HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Nguy hại của 'Văn hóa hiệu quả'

Giá trị của bạn phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của bạn. Không có chỗ cho sự suy tư, thinh lặng, nghỉ ngơi hoặc sự yếu đuối!

WGPSG / Aleteia -- Hãy gấp rút trổ sinh hoa trái! 

Có một câu châm ngôn định hướng, dẫn dắt tư tưởng của con người trong xã hội hiện nay: “Giá trị của bạn tùy thuộc vào những gì bạn làm ra.” Cái nhìn thiển cận và không lành mạnh như thế về cuộc sống được tạo ra bởi một thứ “văn hóa hiệu quả”, đang lan tỏa khắp các lĩnh vực trong xã hội chúng ta. 

Câu châm ngôn đó cũng có thể mang những hình thức khác: Bạn chỉ thực sự hiện hữu khi bạn luôn hợp thời; bạn chỉ thực sự sống khi đến thăm càng nhiều nơi càng tốt; bạn chỉ có thể nhận được sự quý trọng nếu bạn làm việc nhiều nhiều hơn nữa. 

Tóm lại: giá trị của bạn phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của bạn. Không có chỗ cho sự suy tư, thinh lặng, nghỉ ngơi hoặc sự yếu đuối! 

Hãy gấp rút trổ sinh hoa trái! Đây là một tiêu chí, ở mức độ nào đó, có nguy cơ đầu độc tinh thần của chúng ta, thu gọn không gian của con người, tạo ra các thế hệ của những con người bị kích thích quá mức, những con người không bao giờ giao tiếp được với chính họ, và bị mắc kẹt trong một vòng xoáy điên cuồng. 

ĐTC Phanxicô đã nói, chúng ta cũng cần phải suy nghĩ về văn hóa lành mạnh của sự nhàn tản, biết cách nghỉ ngơi. 

Mệnh lệnh thúc ép chúng ta làm việc và phải thu lấy kết quả tối ưu cũng ảnh hưởng và gây hại cho đức tin của chúng ta, đến mức tạo ra hình ảnh về một vị Thiên Chúa của hiệu quả. Đó là một vị Thiên Chúa đòi hỏi những thành tích hoàn hảo, không ngừng làm việc, và cũng phán xét chúng ta theo kết quả chúng ta đạt được. 

Bất cứ ai có cái nhìn như thế về Thiên Chúa sẽ làm việc nhiều hơn những gì đáng phải làm, nhưng nỗi ám ảnh đó sẽ quá mức. Sự nhiệt thành cho việc này hay việc khác được nuôi dưỡng bởi ý nghĩ “đây là cách bạn thực thi ý Chúa” hoặc “bạn phải vác thập giá của riêng mình.” Ẩn sâu bên trong, đó là làm điều lành nhưng không có chừng mực hoặc mất quân bình. 

Có những người vì lý do này mà luôn cố sức làm việc, nỗ lực dấn thân tối đa, không bao giờ thư giãn, không hề bận tâm đến ý niệm nghỉ ngơi trong cuộc sống của họ. 

Điều này đôi khi được phản ánh trong “học thuyết chuộc tội” và trong ý niệm rằng Thiên Chúa “sẽ trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm.” 

Theo nhà phân tâm học Erik Erikson, điều này có thể đã được khắc sâu từ thời thơ ấu, ví dụ như khi cha mẹ đưa ra ‘cung cách đổi chác’: bạn chỉ có thể nhận được một lời khen, một giải thưởng hoặc một món đồ chơi từ cha mẹ “khi bạn hoàn thành nhiệm vụ của mình.” 

Những người triển khai cái nhìn về “một vị Thiên Chúa của hiệu quả” có thể sẽ bị kiệt sức; họ tập trung quá mức vào công việc, vào sự thành công và hình ảnh của mình, tuyệt vọng tìm kiếm sự tán thưởng cho việc họ làm, khi họ lao mình vào công việc một cách quá đáng. 

