dùng ngón tay đưa từng hột chuỗi theo mỗi kinh Kính Mừng chị đọc. Sau mỗi chục kinh thì Mẹ đọc chung với chị Kinh Sáng Danh. Trong cả 6 lần hiện ra tại Phatima với ba em thiếu nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta vào năm 1917, Đức Mẹ đã kêu gọi các em hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Trong lần hiện ra thứ ba, Đức Mẹ đã xin các em thêm vào sau mỗi chục kinh lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin gìn giữ chúng con khỏi lửa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là các linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Mệnh lệnh được Đức Mẹ truyền đi từ Phatima là “Hãy siêng năng lần hạt, lo cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ”. Đức Mẹ cam kết, nếu nhân loại thực hiện những mệnh lệnh đó thì chiến tranh sẽ mau kết thúc và thế giới sẽ sống trong an bình.
 
 
Như thế, kinh Mân Côi trước hết là tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa. Những mầu nhiệm Mân Côi nhắc lại cho chúng ta những biến cố quan trọng trong cuộc đời Đức Giêsu Kitô, từ khi Người nhập thể cho đến khi Người chịu chết trên thập giá và sống lại, lên trời vinh quang. Đọc kinh Mân Côi là suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế. Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, tất cả hòa quyện vào nhau để làm nên cuộc đời của Con Thiên Chúa làm người. Tất cả những biến cố ấy đều đem lại giá trị cứu độ, đều là gương mẫu cho mỗi người chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa và với đồng loại. Các mầu nhiệm ấy cũng phác họa cuộc sống con người với những lo toan bận rộn và buồn vui của kiếp nhân sinh. Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trong các mầu nhiệm Mân Côi là học nơi Người những nhân đức cần thiết, nhờ đó mà chúng ta được sức mạnh thiêng liêng bước đi giữa biển đời đầy sóng gió gian truân.
 
 
Nếu kinh Mân Côi là tôn vinh Thiên Chúa và ngắm suy cuộc đời Chúa Cứu thế, thì kinh Mân Côi cũng gắn liền với Đức Trinh nữ Maria. Khi đọc kinh Mân Côi là chúng ta đọc 50 (hay 200) kinh Kính Mừng. Sau mỗi mầu nhiệm liên quan đến ơn Cứu độ được xướng lên, chúng ta lặp lại lời sứ thần Gabrien chào kính Đức Mẹ: “Ave Maria - Kính mừng Maria đầy ơn phúc…” lời chào ấy được lặp đi lặp lại và đi liền với ngón tay nhẹ đưa trên chuỗi hạt. Khi xướng lên lời chào “Ave Maria”, chúng ta xin Đức Mẹ hướng dẫn soi sáng để chúng ta có tâm tình yêu mến Chúa Giêsu như Đức Mẹ. Bởi lẽ Đức Mẹ luôn hiện diện trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Đức Mẹ chia sẻ niềm vui và âu lo của Chúa. Có thể nói, từng nhịp đập của con tim và từng hơi thở của linh hồn Đức Mẹ đều gắn liền với Chúa Giêsu. Vì thế, khi lần hạt là ta cùng với Đức Mẹ chiêm ngưỡng chân dung Chúa Giêsu trong các biến cố Vui, Sáng, Thương, Mừng. Nhờ kinh Mân Côi, chúng ta tìm được sức mạnh, vững vàng cậy trông và tin tưởng vào Chúa. Cũng nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta không còn đơn lẻ trong hành trình cuộc đời, nhưng có Mẹ Maria đồng hành và phù trợ. Lời cầu xin“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” đã diễn tả lời cầu bầu từ ái ấy.
 
 
Tầm quan trọng của kinh Mân Côi đã được Đức Chân Phước Gioan Phaolô II xác định: “Kinh Mân Côi chuyển đưa chúng ta cách huyền diệu đến bên cạnh Đức Maria, khi Mẹ đang bận tâm lo cho Đức Kitô được lớn lên về phương diện con người trong ngôi nhà ở Nadarét. Điều đó giúp Mẹ có khả năng dạy dỗ và uốn nắn chúng ta, với cùng một sự chăm sóc cho tới khi Đức Kitô được ‘thành hình trọn vẹn’ trong chúng ta” (Tông thư Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria, số 15).
 
 
Tràng hạt Mân Côi quả là chuỗi kinh huyền diệu. Lời kinh ấy làm cho đường xa thêm gần, biến nỗi buồn thành niềm vui và đổi bi quan thành hy vọng. Kinh Mân Côi còn là vũ khí chiến thắng ma quỷ, là sự bao bọc chở che trước mọi cám dỗ. Đọc kinh Mân Côi với tâm tình yêu mến cậy trông, chắc chắn ta sẽ tìm được sự thư thái và bình an của tâm hồn.
 
 
(Nguồn: WHĐ)