HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Hãy xới lên “Bữa cơm Thiên đường”

Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, khi các giá trị của gia đình bị đảo lộn, kéo theo bao hệ lụy đau lòng, thì bữa cơm gia đình và việc thánh hóa bữa ăn, sẽ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bài & Ảnh: Văn Chiến

 

WGPSG -- “Hơn bao giờ hết, trong thời đại ngày nay, khi các giá trị của gia đình bị đảo lộn, kéo theo bao hệ lụy đau lòng, thì bữa cơm gia đình và việc thánh hóa bữa ăn, sẽ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ hạnh phúc gia đình”. Với ưu tư trên, cha Giuse Tạ Duy Tuyền - chánh xứ Gx. Hà Nội, Hố Nai - đã phối hợp với Chương trình Chuyên đề Giáo Dục TGP SG (CTCĐGD) tổ chức “Bữa cơm Thiên đường”, diễn ra vào lúc 17g00 thứ Ba, ngày 02.12.2015, tại khuôn viên nhà xứ.

 

Thành phần tham dự


Cha chánh xứ Giuse bộc bạch: “Tôi mới về giáo xứ được 2 tháng và rất muốn có dịp họp mặt với bà con giáo dân. Vì thế, nhân kỷ niệm 11 năm thụ phong linh mục (02.12.2004 - 02.12.2015), tôi mạnh dạn mời 600 khách, gồm 400 người di dân cùng các hộ nghèo đang ở trọ trong địa bàn giáo xứ, và 200 người đại diện các giáo khu đến chung vui với giáo xứ. Đồng thời, đây cũng là dịp tôi muốn khôi phục giá trị bữa cơm gia đình và việc thánh hóa bữa ăn hằng ngày trong giáo xứ”.

 

Khai mạc


Chương trình chính thức bắt đầu vào lúc 14g30 với phần múa khởi động. Dù đại đa số là quý bà và những người lớn tuổi, nhưng nhóm trẻ CTCĐGD đã giúp mọi người “xích lại gần nhau” bằng các cử điệu nhịp nhàng của bài hát “Tình yêu gia đình”. Tiếp đó, Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Hà và quý soeur Dòng Đaminh Tam Hiệp  đã giúp cộng đoàn cầu nguyện đầu giờ: “Thánh Thần! Hãy đến chúc lành cho bữa cơm gia đình chúng con...”. Lúc này đây, một bầu khí thánh thiêng, thật sâu lắng đã bao trùm lên cả khán phòng. 

 

Chương trình gồm 2 phần:

 

Phần 1: Thực trạng và ý nghĩa bữa ăn gia đình

 

Phần 2: Trải nghiệm “Bữa cơm Thiên đường”

 

Thực trạng và ý nghĩa bữa ăn gia đình


Sau phần phát biểu khai mạc của cha chánh xứ, cả khán phòng vui nhộn hẳn lên khi 10 người lên sân khấu chia nhau tìm kiếm báu vật. Khi 4 báu vật được tìm thấy gồm: Cây Thánh giá, tiền mặt, sách Lời Chúa, sách học làm người, Soeur Maria Nguyễn Thị Hồng Quế đã đặt những câu hỏi:

 

- Trong một ngày, chúng ta đã dành bao nhiêu phần trăm thời gian để kiếm tiền?  (Đồng tiền).

 

- Trong một ngày, thời gian học hành của chúng ta chiếm bao nhiêu phần trăm? (Quyển sách).

 

- Vậy thì, ta dành cho Chúa được bao nhiêu phần trăm quỹ thời gian của một ngày (Cây Thánh giá).

 

- Chưa nói, chắc ta dành thời gian để học hỏi Lời Chúa thật quá ít! (Sách Lời Chúa).

 

Qua đó, Soeur Hồng Quế nêu lên “Thực trạng bữa ăn gia đình và việc thánh hóa bữa ăn” hiện nay. Soeur trình bày: “Ngày nay, với công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, thật não lòng khi nhìn vào thực tại: Trong bữa cơm, tuy mọi người đều ăn nhưng lại làm những việc riêng: Người chồng lướt web, người vợ xem tivi, con cái chơi trò chơi điện tử hoặc chat với bạn bè... Còn đâu nữa là bữa cơm gia đình, để mọi người trò chuyện, chia sẻ cho nhau những lo toan thường ngày, và đã đánh mất đi ý nghĩa đích thực của bữa cơm gia đình, mà lẽ ra nó phải thật sự là “Bữa cơm Thiên đường”.

 

Em Cecilia Trương Ngọc Quỳnh Anh - giáo lý viên, SV năm thứ 4 Đại học Quốc gia - nhận định: “Điều Soeur Hồng Quế nêu lên rất đúng. Gia đình em trước bữa ăn cũng đọc kinh theo thói quen, nhưng rồi tivi và điện thoại đôi lúc cũng làm cho bầu khí bữa cơm gia đình thiếu đầm ấm”.

 

Nối tiếp, tiết mục múa của vũ đoàn Rồng Việt đã diễn tả được niềm vui của một bữa cơm gia đình khi có Chúa hiện diện. Qua đó, Soeur Maria tiếp tục giúp mọi người cùng khám phá lại tầm quan trọng và ý nghĩa đích thực của bữa ăn gia đình qua các chiều kích:

 

- Bữa ăn là điểm hội tụ gia đình, là chiếc nôi xây dựng và bảo vệ gia đình, là nơi bộc lộ và gắn kết yêu thương.

 

- Bữa ăn là nơi phát triển lòng tự tin và tài năng của các thành viên. Đặc biệt là giúp các thành viên trong gia đình phát triển đời sống tâm linh.

 

Thật đắng lòng khi tham dự viên theo dõi tiểu phẩm: “Thực trạng bữa ăn của gia đình” do nhóm Rồng Việt thực hiện. Vở kịch đã tái hiện một thực trạng đau lòng đang diễn ra nơi các gia đình, và đã gây xúc động cho các thành viên tham dự. Giá trị đích thực của bữa ăn gia đình Công giáo chính là khi mọi người biết cùng nhau cầu nguyện, quan tâm chăm sóc nhau và trò chuyện với nhau. Đó chính là thông điệp mà tiểu phẩm đã gửi đến mọi người.

 

Phát biểu sau tiểu phẩm, Soeur Maria ước mong mọi thành viên trong gia đình hãy trân trọng những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta trong bữa cơm là lương thực hằng ngày. Chúng ta không thể để những hạt gạo Chúa trao ban trở thành hạt đắng cho nhau. Vì thế, CTCĐGD đã gửi tặng mỗi tham dự viện quyển sách “Lời nguyện thánh hóa bữa ăn” do Ủy ban Loan báo Tin Mừng và CTCĐGD biên soạn, với ước muốn các gia đình hãy thực hành việc cầu nguyện trước và sau bữa ăn bằng những lời nguyện đơn sơ, ngắn ngọn trong quyển sách.

 

Cầm quyển sách “Lời nguyện thánh hóa bữa ăn” trên tay, Chị Maria Nguyễn Thị Xinh - thuộc giáo họ Mẹ Thiên Chúa - bộc bạch: “Gia đình em nghèo lắm. Chồng chạy xe ôm, em bán vé số; ngày ngày, trước khi dùng bữa cơm đạm bạc, vợ chồng chỉ làm dấu Thánh giá chiếu lệ nhưng không có chút tâm tình tạ ơn nào! Từ nay, gia đình em sẽ luôn dâng lời tạ ơn và xin Chúa thánh hóa bữa ăn của gia đình em”.

 

Chương trình được tiếp nối với phần hướng dẫn trải nghiệm của Anh Luca Nguyễn Vũ Minh Tâm - Chuyên gia huấn luyện khóa Nhân Trí Dũng. “Hãy giữ lấy hạnh phúc gia đình” là thông điệp mà anh đã trao gửi đến các tham dự viên. Anh nhắn nhủ: “Mọi người cùng nhìn thấy cái tốt của nhau và sống vì nhau, yêu thương, tôn trọng, hy sinh cho nhau, cùng nhau chu toàn trách nhiệm của mình và làm gương cho con cái”.

 

(Mời xem hình tại đây)

 

Trải nghiệm “Bữa cơm Thiên đường”


Phần 2 của chương trình dành cho 600 vị khách đặc biệt do cha chánh xứ mời. Mọi người có được những khoảnh khắc trải nghiệm đáng nhớ với “Bữa cơm Thiên đường” theo tinh thần Kitô giáo, và mừng kỷ niệm 11 năm linh mục của cha chánh xứ.

 

Thực đơn bữa ăn hôm nay gồm có 3 món: Đùi gà chiên bơ ăn với xôi, đậu hũ nhồi thịt để ăn cơm, lẩu và tráng miệng. Những món ăn rất bình dị nhưng mọi người đều ăn ngon miệng; nhất là, niềm vui ngập tràn các bàn ăn vì trước bữa cơm đã được thánh hóa rất “bài bản”.

 

Khi ra về, Anh Matthêu Đặng Minh Thu vui vẻ nói: “Bữa cơm kỷ niệm 11 năm cha chánh xứ thụ phong linh mục thật ý nghĩa. Vì từ đây, mỗi gia đình trong giáo xứ sẽ vận dụng những điều được hướng dẫn hôm nay vào trong gia đình, để bữa cơm của các gia đình, dù sang trọng hay đạm bạc, sẽ luôn là ‘Bữa cơm Thiên đàng’”.

 

Bữa ăn kết thúc lúc 20g30, mọi người ra về với tiếng hát của các anh chị giáo lý viên: “Trong Giêsu, chúng ta là tấm bánh” cùng những cử điệu nhịp nhàng như thắt chặt tình thân.

 

Cầu chúc mọi thành viên trong các gia đình đều cố gắng vượt qua thử thách trong cuộc sống để trở thành nguồn “cảm hứng” sống tích cực cho những người chung quanh, nhất là cho các thành viên trong gia đình.