HOẠT ĐỘNG & SUY TƯ

Từ trên thánh giá nhìn xuống: Mađalêna, Simon và ...

Phải chăng đôi khi tôi cũng phần nào như Mađalêna buông mình tìm kiếm thú vui nhục dục: nói chuyện tục tĩu, xem sách báo phim ảnh khiêu dâm, làm những việc ô uế…?

TỪ TRÊN THÁNH GIÁ NHÌN XUỐNG

 

Nguyên bản tiếng Pháp: Ceux que Jésus voyait du haut de la Croix

Lm Carôlô Hồ Bặc Xái chuyển ngữ

 

 

 4.  MAĐALÊNA

 

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Mađalêna.

 

Cô đang đứng dưới chân Người, bên cạnh Đức Mẹ và Tông đồ Gioan. Cô là một trong số ít ỏi những người còn trung thành với Chúa Giêsu.

 

Tuy nhiên, cuộc sống cô không phải lúc nào cũng tốt lành. Trong thành Magdala, người ta không khen ngợi cô, trái lại còn nói xấu cô vì cô sống buông thả, tội lỗi, lại còn lôi kéo nhiều người đàn ông vào đường tội lỗi.

 

Nhưng một ngày kia cô đã gặp được Chúa Giêsu. Khi nghe Người giảng dạy, cô hiểu ra rằng cô đã làm đời mình ra hư hỏng, cô hiểu rằng tình yêu chân thực không phải là thứ tình yêu cô theo đuổi bấy lâu nay. Trước mắt Mađalêna, Chúa Giêsu mới thực là Đấng Thiên Chúa sai đến. Chỉ có Người mới thay đổi được trái tim cô, làm cho nó trở nên mới lại để bắt đầu một cuộc sống mới.

 

Rồi một hôm cô đến nhà Ông Simon biệt phái, vì cô được biết Chúa Giêsu được ông ấy mời đến dùng bữa. Người do thái thời đó khi ăn tiệc thì không ngồi trên ghế mà nằm trên những chiếc trường kỷ được kê quanh một chiếc bàn ở giữa, đầu hướng vào trong phía chiếc bàn, chân đưa ra ngoài, một tay chống củi chõ lên một chiếc gối, bàn tay giữ cái đầu, tay kia dùng để cầm ly và lấy thức ăn được dọn sẵn trên bàn.

 

Khi đó, Mađalêna bước vào nhà. Chẳng cần quan tâm xem người ta nghĩ sao khi thấy mình đột ngột đi vào, cô tiến đến Chúa Giêsu, quỳ sụp xuống dưới chân Người. Cô có mang theo một bình thuốc thơm. Cô mở ra rưới lên chân Người, vừa để biểu lộ lòng tôn kính Người mà cũng vừa muốn làm cho Người chú ý.

 

Theo tục lệ Do Thái, việc làm này chẳng có gì gây sốc cả. Theo phép lịch sự, chủ nhà phải có những cử chỉ biểu lộ sự tôn trọng khách: Bắt đầu là ôm hôn chào khách và chúc mừng vì đã đến dự tiệc (giống như ngày nay chúng ta bắt tay). Rồi phải rửa chân cho khách vừa để sạch bụi đường vừa tránh làm dơ trường kỷ mà khách sẽ nằm lên. Sau cùng phải xức thuốc thơm lên đầu, mặt và bàn tay của khách vừa để sạch mồ hôi vừa cho khách được mát mẻ.

 

Ông Simon biệt phái này đã chẳng làm việc nào trong những việc vừa kể. Thực ra ông đâu có kính trọng Chúa Giêsu. Ông chỉ mời Người đến dự tiệc vì tò mò muốn thấy con người đang được dân chúng ngưỡng mộ thôi. Mặt khác, nếu ông tiếp đón Người tử tế quá thì sẽ bị những người biệt phái khác dị nghị.

 

Phần cô Mađalêna, lúc cô quỳ dưới chân Chúa Giêsu và xức thuốc thơm chân Người, tự dưng lòng cô trào tràn cảm xúc. Cô bật khóc vì hối tiếc quá khứ tội lỗi của mình. Nước mắt cô rơi xuống ướt đẫm chân Chúa Giêsu, vô tình trở thành nghi thức rửa chân đón khách dự tiệc. Thấy nước mắt mình đã làm ướt chân Chúa Giêsu, cô hốt hoảng vội xoả tóc ra lau…

 

Ông Simon biết rõ cô Mađalêna này vốn có tiếng là trắc nết. Ông ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không ngăn cản cô mà cứ để cho cô làm. Ông nghĩ thầm : “Nếu quả thực ông Giêsu này là Người của Thiên Chúa, là kẻ thấu tỏ lòng người thì hẳn ông ta phải biết cái ả Mađalêna này là đứa lăng loàn và phải tức khắc đuổi ả như đuổi tà mới phải chứ”. Ông biệt phái này nào đâu có hiểu tình yêu  của Thiên Chúa là gì. Thiên Chúa yêu thương luôn sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi khi họ ăn năn chạy đến với Người. Ông đâu có đi theo Chúa Giêsu nên chưa hề nghe Người kể dụ ngôn “Đứa con hoang đàng trở về nhà cha”.

