HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
Khi những điều bình thường trở thành lạ lẫm
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Trong quan niệm thông thường, người ta đánh giá một cử chỉ, một sự việc là “lạ” khi chưa biết rõ nguồn gốc, hay vì nó không tuân theo quy luật thông thường. Một người “lạ” là người không biết từ đâu đến, hoặc không ai quen biết. Một hiện tượng “lạ” là điều xảy ra không theo quy luật tự nhiên, hoặc không mấy khi được chứng kiến. Một thái độ “lạ” là cử chỉ bất thường, không giống ai trong đối nhân xử thế. Cũng thế, một sự kiện được cho là “hiếm” nghĩa là ít khi xảy ra, gây ngạc nhiên nơi những người chứng kiến. Những đồ vật hay chất liệu được coi là “hiếm” thường là rất quý, rất đắt đỏ và được nhiều người săn tìm.
Trong xã hội của chúng ta hôm nay, những điều xem ra rất bình dị thông thường, lại được đánh giá là “lạ”. Những cử chỉ lễ phép là nội dung giáo dục truyền thống dành cho trẻ em từ thuở chập chững, nay được coi là “hiếm”. Thì ra, trong một xã hội kinh tế và kỹ nghệ càng càng phát triển, thì những điều nền tảng cho nền đạo đức và giao tế trong xã hội có nguy cơ bị lãng quên.
Còn nhớ, cách nay không lâu, một bác xích lô ở Hà Nội dừng xe để dẫn một cụ già qua đường đang đông xe cộ. Hành động này được mọi người coi là “hiện tượng lạ”.
Cách nay chừng hai tháng, hình ảnh học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (Tp HCM) khoanh tay chào bác bảo vệ trường, được rất nhiều người “like” trên mạng và cũng coi là một hiện tượng hiếm (Bài đăng trên báo điện tử ZING 30-9-2017).
Thế rồi, cư dân mạng lại được thể bàn tán và “sốt xình xịch” với hình ảnh nhân viên cây xăng của Nhật đứng dưới mưa cúi đầu chào khách.
Có người cắt nghĩa vui và so sánh thị hiếu của con người thời hiện đại đối với các loại thực phẩm. Ngày xưa, khi còn khó khăn nghèo đói, có những món ăn ở miền quê đã trở thành chán ngắt và rẻ tiền, nhưng mọi người vẫn phải ăn vì không có chọn lựa nào khác. Trong thời phát triển ngày nay, những món ăn đậm chất hương đồng gió nội lại trở thành đặc sản đắt giá và được nhiều người ưa thích săn lùng. Sau khi người ta đã chán với cao lương mỹ vị, người ta tìm về với món ăn dân dã quê mùa, thưởng thức những món ăn xưa kia chỉ thuộc về nhà nghèo như châu chấu, chuột, sâu bọ, ngô, khoai…
Trong kho tàng văn chương truyền thống của dân Việt chúng ta, những giáo dục về lòng hiếu thảo, về lời chào và lễ phép rất phong phú. Những ý tưởng đơn sơ mà rất cụ thể, đã trở thành lời ru của mẹ bên nôi, như những lời khuyên nhủ và những giáo huấn đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách, làm nên vốn hành trang vào đời:
* Một chào, hai dạ, ba thưa
Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường.
* Ai cho ai biếu của gì
Tay thì cấm lấy, miệng thì cám ơn.
* “Lời chào cao hơn mâm cỗ, tiếng mời thơm hơn mùi rượu”.
Tháng 3-2016, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam đã phát động phong trào thực hiện văn hóa ứng xử và đề nghị nhân viên của ngành học “4 xin và 4 luôn”. Thoạt nghe có vẻ ghê gớm, nhưng thực ra cũng chỉ là những điều đáng lẽ phải học từ lớp mẫu giáo. Bốn xin là: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Bốn luôn là: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. Những lần đi ngang qua các trạm thu phí đường bộ, còn thấy những dòng chữ này được ghi trên tấm biển, nhưng không rõ sau hơn một năm phát động, kết quả của phong trào này đi đến đâu. Bởi lẽ trong thực tế, nhiều nơi và nhiều lúc, “4 xin và 4 luôn” vẫn dừng lại ở những công thức vô hồn mà ít được áp dụng. Thực ra, nụ cười, lời cám ơn và sự thân thiện không chỉ được áp dụng theo công thức chiếu lệ hay theo lệnh của cấp trên, nhưng nó phải phát xuất từ tấm lòng. Một vài cửa hàng kinh doanh, muốn cải cách và áp dụng phong cách tiếp thị nước ngoài, nên huấn luyện cho nhân viên của mình có một công thức chào khách giống nhau. Vì chỉ là công thức, cho nên lời chào và lời cám ơn đã khiến khách giật mình. Lời chào đáng lẽ thể hiện sự thân thiện, lại trở thành hài hước và vô duyên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng quên lãng và coi nhẹ những cử chỉ lễ phép, hiếu thảo trong giao tế đời thường. Trong thời bao cấp và thời “mậu dịch quốc doanh”, sự lễ phép, lời chào hoặc lời cám ơn bị coi như những “tàn dư của thời phong kiến” và bị tẩy chay. Ngày nay cũng vậy, người ta mải chạy theo tham vọng làm giàu, mà quên các tiêu chí đạo đức và văn hóa ứng xử hằng ngày. Nhiều người sống ở nước ngoài, khi về Việt Nam, muốn tỏ ra mình đã “Tây hóa” hoặc “Mỹ hóa”, nên cách ứng xử, ăn mặc nói năng không còn mang nét truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhiều người lại tự hào và cho mình là người của thời hiện đại. Đàng khác, dư luận quần chúng cũng dễ dàng chấp nhận một quan niệm sống sơ sài, đôi khi đi ngược với quan niệm truyền thống.
Cũng phải kể đến trách nhiệm của và trường học, là sự nghiệp “trồng người”. Nhiều khi ngành giáo dục mải chạy theo thành tích hoặc những tiêu chí được khen thưởng, hơn là chất lượng giáo dục. Điều này đã được đề cập quá nhiều trên báo chí. Vì coi thành tích là tiêu chí chính yếu, nên chất lượng bị quên lãng. Hậu quả là có em học sinh lớp 7 mà không viết nổi tên mình. Trường hợp này không phải hư cấu, mà được Bộ Giáo dục - Đào tạo khẳng định đây là thông tin đúng sự thật tại trường Trung học cơ sở A Dơi, Quảng Trị (Bài đăng trên báo điện tử ZING 13-4-2015). Dòng chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của giáo dục truyền thống vẫn được đắp nổi trước cửa các trường học, nhưng nhiều khi, đó chỉ là những khẩu hiệu chiếu lệ. Hậu quả là học sinh hành hung giáo viên, học sinh đánh nhau rồi quay video clip phát tán trên mạng trước sự dửng dưng, thậm chí cổ vũ của bạn bè.
Đào tạo cho thế hệ tương lai về đạo đức nhân bản là trách nhiệm của các bậc phụ huynh, các cộng đoàn giáo xứ và của toàn thể xã hội. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh, học sinh mà biết chào bác bảo vệ, thì trường đó sẽ không có bạo lực, con cái biết nói lời cám ơn, gia đình sẽ hòa thuận; trẻ em ra đường biết chào người lớn, xóm làng sẽ an vui. Cộng đồng trách nhiệm từ phụ huynh tới nhà trường, từ xã hội đến Giáo Hội, sẽ làm cho cuộc sống của chúng ta phát triển toàn diện và bền vững.
Hải Phòng, tháng 11 năm 2017