HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
GÓC SUY GẪM - MÙA DỊCH COVID 19 – Ngày 17.4.2020
Viết Cường, O.P.
1. Chuyện chúng mình: Covid 19 (2019 - nay)
NHỮNG TỜ GIẤY DÁN Ở Ý
Khi dịch bệnh hoành hành ở châu Âu, truyền thông và mạng xã hội đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động thấm đẫm tình làng nghĩa xóm ở nhiều quốc gia, người trẻ sẵn sàng giúp đỡ người già. Sự tử tế và sẻ chia trong lúc hoạn nạn sẽ tiếp thêm niềm tin cho nhân loại vượt qua dịch bệnh.
Băng Trịnh, một du học sinh Việt đang sinh sống tại Ý, chia sẻ hình ảnh tờ giấy dán ở chung cư làm ấm lòng mọi người giữa mùa dịch. "Gửi tới những người già hoặc ốm ở chung cư: thời gian này tốt nhất là nên ở trong nhà. Cháu sống ở tầng ba, tên là Flavia. Cháu là bác sĩ vật lý trị liệu, và cháu tình nguyện giúp bà con cô bác việc đi chợ hằng ngày (hoàn toàn miễn phí). Nếu bấm chuông cửa mà không thấy cháu ở nhà, xin các bác để lại tên trong hòm thư nhà cháu, cháu sẽ liên hệ lại ngay khi có thể".
"Xin chào, cháu là Giulia, sống ở khu C. Cháu là bác sĩ và cháu sẵn sàng giúp người già hoặc ốm đau cần đi chợ hoặc đi mua thuốc. Nếu ai cần giúp xin bấm chuông cửa tên Listanti Giulia, cầu thang C, nhà số 16. Cháu sẽ trả lời ngay nếu cháu có nhà".
Ngược lại, nhiều người lớn tuổi ở Ý cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ với những người trẻ đang du học tại đất nước này.
Anh Cavid Qelenderov, một người nước ngoài đang học tập tại Ý, đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình một câu chuyện tử tế nhất anh từng gặp.
"Hôm qua tôi đi siêu thị. Do mua quá nhiều đồ đạc tôi đã nhờ một phụ nữ Ý trung niên cho tôi quá giang. Bà ấy quá tốt bụng, không những cho tôi đi nhờ mà còn hỏi tôi số điện thoại: "Có việc gì hãy gọi tôi. Tôi có một đứa con trai 14 tuổi, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong khoảng thời gian khó khăn này, để đất nước chúng ta cùng vượt qua".
Điện thoại của tôi bị hỏng nên tôi không thể ghi được số của bà. Bà đã lấy số của tôi và nói sẽ gọi cho tôi. Nhưng vì ghi nhầm số nên bà không thể liên lạc được với tôi. Tôi tự hỏi sao mãi chưa thấy bà ấy gọi.
Hôm nay tôi thấy một tờ giấy dán ở ký túc xá. Tôi rất xúc động khi thấy tờ giấy này và ngay lập tức nhắn tin cho bà. Bà nói vì rất lo cho tôi nên bà đã đến ký túc xá của tôi. Người Ý thật nồng ấm, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Sự tử tế sẽ cứu thế giới này!" - anh Cavid Qelenderov viết.
(Nguồn: https://tuoitre.vn/dich-covid-19-va-nhung-cau-chuyen-se-chia-am-long-)
2. Những con số biết nói
Stt |
Quốc gia |
Đang nhiễm |
Được chữa khỏi |
Số người chết |
Tổng số |
1 |
Bồ Đào Nha |
17.719 |
493 |
629 |
18.841 |
2 |
Panama |
3.573 |
75 |
103 |
3.751 |
3 |
Afghanistan |
756 |
54 |
30 |
840 |
4 |
Việt Nam |
91 |
177 |
0 |
268 |
|
… |
|
|
|
|
|
Thế giới |
1.487.752 |
546.74 |
145.410 |
2.179.905 |
Cập nhật lúc 7g00, ngày 17.04.2020
2. Khuôn vàng thước ngọc (Ga 21, 1-14, thứ Sáu Bát nhật Phục sinh)
Mẻ cá lạ lùng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mẻ cá lạ lùng khác. Cả hai đều có sự can thiệp đặc biệt của Đức Giêsu. Thật thế, Tin mừng cho chúng ta biết, trước khi chọn các môn đệ đầu tiên, Đức Giêsu cũng đã thực hiện một mẻ cá lạ lùng khi ra lệnh cho Phêrô ra chỗ nước sâu thả lưới. Mặc dầu lần đó, Phêrô đã cho Đức Giêsu biết là ông đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Nhưng, Phêrô cũng đã khiêm tốn thưa với Đức Giêsu: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). Và Phêrô đã bắt được rất nhiều cá đến độ hai ghe nặng gần chìm. Thấy thế, Phêrô hoảng sợ, nhưng Đức Giêsu đã trấn an Phêrô: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ là kẻ lười người như lưới cá” (Lc 5,10b).
