HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

GÓC SUY GẪM – MÙA DỊCH COVID 19

Đức Giêsu Phục sinh hôm nay vẫn gọi mời mỗi người trong chúng ta không chỉ qua lời của Ngài trong Kinh thánh, nhưng còn từ trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống và nhất là nơi những tiếng kêu cứu của anh chị em đau khổ đang cần tới sự giúp đỡ của chúng ta.

CNN đưa tin về các cây ATM gạo ở Việt Nam

 

Viết Cường, O.P


1/ Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay)

 

‘Máy ATM Gạo’


Theo báo Tiền Phong online, một điểm phát gạo từ thiện tại TPHCM được thiết kế như cây ATM, chỉ cần nhấn nút, gạo sẽ tự động chảy ra và người cần sẽ lấy mang về. Mọi thao tác đều được sử dụng thông qua công nghệ, mỗi người dân đều đứng cách nhau 2m để đảm bảo an toàn trong phòng dịch COVID 19.


Người nghĩ ra và thực hiện chiếc máy ATM “độc lạ” này là anh Hoàng Tuấn Anh - CEO Công ty PHGLock (quận Tân Phú, Tp. HCM). Máy ATM phát gạo này được đặt tại số 204 đường Vườn Lài, quận Tân Phú, hoạt động từ ngày 6/4 đến khi hết dịch bệnh.

 

Theo anh Tuấn Anh chiếc máy này được thiết kế khi tận dụng máy móc có sẵn của công ty như khóa thông minh, nhà thông minh. “Máy được cấu tạo gồm một nút bấm kết nối với một van tự động và một thùng chứa gạo. Khi một người tới nhấn nút, gạo sẽ tự động chạy ra từ trong thùng chứa. Mỗi một lần lấy được khoảng 1,5kg gạo, dành cho 2-3 người ăn trong khoảng 1 tuần”, anh Tuấn Anh nói.

 

Ngoài ra, để thực hiện cách ly phòng dịch theo chỉ đạo của các ban ngành, tại chiếc máy ATM phát gạo này có kẻ ô cho người đứng xếp hàng, có camera theo dõi giúp giám sát có đúng người nghèo hay không, hoặc người đó có tới lấy 2-3 lần trong ngày hay không…

 

Anh Tuấn Anh cho biết đây là chiếc máy đầu tiên nên từ thiết bị và gạo đều do bản thân anh bỏ tiền ra làm. Anh dự kiến mỗi ngày phát 300 kg nhưng trong ngày đầu tiên đã phát hơn 500 kg. Anh hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều mạnh thường quân kết hợp với anh để có thể tổ chức được khoảng 100 điểm đặt máy này khắp Tp. HCM để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.


2/ Những con số biết nói


Stt

Quốc gia

Đang nhiễm

Được chữa khỏi

Số người chết

Tổng số

1

Marốc

1.434

203

126

1.763

2

Mỹ

525.508

36.205

23.577

585.290

3

New Zealand

798

546

5

1.349

4

Việt Nam

119

146

0

265

 

 

 

 

 

 

Thế giới

1.358.408

443.786

119.524

1.921.718

 

Cập nhật lúc 6g15, ngày 14.04.2020

 

3/ Khuôn vàng thước ngọc (Ga 20, 11-18, thứ Ba Bát nhật Phục sinh)


Kitô hữu được định nghĩa là người có Đức Kitô trong tâm hồn. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cần tự hỏi: Đức Kitô có thực sự là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta không? Nghĩa là chúng ta có thực sự gắn bó với Ngài không? Chúng ta có thực sự yêu mến Đức Kitô đến độ thiếu vắng Ngài chúng ta sẽ cảm thấy mất mát, đau khổ mà không gì có thể bù đắp được không?

 

Bài Tin mừng chúng ta vừa nghe kể về một người đàn bà đang khóc. Bà khóc không phải vì tiếc của, cũng không phải vì bị người đời xua đuổi, loại trừ hay khinh miệt; không phải vì vừa bị người tình phụ bạc, cũng chẳng phải vì mất đi một người thân yêu; nhưng bà khóc vì mất Chúa. Bà đã nói trong nước mắt: “Người ta lấy mất xác Chúa tôi rồi và tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,13).


