HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Hoa trái của thập giá

Nếu chúng ta tin rằng ẩn tàng trong thập giá của mỗi đời người luôn có hạt giống Tin Yêu và Hy vọng, chúng ta sẽ sống lạc quan hơn, chấp nhận ôm lấy thập giá và để Chúa Giêsu cùng vác gánh nặng đời mình.

Magnificat

 

Ai cũng có thập giá của mình


Chẳng ai muốn vác thập giá
Nhưng … không ai mà không có thập giá


Tuy gánh nặng do bệnh tật, nghịch cảnh, trách nhiệm, tha nhân v.v… của mỗi người có khác nhau, nhưng thập giá trong đời người là một thực tế mà chắc không ai trong chúng ta phủ nhận. Tuy nhiên, cái nhìn và thái độ của người tín hữu đối với những loại hình đau khổ này thì khác với người vô tín ngưỡng.

 

Có những khổ đau biểu hiện ra bên ngoài, hiển thị trên gương mặt và thân xác mà ai nhìn cũng thấy tội nghiệp, đáng thương. Nhưng cũng có bao nỗi khổ tâm, tổn thương tinh thần hay tình cảm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu cảm. Ngoài ra còn có những khủng hoảng đức Tin, bao thử thách trong cuộc sống làm con cái Thiên Chúa. 

 

Chẳng hạn như Mẹ thánh Teresa Calcutta - người phụ nữ được cả thế giới ngưỡng mộ như “nữ hoàng của dân nghèo”, người cầu nguyện mỗi ngày một giờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể -, mà còn trải nghiệm tình trạng đêm tối của đức Tin trong 50 năm, đó là bóng tối do cảm nhận thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa. Mẹ từng cảm thấy tâm hồn mình lạnh buốt như “một khối băng”, bị Thiên Chúa “bạc đãi” và “ném bỏ”… Nhưng qua đó, Mẹ Teresa đã thật sự chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Thiên Chúa dùng đêm tối đức Tin để thanh luyện và giúp Mẹ kết hợp sâu xa hơn với Đấng Cứu Thế, hầu dẫn đưa Mẹ vào Ánh sáng huyền nhiệm và tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

 

Tôi tự hỏi: những khổ đau mình đã hay đang gặp có thấm thía gì so với đau khổ nội tâm của Mẹ, với đau đớn của bao anh chị em bệnh tật, và nhất là khổ đau nội ngoại giới của Đức Giêsu Kitô?  


Cái “được” và “mất” của người môn đệ


Kitô hữu nào cũng biết đòi hỏi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ: “vác thập giá mình mà đi theo tôi” và “từ bỏ tất cả của cải mình có” (Lc 14,27.33), nhưng không phải người Công giáo nào cũng kiên trung vác thập giá của mình đến cùng và can đảm từ bỏ những gì mình có để theo Chúa Giêsu!   

 

Hơn nữa, trong đời sống, chúng ta thường chỉ dừng lại và tập trung vào cái mất mát, những thứ phải từ bỏ, mà không ý thức hay nhấn mạnh đủ đến những cái được của người môn đệ!

 

Khi nghe thánh Phêrô bộc bạch: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!", Ðức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau." (Mc 10,28-30).

 

Như hai mặt của một bàn tay, đau khổ và hạnh phúc là hai mặt của mỗi cuộc đời. Chúng ta không thể chỉ tiếp nhận hạnh phúc mà khước từ đau khổ. Nếu biết và dám ôm lấy nỗi đau - của bản thân hay tha nhân - với Chúa và trong Chúa, đau khổ sẽ trở thành hạt giống của hạnh phúc. 

 

Câu chuyện Tonne kể lại đáng cho chúng ta suy nghĩ, đặc biệt khi gặp nghịch cảnh, mất mát hay thua thiệt…:

 

Cậu bé nọ có một con chiên, cậu rất yêu quý và hay chơi đùa với nó. Lần kia, con chiên quẹt phải bụi gai khiến nó mất một mảng lông và bị chảy máu. Cậu bé một mực đòi bố chặt bỏ bụi gai đáng ghét kia đi, vì đã làm đau con chiên của cậu. Nhưng bố ngồi xuống bên cậu, không xa bụi gai lắm và thinh lặng quan sát. Một chú chim nhỏ bay đến đậu trên bụi gai và ngây ngất hót líu lo. Sau đó, nó nhặt một ít lông chiên còn vướng trên bụi gai và bay về làm tổ[1].

 

Nếu chúng ta tin rằng ẩn tàng trong thập giá của mỗi đời người luôn có hạt giống Tin Yêu và Hy vọng, chúng ta sẽ sống lạc quan hơn, chấp nhận ôm lấy thập giá và để Chúa Giêsu cùng vác gánh nặng đời mình.

 

Bước theo Thầy Giêsu trên hành trình thương khó và biết để cho Người cùng đi đàng thánh giá của riêng mình, thập giá của tôi sẽ nở hoa và cuộc sống tôi sẽ trổ sinh hoa trái bình an và xót thương cho những anh chị em gặp gỡ trong đời.


(9/2016)



[1] Frank Mihalie, Dụ ngôn đời thường, Nhóm Alpha biên dịch, tr. 376.