Và hôm nay, Tin mừng cũng ghi nhận suốt đêm các môn đệ không bắt được con cá nào. Nhưng, Đức Giêsu đã ra lệnh: “Cứ thả lưới bên phải thuyền, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6). Các môn đệ đã làm như lời Đức Giêsu truyền và họ đã kéo được mẻ lưới đầy cá. Cũng như lần trước, Đức Giêsu nhắc lại cho các môn đệ, đặc biệt là Phêrô sứ mệnh chài lưới người, tức là sứ mệnh yêu thương và phục vụ đã được trao phó cho các môn đệ khi ba lần Ngài nói với Phêrô: “Anh hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21, 15-18).
Trong những lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Đức Giêsu không bao giờ nói nửa lời trách móc tội các ông đã bỏ trốn hay chối Ngài, cũng không nói nửa lời ám chỉ, mà toàn những lời dịu dàng, an ủi, khích lệ. Các ông cũng không một lời xin lỗi Chúa, thế mà Chúa vẫn tha. Tha thứ đâu cần phải nói ra bằng lời, ăn năn đâu cần phải thốt ra bằng tiếng. Chúa đến với ta, ta ở bên cạnh Chúa thế là đủ.
Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa. Ông nhận ra Chúa nhờ kỉ niệm mà mẻ cá lạ giúp ông nhớ lại. Khi đã yêu thì từng chi tiết, từng biến cố, đều nhắc ta nhớ đến người mình yêu. Còn Phêrô, trong lòng ông ngổn ngang nhiều nỗi: bỏ rơi và chối bỏ Thầy mình và có lẽ ông cũng đang mong gặp lại Thầy để tỏ lòng hối lỗi ăn năn. Bởi vậy, khi vừa nghe Gioan nói “Chúa đó”, bao nhiêu tình cảm khác rời xa, chỉ còn lại nỗi ước mong gặp lại Chúa. Vì thế, ông “liền khoác áo vào rồi nhảy xuống biển” bơi về phía Thầy của mình.
Như vậy, qua hai mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu muốn cho thấy, Giáo hội chỉ có thể thành công trong sứ vụ yêu thương và phục vụ khi biết để cho Lời Chúa hướng dẫn, bởi Lời Chúa chính là sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh trong Hội thánh, trong thế giới và trong cuộc đời mỗi người chúng ta.
Xin cho Giáo hội được trung thành với giáo huấn của Đức Giêsu cho dù không phải lúc nào Giáo hội cũng được tự do để lời nói Lời Chúa. Xin cho Giáo hội biết lấy Lời Chúa làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đã được giao phó và xin cho mỗi người chúng ta biết để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời, đặc biệt trong những lúc chúng ta gặp khó khăn và thử thách.
4. Lời bàn
- Đoạn Sách Thánh mà chúng ta đọc hôm nay được trích lại trong phần đầu của chương 21 theo Tin mừng của thánh Gioan. Khoa chú giải ngày nay không tin rằng chương này do chính tay thánh Gioan viết mà là do các môn đệ của thánh nhân thêm vào sau khi ngài qua đời. Điều đó càng khiến cho phép lạ cuối cùng này trở nên rất khác biệt. Có thể nói ngay được rằng, trực giác đức tin nơi Gioan đã thực sự lan tỏa đến cộng đoàn các môn đệ của ngài một cách đậm nét. Họ không diễm phúc được chứng kiến các phép lạ Chúa làm như thầy của mình nhưng không phải vì thế mà cho rằng họ kém tin. Họ xác quyết trong việc chỉ ra chính thầy của mình là người “chỉ điểm” cho Phêrô và các tông đồ khác, mặc dù tất cả các ông đều nghe được tiếng của “người lạ” đang đứng trên bờ. Cộng đoàn các môn đệ của thánh Gioan có được đức tin mạnh mẽ như thế chắc chắn là nhờ công khó và gương sáng của “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”. Đây là một sự khác lạ so với các tác giả Tin mừng Nhất lãm.
- Tôi từng thắc mắc là tại sao Phêrô mặc áo vào rồi nhảy xuống biển để bơi vào bờ sau khi nghe Gioan nói đó là Chúa. Bản dịch tiếng Việt cho biết lý do là vì lúc ấy ông đang cởi trần. Tôi thì nghĩ rằng, đây là một bản văn mang tính mục vụ (dùng trong các cử hành phụng vụ) nên các dịch giả có dụng ý riêng khi chuyển ngữ. Thật vậy, bản văn Hy lạp dùng gymnos (= naked : khỏa thân), tức là lúc ấy ông không mặc gì cả, để giải thích việc Phêrô mặc áo vào rồi nhảy xuống nước. Chi tiết này khiến tôi nhớ lại chuyện cũ trong sách Sáng thế ký. Câu chuyện về Adam và Eva đã cảm thấy xấu hổ khi nghe Chúa gọi trong vườn địa đàng, mặc dù cũng biết nhặt lá che thân. Họ xấu hổ vì phạm tội và không dám giáp mặt Chúa. Phêrô thì không như thế, ông biết mình lỗi phạm nhưng lại muốn lao thật nhanh về phía Chúa. Tôi không được như Phêrô. Khi phạm tội, tôi tự mình cách ly với Chúa, không muốn nhắc và càng không muốn đến gần Ngài. Còn bạn thì thế nào?
- Nơi tôi đang sống có một tượng chịu nạn khá đặc biệt: Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước, lòng bàn tay ngửa ra. Một chú chim đậu trên bàn tay ấy trong tư thế đang mổ thứ gì đó từ lòng bàn tay của Đấng Cứu chuộc. Gương mặt Đức Giêsu không đượm nét khổ sầu, mà ngược lại, toát lên niềm vui được trao ban. Một hình ảnh rất đẹp và độc đáo về cuộc khổ nạn, một thần thái “không đụng hàng”, diễn tả một tình yêu hy hiến. Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay cũng để lại những hình ảnh ấn tượng như thế. Chắc hẳn các môn đệ chưa quên hình ảnh về đôi tay của Thầy mình. Đôi tay ấy đã rửa và lau khô chân của họ trong Bữa Tiệc ly. Đôi tay ấy lỗ chỗ vết thương bởi đã bị ngã sõng soài ba lần trên đường vác cây Thập tự. Đôi tay ấy đã bị kéo giãn thớ ra vì phải gánh chịu cả sức nặng toàn thân khi bị treo trên cây gỗ giá. Đôi tay ấy chịu một vết thương vì người ta dùng đinh nhọn mà đâm cho xuyên thấu. Thế nhưng hôm nay, cũng chính tay của Đấng phục sinh, một lần nữa, sắm sẵn mọi thứ cho các môn đệ: nhóm lửa, chuẫn bị cá và bánh cho các ông. Và cuối cùng, đôi tay ấy chia thức ăn cho đám học trò. Đức Giêsu ngồi đó với các môn đệ, sừng sững như một người cha lo cho con cái; như một người Thầy đầy thân ái yêu thương và như một người bạn đang phục vụ những người khác đến quên mình. Chúa ngồi đó không chút giận hờn hay trách móc; tất cả những việc Ngài làm đều toát lên hai chữ “anh em”.
- Wolfgang Amadeus Mozart từng nói: “Sự thông minh hay trí tưởng tượng ngất trời, hay thậm chí cả hai kết hợp cùng nhau cũng không làm nên thiên tài. Yêu thương, yêu thương, yêu thương, đó là linh hồn của một thiên tài”. Giữa một thế giới biến động và đầy chết chóc, thế nhưng sẽ chẳng khó khăn gì để có thể nhìn thấy những nghĩa cử yêu thương mà nhân loại này đang dành cho nhau. Một sự giúp đỡ tận tình giữa đại dịch cũng chứa đầy tình cảm của một tâm hồn cao thượng; một sự tương trợ kịp thời làm sáng lên bao niềm thân ái quanh ta. “Cuộc sống rất thú vị, và thú vị nhất khi nó được sống vì người khác” (Helen Keller). Đức Giêsu Phục sinh đang mời gọi bạn và tôi không ngừng tìm kiếm và thực thi những điều “thú vị” như thế.