 

Chúa Giêsu đọc thấy ý nghĩ của Simon cũng như Người đã đọc được tâm tư của Mađalêna. Simon tưởng mình đạo đức vì luôn giữ luật chín chắn, ít ra là trước mắt thiên hạ. Tuy nhiên, ở tận đáy lòng, ông chẳng tốt hơn gì những người khác. Ông lại còn giả hình nữa. Đức Giêsu nói cho ông biết Người đã thấu hết suy nghĩ của ông. Người còn nói Mađalêna đã làm tất cả những việc mà lẽ ra ông phải làm đối với Người để biểu lộ lòng  hiếu khách. Như thế, Mađalêna chứng tỏ cô thực lòng yêu mến Người hơn ông. Tuy cô tội lỗi nhưng cô biết hối hận, còn ông thì vẫn luôn coi mình là đạo đức. Cô cũng muốn làm lại cuộc đời.

 

Bởi vậy Chúa Giêsu nói với Mađalêna: “Tội lỗi con đã được tha. Con hãy về bình an”. Kể từ hôm đó. Mađalêna đổi thay cuộc sống.

 

Mađalêna là một trong số rất ít người luôn trung thành với Chúa Giêsu và cô có mặt dưới chân thập giá Người.

 

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.

 

– Phải chăng đôi khi tôi cũng phần nào như Mađalêna buông mình tìm kiếm thú vui nhục dục: nói chuyện tục tĩu, xem sách báo phim ảnh khiêu dâm, làm những việc ô uế…?

 

– Phải chăng đôi khi tôi không đủ can đảm để bày tỏ với một người đáng tín nhiệm để được tư vấn về những thắc mắc và bối rối liên quan đến vấn đề tình cảm, xác thịt và tính dục?

 

– Phải chăng tôi có khuynh hướng tìm cách sống thoải mái: Ham ăn sung mặc sướng, thích hưởng thụ, chìu chuộc thân xác…?

 

5. ÔNG SIMON NGƯỜI XIRÊNÊ VÀ BÀ VÊRÔNICA

 

 

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Ông Simon người Xirênê và bà Vêrônica.

 

Simon người xứ Xirênê được Tin Mừng nói đến. Ông đã giúp Chúa Giêsu vác thánh giá. Còn Vêrônica thì sách Tin Mừng không nói đến nhưng thánh truyền nói bà đã lau mặt Chúa Giêsu.

 

Khi ấy, Chúa Giêsu đã kiệt sức vì phải chịu những đòn tra tấn. Đã vậy Người còn phải leo lên đồi Canvê để chịu xử tử. Mà theo hình luật thời đó, những kẻ bị xử tử đóng đinh phải đích thân vác cây thập giá của mình. Viên chỉ huy đội hành hình sớm nhận ra là Chúa Giêsu khó mà vác thập giá leo nổi tới đỉnh đồi Canvê. Theo luật, ông có quyền buộc một người nào đó giúp sức cho tử tội. Về phía người bị buộc làm việc đó thì dĩ nhiên chẳng thích chút nào, vì vừa mệt nhọc vừa nhục nhã bởi có thể bị người ta tưởng mình cũng là phạm nhân.

 

Do đó khi viên sĩ quan yêu cầu ông Simon tiếp vác thập giá Chúa Giêsu thì Simon chẳng vui chút nào cả. Ông định trốn đi. Nhưng lính kéo tay ông lại. Ông đành phải tuân lệnh. Ông đưa mắt nhìn Chúa Giêsu. Ông thấy một khuôn mặt bê bết mồ hôi và máu nhưng rất hiền lành nhẫn nhục. Ông tội nghiệp quá nên sẵn sàng kề vai vác tiếp cây thập giá đi lên tận đỉnh đồi Canvê.

