HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
Lễ Mồng Hai Tết, cầu cho ông bà tổ tiên
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
MỒNG HAI TẾT
Anh chị em thân mến
Hôm nay là ngày mồng hai tết. Giáo Hội Mẹ của chúng ta muốn chúng ta dùng ngày đầu năm đặc biệt này để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta.
I. Công ơn của Tổ tiên Ông Bà cha mẹ thật không sao mà kể cho hết, như trời như biển. Công cha chẳng khác gì núi Thái - Nghĩa mẹ chẳng khác gì như nước trong nguồn.
Ngày xưa Đức Phật đã dạy các đệ tử: “Trên đời này có hai người mà ta không thể trả hết ơn được là cha và mẹ ta. Dù có cõng cha mẹ trên vai suốt cả trăm năm cuộc đời, hay có tán xương lóc thịt để làm thức ăn cho cha mẹ cả trăm ngàn kiếp, cũng chưa đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vì công ơn cha mẹ to lớn lắm” (Kinh Vu Lan).
+ Có rất nhiều câu truyện cảm động về những lo lắng của cha mẹ dành cho con cái. Nhưng câu truyện về Mạnh Tử là một trong những câu truyện hay nhất. Thầy Mạnh Tử lúc còn nhỏ đã may mắn có được một người mẹ hết lòng lo lắng dạy dỗ cho mình. Truyện kể rằng hồi đó nhà Thầy Mạnh Tử ở gần nghĩa địa. Mẹ thầy Mạnh Tử thấy con bắt chước người ta đào bới rồi lăn ra khóc. Bà liền dời nhà đến gần chợ. Tại đây bà lại thấy con bắt chước người ta sống nghịch ngợm và gian dối. Bà cho đây không phải là chỗ thích hợp cho con của bà. Bà lại dời nhà đi nơi khác.Lần này thì chuyển nhà của bà đến ở gần trường học. Ở đây Mạnh Tử thấy các bạn trẻ cùng lứa tuổi đua nhau tập lễ phép và học chữ nghĩa thì cậu cũng bắt chước. Bà mẹ thấy như vậy mừng quá và bà quyết dịnh ở lại đây luôn.
+ Tin Mừng không nói cho chúng ta nhiều về việc Thánh Giuse và Đức Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu như thế nào, nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Đức Mẹ giáo dục thật kỹ. Điều này quả không ai còn có thể hoài nghi.
+ Lịch sử của thế giới cũng để lại cho chúng ta rất nhiều những tấm gương thật cảm động về những người đã nên người nhờ công ơn cha mẹ.
Chẳng hạn như nhà Bác học Thomas Edison. Như nhà Bác học Louis Pasteur. Như Đức Thánh Giáo Hoàng Pio X. Như Thánh Gioan Don Bosco và còn biết bao nhiêu những người như thế. Họ là những đại ân nhân của cả nhân loại.
II. Nếu công ơn của tổ tiên Ông Bà Cha mẹ lớn lao như thế thì con cái phải làm gì để đền đáp?
Trong bức tâm thư gửi các gia đình nhân dịp năm quốc tế gia đình năm 1994 số 18 Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô đã viết như sau:"Hãy thảo kính cha mẹ bởi vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối ngươi là những người đại diện của Chúa, những người dẵ ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hóa. Sau Thiên Chúa các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là đấng tốt lành, nếu chỉ mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó ngươi hãy thảo kính Cha mẹ ngươi".
Nhưng bằng cách nào kính thưa anh chị em?
Có nhiều cách nhưng tôi chỉ xin được đề cập một vài cách cụ thể này:
a- Trước hết là phải biết ơn ông bà cha mẹ tổ tiên mình
Biết ơn là một trong những giá trị nền tảng cao quí nhất của cuộc sống làm người và đồng thời nó cũng là biểu hiện rõ rệt nhất của một con người biết sống với tư cách làm người của mình.
Trong Cựu Ước Thiên Chúa đã dùng cả một giới răn để nói về vấn đề này. Đó là giới răn thứ tư, “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ ngươi”.
Ngược lại vô ơn là thái độ đáng lên án. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn "Nói với chính mình" có viết những lời rất nặng như sau:"Người ta cho con chó một cái gì nó còn ngoáy ngoáy cái đuôi để tỏ lòng biết ơn. Con người mà không có lòng biết ơn thì không bằng con chó" Hơi nặng một chút nhưng thật là thấm thía.
