HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Những ánh sao trong đời

Trở nên ánh sáng muôn dân, đó cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu... đồng thời cũng là vinh dự của những ta, với tư cách là môn đệ Chúa Kitô.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

 

Thánh Matthêu là tác giả duy nhất trong bốn tác giả Tin Mừng nói về “ngôi sao lạ” đã xuất hiện vào thời điểm Chúa Giêsu sinh ra. Ngôi sao này đã hướng dẫn các nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Belem để thờ lạy Hài Nhi. Trong hành trình tìm kiếm vị Vua mới sinh, mặc dù có lúc không còn nhìn thấy ngôi sao, nhưng cuối cùng thì các vị đạo sĩ này cũng đến tận nơi Hài Nhi ở. Họ đã dâng cho Người lễ vật là vàng, nhũ hương và mộc dược (x. Mt 2,1-12). Sau khi thực hành nghi thức thờ lạy, theo lời mộng báo, họ đã đi lối khác trở về bản quán của mình.

 

Ngay từ rất sớm trong lịch sử, đã có nhiều người nghiên cứu để tìm xem “ngôi sao lạ” này thực sự là một hiện tượng thiên văn hay chỉ là dấu chỉ tượng trưng. Nhiều giả thuyết đã được đề nghị. Có người cho đó là một sao chổi, như ý kiến của nhà thiên văn Nga Alexandre Reznikov. Nhà thiên văn Hoa Kỳ Michael Molnar lại cho rằng ngôi sao Belem có thể là “là sự sắp hàng của sao Mộc Tinh và sao Aries, trong khi đó có sự đi qua của Mặt Trăng”. Hiện tượng tự nhiên này đã xảy ra ngày 7 tháng tư năm 6 trước Công nguyên (Dựa theo bài viết của tác giả Ân Giang, trong báo điện tử Thoáng suy tư & Kiến thức). Còn nhiều giả thuyết nữa xung quanh vấn đề này, nhưng chúng vẫn là những ý kiến mang tính cá nhân.

 

Dù đó có phải là một hiện tượng tự nhiên hay không, chúng ta chắc chắn một điều, dưới lăng kính của tác giả Tin Mừng, việc nhắc tới ngôi sao lạ nhằm nhấn mạnh tới ý nghĩa tượng trưng. Cộng đoàn Kitô giáo từ thời sơ khai đã sớm nhận ra điều đó, và khi nói đến ánh sao dẫn đường cho các nhà đạo sĩ từ phương Đông, Giáo Hội coi đó là lời mời gọi các dân tộc đến thờ phượng Chúa. Sự kiện viếng thăm của các nhà đạo sĩ cũng hàm chứa một thông điệp cho thấy Chúa Giêsu là Ánh sáng các dân tộc và là Đấng cứu độ muôn dân muôn nước. Ngày lễ Hiển Linh (trước đây quen gọi là lễ Ba Vua) được cử hành như lời tôn vinh chúc tụng Đức Giêsu, Vua các vua, Chúa các chúa. Vương quyền của Người tồn tại muôn thuở.

 

Chúa Giêsu là ánh sáng vĩnh cửu soi đường dẫn lối cho con người đang sống trong tối tăm lầm lạc, giúp họ nhìn thấy con đường của Chân lý và nhờ đó, họ được cứu độ. Trong lời mở đầu của Tin Mừng Thánh Gioan, tác giả đã nhấn mạnh: Đức Giêsu là Ánh sáng (1,9). Người đến trần gian để xua đi tối tăm tội lỗi. Cần đọc đoạn Tin Mừng Ga 1,1-18 song song với trình thuật sáng tạo trong sách Sáng Thế (x. 1,1-2,4a) để thấy ở đây giáo huấn về cuộc sáng tạo mới được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô. Nếu động tác ban đầu của công trình sáng tạo là việc phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối với lời Chúa phán: “Hãy có ánh sáng - Và liền có ánh sáng”, thì nay, Đức Giêsu chính là Ánh sáng ngàn đời từ cung lòng Chúa Cha đã đến soi chiếu thế gian, đẩy lùi tối tăm tội lỗi và làm cho Vương quốc của Thiên Chúa lan rộng trong cuộc đời. Những ai đón tiếp Đức Giêsu sẽ trở nên thụ tạo mới, không chỉ là con người được tạo dựng bằng đất bùn, nhưng được sinh ra bởi Thiên Chúa và trở thành nghĩa tử của Ngài.

