HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ
Những nét đẹp văn hoá đang biến mất
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Đưa tin về tình trạng xuống cấp đạo lý trong xã hội, mấy ngày qua, có hai bài báo được đăng tải trên các trang mạng điện tử. Bài thứ nhất có nhan đề “Báo động nạn mất dạy ở Hà Nội” của tác giả Thiên Minh – Xuân Hinh được đăng tải ngày 10-6-2015. Bài thứ hai lại chạy tít: “Học trò càng ngày càng láo” của tác giả Khánh An, ngày 16-6-2015. Cả hai bài trên đều được đăng trên trang tin điện tử Petrotimes. Đọc hai nhan đề này, độc giả không khỏi cảm thấy xót xa trước những nét đẹp văn hoá truyền thống đang biến mất trong xã hội chúng ta.
Khi đặt nhan đề bằng những ngôn từ “trần trụi” như trên, tác giả biểu lộ sự bức xúc trước hiện tượng xã hội hôm nay. Bởi theo lẽ thông thường, khi phát ngôn, nhất là khi đặt bút viết, ai cũng phải rất thận trọng trước khi sử dụng những từ “mất dạy”, hoặc “láo”. Việc các tác giả chọn những từ này làm nhan đề cho bài viết và được đăng trên phương tiện truyền thông công cộng cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Tác giả bài viết “Học trò càng ngày càng láo” đưa ra những nhận định chung về phẩm chất đạo đức của học sinh “thời @”. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ, hậu học văn” ông bà ta truyền lại đã bị nhiều người lãng quên. Rất nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra trong một vài năm gần đây: học trò cãi nhau tay đôi với thày, thậm chí còn đánh nhau với thày giáo ngay trên bục giảng; học sinh tạt a-xít vào thày cô giáo để trả thù; học sinh phát tán những ngôn từ vu khống thầy cô trên các trang mạng xã hội…
Đối với bài viết “Báo động nạn mất dạy ở Hà Nội”, tác giả trăn trở về văn hoá ứng xử của thủ đô, cũng khởi đi từ học sinh, những “chủ nhân tương lai của xã hội”, khi kể lại một trường hợp cụ thể ở cổng trường phổ thông trung học Trần Phú (Hà Nội): những em học sinh đồng phục vào quán và uống nước và tuôn ra hàng tràng những ngôn từ tục tĩu, kèm những lời chửi thề. Tác giả kết luận: “Nghe xong đoạn hội thoại, nếu không phải tuôn ra từ những cô cậu mặc đồng phục học sinh, có lẽ tôi sẽ nhầm với một nhóm bụi đời… Văn hoá ứng xử xuống cấp trầm trọng là hiện tượng đáng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự biến dạng của nhân cách mà còn là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác”.
Điều mà tác giả gọi là “nạn mất dạy” còn được diễn tả qua các hiện tượng và vụ việc đang làm mất đi vẻ thanh lịch truyền thống của thủ đô như “văn hoá chửi” (Đây là lạm dụng từ ngữ, chứ đã chửi thì làm gì còn văn hoá!); những vụ xô xát, ẩu đả liên tiếp xảy ra chỉ vì những lý do rất đơn giản. Tác giả cũng đề cập đến những cô người mẫu, những ca sĩ nổi tiếng đã từng gây tai tiếng qua việc phát ngôn bừa bãi, chửi bới lăng mạ người khác, kể cả những người đang thi hành công vụ. Họ được gọi là “người của công chúng”, rất duyên dáng về hình thể, ngọt ngào về giọng ca, nhưng lại quá tầm thường trong cách ứng xử.
Khi đề cập đến sự suy đồi như một thứ “nạn”, thì có nghĩa là xã hội phải quan tâm một cách khẩn cấp. Người ta thường nói đến nạn đói, nạn ngoại xâm, nạn dịch hạch, nạn nghiện ngập, nạn cướp bóc… Nếu trong xã hội hôm nay, “mất dạy” đã trở thành một thứ “nạn”, thì chúng ta không thể nào làm ngơ được. Gia đình, nhà trường và những nhà hữu trách đạo đời phải cùng cộng tác để tái lập một xã hội văn hoá lành mạnh. Điều này đã nhiều người để cập đến, nhưng xem ra cũng chỉ như muối bỏ biển, những phương pháp đưa ra cũng chỉ giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, vì thiếu nghiêm minh, đồng bộ và sâu sát. Một điều kiện thiết yếu là luật phải nghiêm và áp dụng cho mọi người, không có kiểu luật chỉ khắt khe với dân thường, còn đối với những “cậu ấm cô chiêu”, những “thiếu gia, đại gia” thì luật nới lỏng.