Dân gian có một câu truyện đã được truyền lại từ đời này qua đời kia như thế này. Có một đôi vợ chồng kia làm ăn khá giả nhưng lại cư xử rất keo kiệt với những người trong gia đình. Trong nhà có một ông bố già. Vì già- đã trên 80 tuổi - cho nên mắt đã mờ, sức đã yếu tay chân không còn được khoẻ mạnh như hồi còn trẻ. Chính vì vậy mà mỗi khi ăn uống ông thường đánh rơi ly chén xuống đất làm bể rất nhiều ly chén. Người con dâu thấy như vậy nên cứ cằn nhằn hoài với chồng. Người cha tuy mắt đã mờ nhưng tai còn rất thính. Ông rất buồn nhưng không thế làm cách nào khác hơn. Ngồi ăn mà không cầm được nước mắt. Rồi một hôm khi chị ta xúi chồng đẽo cho cha một cái chén bằng gỗ để tiện cho việc ăn uống của người cha.
Câu truyện tưởng như thế là xuông xẻ nhưng thật không ngờ là một ngày kia khi hai vợ chồng có việc phải đi xa trở về. Khi vào trong nhà thì nghe thấy có tiếng gì như những tiếng đục đẽo vọng ra từ ở một góc nhà. Hai vợ chồng lại gần thì thấy đứa con trai cưng của mình đang cầm một cái chén bằng gỗ đã được làm gần xong. Bà mẹ tò mò hỏi thì đứa con ngây thơ trả lời:
- Con làm cái chén này để mai sau ba má có chén mà dùng giống như chén ba má đẽo mà ông nội đang dùng vậy đó.
Kính thưa anh chị em. Không biết anh chị em có còn nhớ không chứ riêng tôi, tôi rất nhớ câu ngạn ngữ đá có từ bao thế hệ như thế này: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó - Vâng sóng trước đổ đâu thì sóng sau sẽ đổ ở đó" anh chị em.
Đó là điều thứ nhất.
b - Điều thứ hai là phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
+ Cách hiếu thảo tốt nhất là vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ nhất là khi còn trẻ.
Tin Mừng tóm gọn cả cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nagiareth bằng những lời như thế này:"Ngài vâng lời và chịu lụy hai ông bà"
Tại tiệc cưới Cana vì Đức Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ.
+ Tiếp đến là hãy biết làm vui lòng cha mẹ.
Đời nhà Hán bên Trung hoa có một người nổi tiếng là có lòng hiếu thảo với cha với mẹ. Đó là Bá Du. Hồi còn nhỏ mỗi khi làm điều gì sai quấy mà bị mẹ đánh thì Bá Du luôn tươi cười vui vẻ nhận lỗi, không bao giờ dám cãi. Nhưng một ngày nọ sau khi bị mẹ sửa phạt bằng roi thì Bá Du oà lên khóc. Thấy thế bà mẹ thắc mắc hỏi:
- Bao nhiêu lần mẹ đánh con để dạy con mà con không khóc thế thì tại sao lần này con lại khóc?
Bá Du lễ phép trả lời:
- Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm thế nhưng con không khóc vì con thấy sức của mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau bằng những lần trước nhưng con lại khóc vì con thấy sức mẹ không còn khoẻ như xưa…mẹ đã già yếu. Con khóc vì thương mẹ chứ không phải vì giận hờn.
+ Cuối cùng nếu có thể được thì phải lo phụng dưỡng cho cha mẹ để cha mẹ được sống an vui khi tuổi đã xế chiều.
Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.
Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.
Đi được nửa đường, ông gặp một Vị lão tăng. Vị lão tăng khuyên Dương Phủ: "Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật".
Dương Phủ hỏi vặn lại: "Phật ở đâu?". Vị lão tăng giải thích: "Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy".
Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị lão tăng đã mô tả. Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.
Thứ nhất thì tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đạo con.
Một trong những hình ảnh đẹp nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu là cảnh Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan ở dưới chân cây Thập giá. Trước khi nắm mắt Chúa còn cẩn thẩn gửi gấm người mẹ của mình cho người môn đệ yêu quí nhất để Gioan thay cho Chúa mà lo cho Đức Mẹ. Thật hiếm có một việc làm nào đẹp như thế.
Xin Chúa thánh hoá tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài... Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa.