HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Ít suy tư nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4)

Tuy chưa có thống kê về thành phần Công giáo trong số người khuyết tật, nhưng thực tế cho thấy anh chị em khuyết tật là một trong số những đối tượng đáng quan tâm về phương diện mục vụ và tâm linh.

Đồng hành KT

 

Theo trang tin điện tử của đài truyền hình VTV, ngày 18.4.2015 (vtv.vn), Việt Nam là một trong những nước có số người khuyết tật (KT) khá cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với khoảng 7 triệu người (chiếm 7,8% dân số), trong đó 40% người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ, gần 20% chưa tốt nghiệp tiểu học. Tuy chưa có thống kê về thành phần Công giáo trong số người khuyết tật, nhưng thực tế cho thấy anh chị em khuyết tật là một trong số những đối tượng đáng quan tâm về phương diện mục vụ và tâm linh.


Về nguyên nhân gây khuyết tật, có người thì bẩm sinh, người khác do bệnh tật (sốt bại liệt), một số khác do tai nạn giao thông hay lao động. Những người KT còn mái ấm gia đình thì đở thiệt thòi và thiếu thốn về mặt tình cảm và tri thức hơn anh chị em KT xuất thân từ các cô nhi viện hay trường trại, cơ sở công lập.


Trong những năm gần đây, các tổ chức từ thiện phi chính phủ (ONG) hay chính phủ (1) đã có những hoạt động hỗ trợ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật để họ có thể hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng. Nhằm góp phần tạo công ăn việc làm cho anh chị em KT, một số doanh nhân Công giáo Sài Gòn đã đón nhận người KT làm trong các cở sở kinh doanh của mình.


Cô Hoàng Nữ Ngọc Tim, tên thật là Aline Rebeaud, người Thụy sĩ, đã dành cả tuổi thanh xuân để dấn thân chăm lo cho người KT Việt Nam từ 20 năm qua các hoạt động hướng nghiệp và từ thiện đó đây, trong cũng như ngoài nước. Dù mới ở tuổi 43, nhưng hiện Tim đã có hơn 80 đứa cháu nội, ngoại của 200 người khuyết tật mà chị cưu mang đỡ đầu. Chị kể, để có điều kiện chăm sóc sức khỏe vật chất và tinh thần cho con cháu của mình, hằng năm chị đi vòng quanh thế giới, giới thiệu về căn nhà May Mắn của mình, nơi bao người bất hạnh đang cần sự giúp đỡ cưu mang của những tấm lòng nhân đạo. Châm ngôn hoạt động của Nhà May Mắn là: "Nếu bạn cho họ một con cá, họ sẽ ăn trong một ngày. Nếu bạn dạy cho họ cách câu cá, họ sẽ ăn mãi mãi." (2).


Về mặt xã hội, chính những anh chị em khuyết tật cũng chủ động đề xuất nhiều hoạt động, tự phát hay có tổ chức, để chăm lo và phát triển cho giới của mình. Chẳng hạn như Trung Tâm Khuyết Tật và Phát Triển - Disability Research and Capacity Development (viết tắt DRD, còn gọi là "Đời rất đẹp"), các lớp khiêu vũ, đào tạo nghề nghiệp cho người KT, các buổi giao lưu, chương trình "Một trái tim, một thế giới" đã tổ chức được 12 lần (lần sau cùng hôm 17.4.2015) v.v…


Về phương diện chăm sóc mục vụ, bữa ăn sáng sau Thánh lễ Chúa nhật tại một giáo xứ thuộc Hạt Gia Định - quận Bình Thạnh, là một nghĩa cử hiệp thông và liên đới giữa Kitô hữu với anh chị em khuyết tật qui tụ về dự lễ hàng tuần. Vài xứ đạo trong thành phố đã có Thánh lễ hàng tháng cho các bệnh nhân và những anh chị em khuyết tật. Đây là một sáng kiến đáng khích lệ trong mục vụ bệnh nhân. Được biết Ban Bác ái - Xã hội Caritas giáo phận cũng đã đào tạo cộng tác viên phục vụ các em bại não, cung cấp các xe lăn và lắp chân giả cho anh chị em KT (3). Trong những năm gần đây, Ban giáo lý giáo phận đang soạn thảo chương trình giáo lý dành cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có người khuyết tật.  Để ý thiết kế lối đi, chỗ ngồi và nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật trong khuôn viên nhà xứ, nhà thờ… cũng biểu hiện sự quan tâm đến thành phần kém may mắn này ngay trong đời sống của Giáo hội.


Về mặt đời sống tâm lý, do gia cảnh cũng như điều kiện khó khăn di chuyển về thể lý, phản ứng và tâm lý của anh chị em KT cũng có những nét đặc thù, khác với người lành lặn về tứ chi. Vì thế, họ dễ rơi vào tình trạng mặc cảm và cần đến những người đồng hành nhiệt tâm cũng như những nhà tham vấn tâm lý chuyên môn, để giúp đỡ trong tiến trình hội nhập và quân bình tâm lý. Thiết tưởng đây là lĩnh vực mà cả xã hội lẫn Giáo hội cần đầu tư và hỗ trợ thêm về nhân sự.


Anh chị em khuyết tật không những là đối tượng của sự quan tâm, chăm sóc mục vụ của các mục tử và các đoàn thể Công giáo, mà còn có thể tham gia vào hoạt động tông đồ (thăm viếng bệnh nhân, cầu cho người từ trần, chia sẻ Lời Chúa…), và trở thành tác nhân cho công cuộc loan báo Tin Mừng, nhất là cho những anh chị em cùng cảnh ngộ với mình.

 

Tư liệu tham khảo:

vtv.vn

www.maison-chance.org

-------------------------

(1) Ngày 28/11/2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật tại kỳ họp thứ 8. Việt Nam cũng tham gia vào các sáng kiến quốc tế để thúc đẩy quyền con người nói chung và quyền của người khuyết tật nói riêng.

Trong hai ngày 7-8/2/2015, tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UNICEF tổ chức Hội thảo "Đối thoại về chính sách giáo dục hòa nhập có sự tham gia của trẻ em gái và phụ nữ khuyết tật" với sự tham gia của đại diện ngành giáo dục, Bộ Lao động, Thương binh-Xã hội và các tổ chức liên quan đến người khuyết tật. (http://www.vietnamplus.vn/doi-thoai-ve-giao-duc-hoa-nhap-tre-em-gai-va-phu-nu-khuyet-tat/307795.vnp)

(2) www.maison-chance.org/maison-chance/vi/cause/5920

(3) Từ 12/2012 đến 2015, Ban BAXH đã lắp đặt chân giả cho 233 bệnh nhân; từ 2011-2015, trao tặng xe lăn cho 530 bệnh nhân và đào tạo được 22 cộng tác viên giúp trẻ bại não.


(Nguồn: WGPSG)