Tại sao trong nhà trường vẫn có môn học dạy về đạo đức mà học sinh vẫn hư? Lý giải cho vấn nạn này, dưới góc độ của người thầy, một chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, hiện chúng ta đang coi trọng việc dạy kiến thức hơn dạy làm người. Ông đưa ra dẫn chứng: “Một bộ sách giáo khoa được soạn từ lớp 1 đến lớp 12 hẳn 12 năm thì quá lạc hậu. Kiến thức vừa thừa lại vừa thiếu. Chẳng hạn như môn Giáo dục công dân có quá nhiều kiến thức triết học, chính trị, kinh tế học hết sức hàn lâm, khó hiểu. Thầy và trò đều đánh vật với nhau. Trong khi đó đây lại là bộ môn cần kết nối tri thức của nhiều bộ môn để học sinh có những hoạt động phát triển nhân cách, nhưng sách cũ lại không đáp ứng được” (trích trong bài “Học trò càng ngày càng láo”, nguồn đã nêu). Nội dung về đạo đức và nhân bản trong chương trình giáo dục “quá mỏng” để có thể tạo nên nhân cách cho học sinh, ở tuổi mà các em còn như tờ giấy trắng, rất cần được “in” vào đó những chuẩn mực căn bản để làm người tốt sau này.
Một điểm cần lưu ý, đó là quan niệm dễ dãi của công chúng. Tại sao những ngôn từ và cách hành xử vô văn hoá vẫn có “đất sống” trong xã hội chúng ta? Còn nhớ cách đây không lâu, khi dư luận xôn xao về cái gọi là “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” ở Hà Nội, phóng viên đã đặt câu hỏi cho một vài thực khách thì được trả lời: “Lâu lâu nghe chửi thành quen và cũng thấy bình thường (!)”. Có ông chủ quán còn tâm sự: “Khách quen bị chửi rồi, giờ đổi ra tử tế có khi lại phá sản” (Bài của tác giả Công Minh đăng trên vietbao.vn, ngày 18-1-2010). Tác giả của bài báo này còn cho biết có khách hàng đã bị bọn côn đồ đánh chết bởi nhất quyết không chịu ăn đồ ăn tại quán. Khi dễ dàng chấp nhận những hành vi và ngôn từ lỗ mãng, khi coi những lối cư xử thiếu văn hoá là ‘bình thường” thì đạo đức sa sút là hậu quả tất nhiên.
Cũng cần nhắc đến một nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, đó là cách thiếu kiểm soát trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Cũng trong bài viết “Học trò càng ngày càng láo”, tác giả cho thấy trên Facebook, xuất hiện một hội có tên là “Hội những người ghét học, ghét trường, ghét giáo viên”. Hội này có khá nhiều thành viên. Không ai phủ nhận tiện ích của các trang mạng truyền thông, nhưng việc tiếp thu không kiểm soát thì đem lại những hậu quả khôn lường, mà thực tế đã chứng minh điều đó.
Tuy không nhiều, nhưng đây đó trên đất nước chúng ta vẫn còn tôn ti trật tự trong gia đình cũng như xã hội. Người viết bài này có nhiều dịp thăm một số gia đình ở phía Nam, được chứng kiến những em học sinh đi học về, trong bộ đồng phục duyên dáng, khoanh tay trước ngực chào mọi người: “Thưa ba, thưa mẹ con đi học về”. Tại Cần Thơ, trong một gia đình công giáo có ông nội mới qua đời, các cháu đi học hay đi lễ về đều chào bà nội rồi quay sang di ảnh chào ông nội. Cách giáo dục của gia đình thật đáng quý biết bao! Vừa mang giá trị nhân bản, vừa đậm tinh thần đức tin. Đây chẳng phải là điều gì mới mẻ, mà là những điều vốn có trong truyền thống Việt Nam chúng ta, nhưng đang có nguy cơ biến mất.
Cũng theo trang tin điện tử Petrotimes, UBND TP Hà Nội có công văn số 3802/VP – VX do Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn chỉ đạo, gửi đến Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu: Kiểm tra, xem xét và có biện pháp xử lý đối với nạn “mất dạy” trên địa bàn Hà Nội. Hy vọng “cuộc ra quân” của vị Phó Chủ tịch và các ban ngành có liên quan sẽ chấn chỉnh những kiến thức để “làm người” trong xã hội, khắc phục những giá trị văn hoá đang bị coi thường và đánh mất. Tuy vậy, đây không chỉ là việc riêng của Ủy ban Nhân dân hay của các sở, mà mỗi chúng ta trong xã hội đều phải cộng tác để làm sạch môi trường văn hoá, làm đẹp quê hương đất nước chúng ta.
(Nguồn: WHĐ)