 

Còn bà Vêrônica. Có lẽ bà là người thường trú tại Giêrusalem. Hôm đó bà đang đi đường thì tình cờ nhìn thấy Chúa Giêsu đang bị đưa đi xử tử. Bà nhìn một hồi rồi nhận ra đó là người mà bà đã từng nghe giảng. Nhưng sao hôm nay Người thảm hại như vậy ! Mặt mũi đầy mồ hôi, máu và cả những thứ người ta khạc nhổ… Bà không chịu nổi cảnh khổ ấy nên vội rẽ đám đông chạy đến Chúa Giêsu, bất chấp người ta sẽ nghĩ gì và làm gì bà. Khi đã đến trước Chúa Giêsu, bà lột tấm khăn trùm đầu xuống, có thể đây là loại vải quý thêu hoa rất đẹp. Nhưng bà không tiếc. Bà dùng nó lau mặt Chúa Giêsu một cách nhẹ nhàng và  kính cẩn. Điều gì sẽ xảy ra sau đó ? Sách Tin Mừng không nói nhưng ta cũng có thể đoán : bọn lính vừa lôi bà ra vừa chửi, trong đám đông có những tiếng la ó chế nhạo… Nhưng bà vẫn kiên quyết tiếp tục lau mặt Chúa Giêsu. Còn Chúa Giêsu thì nhìn bà, ánh mắt Người biểu lộ lòng biết ơn. Suốt đời, bà sẽ không bao giờ quên ánh mắt ấy.

 

Từ trên Thánh giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.

 

– Tôi có góp phần với Chúa Giêsu trong công trình cứu chuộc loài người không: Bằng những việc hy sinh hãm mình ; bằng cách chịu khó thăm viếng ủi an chăm sóc những người đau ốm, bệnh tật, già cả ; bằng cách giúp đỡ tiền bạc cho kẻ đang cần…?

 

– Tôi có góp phần lo cho việc chung của xã hội và của Giáo hội không: Bằng cách sử dụng thời giờ, khả năng và sức lực làm cho họ đạo, lớp học, khu xóm, chỗ làm… được ngày càng tốt hơn?

 

– Chung quanh tôi có rất nhiều khuôn mặt gầy còm, mệt mỏi, thẩn thờ, khổ sở… vì túng thiếu, vì bệnh tật, vì bị áp bức… Nhìn thấy những khuôn mặt đó tôi vẫn dửng dưng lạnh lùng? Hay là qua đó tôi nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu đang vác thánh giá và tìm cách ủi an nâng đỡ?

 

6 .THƯỢNG TẾ CAIPHA VÀ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO DO THÁI

 

 

 

Từ trên Thánh giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy Thượng tế Caipha và những nhà lãnh đạo Do Thái giáo.

 

Họ đang đứng dưới chân thập giá, hả hê nhìn lên Chúa Giêsu đang bị đóng đinh, lòng hãnh diện vì đã thắng được kẻ thù nguy hiểm ấy. Bởi vậy họ lớn tiếng mỉa mai: “Xem kìa… Nó đã cứu người khác nhưng không cứu nổi bản thân. Nó nói nó là Đấng Thiên Chúa sai đến. Nhưng Thiên Chúa còn đợi gì mà chưa cứu hắn!… Ê, mi có giỏi thì xuống khỏi thập giá xem! Khi đó thì chúng ta mới tin mi”.

 

Chúa Giêsu nghe hết nhưng Người không đáp trả lời nào. Người chỉ cầu nguyện với Chúa Cha: “Cha ơi, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Nghĩa là Người biện hộ cho họ, vì quả thực họ không ý thức Người chính là Con Thiên Chúa.

 

Thế nhưng sở dĩ họ không ý thức điều đó là vì họ đã ngoan cố trong sự mù quáng, họ đã đóng cửa lòng đối với Thiên Chúa. Tội họ rất nặng: Tội kiêu ngạo, tội nghĩ mình đạo đức, tội giả hình và tội ganh ghét.

 

Trong đám họ có một số người biệt phái. Số biệt phái nảy luôn tham dự đầy đủ các lễ nghi tôn giáo. Người ta còn thường gặp họ cầu nguyện giữa đường nữa. Họ bố thí rất nhiều tiền, nhưng chỉ khi có người nhìn thấy thôi. Thực chất thì họ là những kẻ giả hình và chẳng có gì tốt hơn những người khác. Chúa Giêsu đã từng nói thẳng: “Các ông giống như những mồ mả tôi vôi. Bên ngoài thì tốt đẹp lắm, nhưng bên trong đầy những ô uế thối tha”. Chúa Giêsu đã lột mặt nạ giả hình của họ, chắc chắn họ sẽ không bao giờ tha thứ cho Người về chuyện sỉ nhục này.