 

Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Giáo Hội hiện diện trong thế gian để loan báo Nước Trời cho mọi nền văn hoá, mọi dân tộc. Sứ vụ loan báo phải được thực hiện cách trung thành, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Công đồng Vatican II đã trình bày một khía cạnh thuộc bản chất của Giáo Hội, đó là Ánh Sáng Muôn Dân. Vì Giáo Hội là thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu, nên cũng phải trở nên ánh sáng, như Chúa Giêsu, Đấng là Đầu của thân thể. Khái niệm này đã đem lại cho Giáo Hội một khuôn mặt mới, đáp ứng niềm mong đợi của một thế giới đang đổi thay từng ngày. Cũng như Chúa Giêsu là Ánh Sáng thế gian (x. Ga 8, 12), Giáo Hội giữa lòng thế giới phải làm toả lan ánh sáng của Chân lý và của ơn Cứu độ. Giáo Hội phải làm chứng cho Chân lý qua sự hiện diện và những hoạt động của mình, để phán ánh trung thực hình ảnh Chúa Giêsu, bởi “vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế".

 

Trở nên ánh sáng muôn dân, đó cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu. Đây là trách nhiệm chúng ta đã lãnh nhận khi được thanh tẩy trong dòng nước tái sinh, đồng thời cũng là vinh dự của chúng ta, với tư cách là môn đệ Chúa Kitô. Theo quan niệm này, người tín hữu trong Giáo Hội không còn là những thành viên thụ động, “bảo sao làm vậy”, nhưng họ được mời gọi tham gia, cộng tác để xây dựng Giáo Hội, làm cho gương mặt của Giáo Hội toả sáng giữa lòng cuộc đời. Một cách đặc biệt, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước “Lòng thương xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội phải được bao bọc trong sự dịu dàng mà Giáo Hội đưa ra với các tín hữu; không có gì trong lời rao giảng của Giáo Hội và trong chứng tá của Giáo Hội với thế giới có thể thiếu vắng sự thương xót” (Misericordiae Vultus, số 10). Khi chúng ta thực hiện những nghĩa cử bác ái yêu thương đối với anh chị em, nhất là đối với những người cô thế cô thân, những người bất hạnh trong cuộc đời, ánh sáng của chúng ta sẽ bừng lên như rạng đông (x. Is 58,1-9). Qua chúng ta, mọi người sẽ được biết Thiên Chúa, là Cha nhân từ và yêu thương.

 

Xã hội hôm nay đang cần lắm những “ánh sao” để phản ánh sự tốt lành của Thiên Chúa và lòng nhân hậu của Ngài. Ngày nay trên báo chí và các phương tiện truyền thông, người viết cũng như người đọc có khuynh hướng chú trọng khai thác những mảng tối của cuộc đời với những tiêu đề giật gân, những chi tiết ly kỳ, man rợ, trong khi cần chú ý đề cập và động viên những gương tốt trong cuộc sống. Nếu xã hội hôm nay có những người phạm tội cướp của giết người, tham ô hối lộ, luồn lách chụp giật, thì cuộc sống của chúng ta vẫn có những tấm lòng nhân ái. Họ là những thày giáo cô giáo tận tuỵ hết mình vì sự nghiệp trồng người, lên vùng cao đem “cái chữ” cho người thiểu số. Họ là những người lao động trong hãng xưởng, nơi đồng ruộng, tuy nghèo nàn đạm bạc mà thanh thản đạo đức. Họ là những học sinh thanh niên tình nguyện, vì một xã hội xanh, sạch, đẹp vừa theo nghĩa môi trường sinh thái vừa theo nghĩa luân lý đạo đức. Giáo Hội đã và đang hiện diện trên quê hương Việt Nam qua những linh mục, tu sĩ và giáo dân nhiệt thành với những hoạt động từ thiện, giáo dục, vì sự phát triển và vì hạnh phúc của đồng bào. Tất cả những ai đang thành tâm thiện chí làm việc thiện, bất kể là họ thuộc chính kiến hay quan điểm nào, đều đang góp phần thăng tiến con người. Họ là những ánh sao trong đời, dù còn nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng phần nào làm cho ánh sáng lương tri và đạo đức bừng lên trong cuộc đời hôm nay.