Chúng ta có bao giờ khóc vì tâm hồn thiếu vắng Chúa không? Có bao giờ chúng ta khóc vì cuộc đời, gia đình hay cộng đoàn của chúng ta chưa có Chúa không? Thánh Phêrô ba lần vì yếu đuối mà chối Thầy nên ông đã khóc lóc thảm thiết. Tuy nhiên, để có được những giọt nước mắt ấy, đòi chúng ta phải ít nhất một lần trong đời cảm nhận được lòng Chúa yêu thương. Maria Magdala đã có thể khóc khi mất Chúa, vì trong cuộc đời của bà, bà đã bắt được tín hiệu yêu thương của Đức Giêsu. Hay nói đúng hơn, bà đã dò được đúng dải tần số cũng như thu nhận được đúng bước sóng từ ái được phát đi từ nơi trái tim của Chúa. Chính vì vậy, nên khi vừa nghe gọi đúng tên mình, bà đã lập tức nhận ra Người. Cũng vậy, những giọt nước mắt của Phêrô chắc chắn không chỉ là những giọt nước mắt của sám hối nhưng còn là những giọt nước mắt của lòng yêu mến.

 

Đức Giêsu Phục sinh hôm nay vẫn gọi mời mỗi người trong chúng ta không chỉ qua lời của Ngài trong Kinh thánh, nhưng còn từ trong các biến cố lớn nhỏ của cuộc sống và nhất là nơi những tiếng kêu cứu của anh chị em đau khổ đang cần tới sự giúp đỡ của chúng ta. Trớ trêu thay, không phải tất cả mọi người nhưng là chỉ những ai có tâm hồn luôn luôn yêu mến và gắn bó với Đức Giêsu thực sự, mới nghe được tiếng Ngài và quảng đại đáp lại lời mời gọi yêu thương ấy mà thôi.

 

Lạy Chúa, giữa một thế giới đầy những ồn ào và náo nhiệt, xin cho con biết lắng tai để nghe tiếng Chúa. Xin thanh tẩy đôi tai để con có thể nghe rõ tiếng Chúa gọi mời mà không bị pha lẫn những tạp âm. Xin giúp con đừng xê dịch những tần số yêu thương mà thi thoảng con dò được từ Chúa. Xin hãy mở rộng khối óc, trái tim và đôi tay, để con mau mắn thi hành những mệnh lệnh của Chúa mà không chút từ nan.

 

Lời bàn


-      Charles Sanders Peirce (1839 - 1914) là một triết gia, nhà toán học, logic người Mỹ, thường được gọi là "cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng") từng nói: “Nếu con người bất tử, anh ta chắc chắn sẽ chứng kiến cái ngày mà mọi thứ anh ta tin tưởng sẽ phản bội anh ta; và, nói ngắn gọn, cuối cùng cũng tiến tới đau khổ tuyệt vọng. Anh ta rốt cuộc sẽ sụp đổ, giống như mọi cơ đồ, giống như mọi vương triều, giống như mọi nền văn minh. Thay vì điều này, chúng ta có cái chết”. Ý thức về điều này, chúng ta sẽ nhận ra được cái hữu hạn của đời người. Nuôi dưỡng mối hoài nghi về một vụ “giết người, cướp xác”, có lẽ Maria Magdala cũng đã trộm nghĩ cho riêng mình: tại sao người ta lại tàn nhẫn với Thầy của mình đến thế, đoạt mạng người vô tội như vậy còn chưa vừa lòng ư, sao giờ lại còn muốn phi tang cái xác ấy nữa. Suy nghĩ như vậy nên bà mới mở lời với “người giữ vườn”: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Ga 20, 15). Lúc này, bà chưa được Chúa Phục sinh khai mở tâm trí. Bạn và tôi có khá hơn bà ấy không nhỉ! Không có gì bảo đảm chúng ta hiểu chuyện hơn bà; bởi vì lắm khi, chúng ta chiêm ngắm Chúa Phục sinh mà tâm trí vẫn quẩn quanh với suy nghĩ của người trần mắt thịt.

 

-      Chúng ta đã quá quen với mô típ được lặp đi lặp lại trong các truyện cổ tích thần tiên: “Tại sao con khóc”? Liền sau câu hỏi ấy là những lời trần tình của kẻ đang rơi vào tuyệt vọng. Cuối cùng, một vị thần hay ông Bụt nào đó sẽ thực hiện điều kì diệu để thỏa mãn những lời cầu xin. Điều này cũng gợi nhắc cho chúng ta về câu chuyện của Maria Magdala hôm nay. Hai người môn đệ trở về nhà trước mà không biết lý do vì sao. Bà ngồi nán lại bên ngôi mộ trống, mắt mờ đi vì ngấn lệ. Dẫu vậy, mắt vẫn dáo dác nhìn quanh với hy vọng tìm ra chút manh mối để trả lời cho vấn nạn đang chất chứa trong lòng. Cuối cùng, Chúa Phục sinh đã đền đáp cho sự kiên trung của bà. Trong cuộc đời, rất nhiều lần tôi đã bỏ cuộc giống hai người môn đệ của Chúa, tự loay hoay để tìm cách thế giải quyết cho riêng mình. Tôi thực sự thiếu kiên trì, càng không có được lòng mến nồng nàn như bà Maria Magdala.

 

-      Nghe kể ở Roma, trên một hành lang của trường đại học Angelicum thuộc Dòng Đa Minh, có treo một bức chân dung của thánh Tôma Aquinô với ngón tay trỏ đặt trên miệng. Bên dưới bức ảnh này, người ta đề một câu latinh thế này: “Silentium est pater praedicatorum” (Sự thinh lặng là cha của những nhà Giảng thuyết). Ô hay, nhà giảng thuyết mà coi thinh lặng là cha thì giảng cái gì! Hãy khoan, hãy bình tâm để nghĩ ngược lại: nếu không biết thinh lặng thì nhà Giảng thuyết chẳng có gì để nói. Đây quả thực là lời chỉ dẫn đáng lưu tâm dành cho tất cả các nhà Giảng thuyết. Tương tự như vậy, trong chính sự thinh lặng mà Maria Magdala đã nghe Chúa gọi tên mình.

 

-      Đức Giêsu Phục sinh biết rõ số điện thoại, Zalo, Viber, email… của chúng ta và Ngài cũng đã nhắn tin, thậm chí là gọi điện cho chúng ta nhiều lần. Thế nhưng, chúng ta không nghe máy hoặc không mở tin nhắn bởi vì cho rằng mình quá bận rộn hoặc thế giới chung quanh quá ồn ào nên không nghe thấy. Tất cả chỉ là ngụy biện, có chăng cũng chỉ là vì chúng ta dành quá nhiều giờ cho những thứ vô bổ mà thôi. Như thế thì làm sao nghe được Chúa gọi, làm sao còn giờ để kiểm tra tin nhắn của Chúa.

 

-      ATM là thứ ngày nay chẳng còn gì xa lạ với mọi người. Người ta đến thăm nó và vui vẻ ra về bởi vì đã có được trong tay thứ mình cần: tiền. Bởi quá quen nên đôi khi người ta nhầm lẫn. ATM (Automated teller machine) vốn được hiểu là máy rút tiền tự động nên không lạ gì khi có người hiểu M = money (tiền) thay vì phải là M = machine (máy). Dù có hiểu sai cũng không sao bởi vì dù gì đó cũng là nơi giữ tiền hộ mình và bất khi nào cần, cứ việc tới đó mà lấy. Nó là tài sản của tôi. Nhưng khi bàn đến ATM Gạo, vấn đề lúc này đã rẽ ra một hướng khác. Đức Giêsu Phục sinh hiện ra làm cho niềm vui của Maria Magdala bỗng chốc trở nên vỡ òa. Ngày nay, ông Bụt  không còn hiện ra, nhưng hình ảnh cây ATM Gạo lại trở thành hiện thân cho lòng từ tâm ngay giữa cơn đại dịch. Thông điệp của gia chủ rất rõ ràng: “Nếu khó khăn xin cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”. Mặc dù vậy, những ngày qua, cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn clip, ghi lại cảnh hai người phụ nữ đi trên một chiếc xe tay ga và chở theo hai em bé. Điều đáng nói là, hai người phụ nữ dù có làm thế nào đi chăng nữa thì máy ATM vẫn không chịu nhả gạo; chỉ có hai em bé đạt được ước nguyện. Sau cùng, cả bốn người lên xe ra về mà trong lòng chỉ vui một nửa, kèm với đó là một câu hỏi lớn: Sao kỳ vậy ta? Chẳng có gì là kỳ cả. ATM do ngân hàng chỉ định thì quản lý tiền của bạn; còn ATM Gạo chỉ chứa bên trong bác ái và từ tâm mà thôi. Câu chuyện này làm tôi nhớ tới câu nói của thánh Phanxicô Assidi, đại ý là: “Tôi không bao giờ nhận hết những gì người khác dâng tặng, bởi vì nếu nhận hết thì những người đến sau tôi mất đi cơ hội”. Đáng ngẫm thay.