 

 

 

Cũng có những người thuộc phái Sađốc. Họ là các tư tế. khi cử hành các lễ nghi, họ chí chú trọng đến bề ngoài chứ trong lòng không hề kính mến Chúa. Chúa Giêsu không để yên cho họ sống theo thói quen hình thức ấy nữa. Người dạy phải kính mến Chúa thật lòng và phải chứng tỏ lòng kính mến ấy không phải bằng những hình thức lễ nghi mà bằng chính cách sống.

 

Một ngày kia Chúa Giêsu vào Đền thờ Giêrusalem. Người thấy nhiều người chỉ lo các hình thức lễ nghi bề ngoài, chỉ chú ý đến lễ vật: Những kẻ bán chiên bò, chim câu… nhưng kẻ đổi tiền… Sân đền thờ vô cùng om xòm náo nhiệt. Bầu khí bát nháo ấy chẳng thuận lời cho người ta bình tâm cầu nguyện chút nào. Lòng yêu mến Chúa khiến Người nổi giận, một “cơn giận thánh”. Người lấy những sợi dây cột bò có sẵn đấy, quấn lại thành một sợi roi, đánh đuổi những kẻ mua bán : “Nhà Cha ta là nhà cầu nguyện. Thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp”. Các viên chức Đền thờ sẽ không bao giờ tha thứ cho Người về chuyện này.

 

Thế là Chúa Giêsu trở thành kẻ thù số một của cả nhóm biệt phái lẫn nhóm tư tế Sađốc. Người có làm bao nhiêu phép lạ họ cũng không tin. Dân chúng càng đi theo Người đông đảo thì họ càng ganh ghét. Chúa Giêsu có cố gắng bao nhiêu đi nữa để cho họ biết Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, họ cũng bưng tai bịt mắt. Hai nhóm liên minh tìm cách thủ tiêu Người.

 

Tuy nhiên, làm sao mà bắt được Chúa Giêsu đây vì dân chúng ngưỡng mộ Người. Họ vừa đón rước Người vào thành Giêrusalem như rước một vị vua. Chỉ có cách bắt lén thôi. Chính lúc họ đang nghĩ cách thì Giuđa tìm đến đề nghị bán Thầy. Cuối cùng họ đã bắt được Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu và điệu Người đến tòa án Thượng hội đồng Do thái giáo. Cách xử án thật lố bịch: Họ dùng hai người làm chứng gian để kết án Người ; một nhân viên còn dám tát vào mặt Người ; cuối cùng Thượng tế Caipha đứng lên long trọng hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, Ta hỏi mi: mi có phải là Con Thiên Chúa không ?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng”. Khi đó mọi người đều đứng dậy hô lớn: “Cần gì phải tìm nhân chứng nữa. Chính chúng ta đã nghe nó nói. Thật là tội phạm thượng khủng khiếp. Nó đáng chết”.

 

Thế là bản án đã được tuyên. Chỉ còn lèo lái cho tổng trấn Philatô – người đại diện đế quốc Rôma và là kẻ nắm thực quyền – chuẩn y bản án ấy thôi. Và Philatô, vì hèn nhát, đã để mặc cho họ đem Chúa Giêsu đi đóng đinh.

 

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng nhìn thấy tôi.

 

1.      Tôi có phần nào giống những người biệt phái giả hình không: Nhìn bề ngoài thì xem ra tôi đạo đức lắm: Dự lễ đầy đủ, rước lễ đều đặn, xưng tội thường xuyên… Nhưng trong lòng, tôi làm những việc ấy chỉ vì bị lôi cuốn theo đám đông, vì sợ cha mẹ rầy la, vì muốn cho người khác thấy… Lòng tôi không kính mến Chúa ?

 

2.      Tôi có sống như một kitô hữu thực thụ, không phải chỉ ngày Chúa Nhật mà là mọi nơi mọi lúc không? Tôi chỉ lo chu toàn những nghĩa vụ tôn giáo bề ngoài mà thôi, hay là biết phản ứng như một kitô hữu có đức tin trước mọi tình huống như ở nhà, ở trường, khi làm việc, lúc giao tiếp với bạn bè? Tôi có biết luôn tự nhắc mình: “Nếu Chúa Giêsu ở vào hoàn cảnh của tôi thì Người sẽ làm gì” không ?

 

3.      Có khi nào tôi ganh ghét những người khá hơn tôi không? Có khi nào tôi tìm cách hạ người ta xuống, bởi vì người ta khen họ hơn tôi, bởi vì thành công của họ làm tôi khó chịu?