Theo Henri Nouwen, nhu cầu phải liên tục chứng minh tính hiệu quả của họ chính là con đường dẫn tới kiệt sức, là một dòng nước đục làm cạn kiệt năng lượng sống. 

Nói chung, những người này cũng trải nghiệm áp lực của sự kỳ vọng, nỗi sợ bị cạnh tranh từ người khác và nhu cầu phải kiểm soát mọi thứ - ngay cả cảm xúc của họ - để không được phép có một thiếu sót nào trong kết quả chung cuộc. 

Đôi khi, một ý nghĩ như vậy tạo ra một dạng của chủ nghĩa vị tha, mà thay vì là đức ái Kitô giáo chân thực và tốt đẹp, lại trở thành một cuộc chạy đua mất kiểm soát của chủ nghĩa hoạt động: làm nhiều, làm tốt hơn, làm mọi thứ! 

Rất nhiều lần hình ảnh này được củng cố bằng một bài đọc đầy tính hy sinh về sự cứu chuộc của Chúa Giêsu: “Người đã hy sinh thật nhiều cho bạn, nhưng bạn chưa làm bất cứ điều gì cho Người.” 

Người con thứ trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu đánh giá mối quan hệ của mình với Người Cha bằng tiêu chí hiệu quả. Trên đường về nhà, cậu nhẩm tính: “Tôi sẽ nói với cha tôi rằng: Thưa cha, con đã sai và rằng, nếu được, con ít nhất cũng có thể là người làm công cho cha, nếu con không còn đáng là con của cha." 

Nhưng người cha trong dụ ngôn không chờ đợi đứa con trai tự biện minh hay giãi bày về kết cục thất bại của mình. Ông thậm chí không để cậu nói, mà thay vào đó, chạy đến ôm chầm lấy cậu. 

Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu đã phá đi hình ảnh của một Thiên Chúa như Ông Chủ nghiêm khắc đặt những lỗi phạm của chúng ta lên bàn cân, và đong đếm tình yêu của Người dành cho chúng ta. 

Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói bên trong hằng thúc giục chúng ta, ngay giữa lúc hoạt động và thất bại, hãy trở về với Người bằng cả trái tim mà tận hưởng niềm vui của mái ấm và tình yêu, rồi sau đó mới tính đến mọi sự khác. 

Nhiều lần, Đức Giêsu đã thách thức não trạng thiên về hiệu quả. 

Khi Ngài muốn cho đám đông ăn, và thấy các Tông đồ “đang tính toán”, Ngài yêu cầu họ phải có niềm tin vào năm chiếc bánh và hai con cá của một đứa trẻ. Những thứ ít ỏi khi được cho đi, được chia sẻ với tình yêu, sẽ mang lại hoa trái hơn gấp nhiều lần những công việc mệt nhọc được thực hiện với sự đắn đo, cứng nhắc và lo âu. 

Một trong những dụ ngôn đẹp nhất của Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng, khi Thiên Chúa thấy một cây trồng đã không sinh hoa trái trong ba năm, Người không nhìn ngay vào kết quả được tạo ra, nhưng kiên nhẫn và gia hạn thêm một năm nữa, mà trong thời gian đó chính Người đã bỏ công sức ra mà cắt tỉa và chăm bón cho nó. 

Tại làng Bêtania, lời trách móc ngọt ngào mà Chúa Giêsu dành cho Matta không phải là coi thường giá trị sự phục vụ và hành động của bà, nhưng là để nhắc nhở bà và nhắc nhở chúng ta rằng, nếu chúng ta chỉ quan tâm lo lắng về những việc cần làm, chúng ta sẽ bỏ lỡ phần tốt nhất: đó là niềm vui được gặp Chúa và lắng nghe Lời Người. 

Lm Francesco Cosentino (Aleteia) / Minh Lộc chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG