HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
Hiệp Nhất Trong Đa Dạng
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
LỄ HIỆN XUỐNG
WGPSG -- Hiện nay trên thế giới có 1.243 Dòng Nữ và 250 Dòng Nam. Tất cả các Hội Dòng này đều tuyên xưng cùng một lý tưởng Tin Mừng. Tuy vậy, mỗi Dòng được khai sinh ra với một tinh thần và một cách sống riêng do đấng sáng lập đề ra để đáp ứng cách tốt nhất những nhu cầu tâm linh của thời đại (Vat. II, Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì, số 1). Mỗi đặc sủng của Hội Dòng đều là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi ơn gọi của từng cá nhân các tu sĩ đều là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Mỗi Hội Dòng, mỗi ơn gọi đều có nét độc đáo của nó, để diễn tả Tin Mừng trong một hình thức đặc biệt của đời sống, để với con mắt đức tin, họ đọc các dấu chỉ của thời đại, để đáp trả, với sự sáng tạo, cho các nhu cầu của Giáo Hội (x. ĐTC Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người sống đời thánh hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến, mục I, số 1). Tất cả đã và đang góp phần mình tạo nên một vườn hoa muôn sắc của Giáo Hội (x. Nội san chia sẻ, số 77).
Giáo Hội thật đa dạng: nhiều giáo phận - giáo xứ, nhiều dòng tu, nhiều linh đạo, nhiều phương thức làm tông đồ, nhiều hội đoàn… sự đa dạng này thể hiện một sức sống thật phong phú. Đa dạng mà vẫn hiệp nhất. Đó là ân ban của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay có những giáo huấn rất sâu sắc: mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng "đặc sủng" của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần; đừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác, đó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội; tận dụng "đặc sủng" Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.
Trong ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã khai thông mọi tương giao, phá vỡ bức tường đã bị đóng kín từ sự kiện tháp Babel. Chúa Thánh Thần trở nên nguyên lý hiệp nhất trong đa dạng và tạo nên mùa xuân mới cho Giáo hội.
1/ Câu chuyện Tháp Babel
Sách Sáng Thế 11,1-9 kể câu chuyện về Tháp Babel.
Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất.
Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng đó, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả.
Hình ảnh tháp Babel mượn từ các tháp Ziggurat miền Lưỡng Hà: tháp vuông, nhiều tầng, càng cao tầng nhỏ lại. Những tháp này xây trong khu vực đền thờ với mục đích tôn giáo là để bắt liên lạc với thần trên cao bằng dâng lễ vật và làm bệ để thần lên xuống với con người. Ngày nay còn có nhiều di tích về các tháp này. Tác giả Thánh kinh mượn hình ảnh các tháp Ziggurat để cắt nghĩa tại sao loài người lại chia rẽ và phân tán, từ đó dạy bài học tôn giáo. Babel bởi động từ balal (làm cho lộn xộn). Tác giả dùng hình ảnh xây tháp Babel để chỉ tội cộng đồng của con người, muốn dựa vào sức lực và tài năng của mình để chống lại Chúa, gạt bỏ Chúa mà tự quyết định cho mình. Trong Cựu ước, Babel là kinh đô của một đế quốc hùng mạnh tượng trưng cho sự kiêu căng.
2/ Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất.
Một khi con người đã loại bỏ Chúa, tự nhiên chia rẽ và phân tán với đồng loại. Kiêu căng gây chia rẽ. Thiên Chúa là duy nhất và là giềng mối hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể được tái lập bởi và quanh Thiên Chúa. Ngày Hiên Xuống, Thánh Thần sẽ hiệp nhất nhân loại quanh Đức Kitô Phục Sinh (Cv 2,1-11). Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo Hội trở thành Giáo Hội của mọi dân tộc.
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh. Bài đọc 1, sách Công vụ kể: Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.
Trong thời gian lễ Ngũ Tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các Tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa?
Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo mà mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Có được như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt. Chúa Thánh Thần là sự trẻ trung của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là năng lực đổi mới thế giới. Ngài như luồng gió cường tráng. Ngài như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.
Qua hình ảnh lưỡi lửa và ơn nói nhiều thứ tiếng nơi các Tông đồ, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần dùng đã liên kết và tạo nên sự cảm thông. Đó chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu. Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài là thiếu vắng tình yêu, con người không thể hiểu biết nhau, không thể xích lại gần nhau và không thể cảm thông với nhau, khi đó hận thù sẽ bùng nổ.
Chương 17, Tin Mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh mà Phụng vụ Lời Chúa đọc trong tuần lễ này, trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh Ngài qua cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cầu nguyện cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỷ lại chính mình, kiêu căng tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu tham vọng, tham vọng thống trị, tham vọng giàu sang và nhiều tham vọng khác. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật, gìn giữ Giáo hội trong tình thương, hiệp nhất Giáo hội trong Chân Lý và thánh hiến Giáo hội trong Sự Thật.
3/ Mùa xuân mới của Giáo hội.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đang họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiêc Ly cùng với Đức Maria. Chúa Thánh Thần đã Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, ban tràn đầy sức sống mới. Quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội với sức lay động và chuyển thông.
Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến như thể cuồng phong thổi vang dậy đầy nhà. Ghế bàn không bay bổng, tường và mái nhà vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Quyền năng Chúa Thánh Thần như gió mạnh đã làm bật tung các ổ khoá, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Đồ đang ẩn náu. Quyền năng Thánh Thần tung họ ra khỏi pháo đài để với hai bàn tay không và một trái tim đầy nhiệt huyết họ đi vào thế giới rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.
Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông Đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Chúa Giêsu Thương Khó và Phục Sinh. Có 3.000 người xin được Rửa Tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.
Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông Đồ nhỏ bé, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây, khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.
Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một niềm tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hơm hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.
Mùa xuân mới trong công trình cứu độ khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Các môn đệ không còn co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên, những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Vì vậy, trong đáp ca cũng như trong ca tiếp liên của Thánh Lễ, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến để Ngài đổi mới mặt địa cầu, để Ngài canh tân lòng trí tín hữu.
Ngày nay, Giáo Hội vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt, đó là quyền năng Chúa Thánh Thần. Với quyền năng này, Giáo Hội không bao giờ chịu đóng chặt cửa để an hưởng hay cố thủ. Giáo Hội luôn ra khỏi tháp ngà để rao truyền Tin Mừng, dấn thân vào cuộc sống muôn mặt của thời đại, đồng hành và thích ứng với nhân loại trong thế giới ngày nay.
Công Đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống Mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thổi sinh khí mới và ban cho Giáo Hội những ân huệ lớn lao. Mẹ Têrêxa Calcutta, Cha Thánh Piô, Thánh Gioan Phaolô II, ĐTC Phanxicô là những gương mặt vĩ đại đã và đang làm bừng lên sức sống tình thương, hoà bình của Chúa Thánh Thần trong thế giới sục sôi vì chiến tranh và hận thù này.
Mỗi tín hữu cảm nhận được tình yêu và hồng ân của Chúa Thánh Thần ban tặng như một đặc sủng Thánh Linh, từ đó hiệp nhất trong đa dạng, phong phú trong sứ vụ, trung thành với sứ mạng và ơn gọi của mình, để niềm vui Tin Mừng được lan tỏa tới mọi người, hầu trở nên những chứng tá sống động trong lòng Giáo Hội và giữa lòng trần thế hôm nay.