TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Các bổ nhiệm mới ở Tòa Thượng thẩm Rota cho thấy tính phổ quát của Giáo hội

Rõ ràng, Đức Thánh Cha tiếp tục ý tưởng của ngài về việc trợ giúp ‘Giáo hội hoàn vũ’, vì ngài đã ủy thác cho ba vị hồng y những ‘vai trò đầy tin tưởng’, chính Đức hồng y Gracias còn là thành viên của Hội đồng Hồng y tư vấn.

Minh Đức

 

WHĐ (18.02.2017) – Ngày thứ Tư 15-02 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 3 ba vị Hồng y thuộc các châu lục và các nền văn hoá khác nhau vào chức vụ luật sư Tòa Thượng thẩm Rota: Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai (Ấn Độ); Đức hồng y Lluís Martínez Sistach, nguyên Tổng giám mục Barcelona (Tây Ban Nha); và Đức hồng y Bechara Boutros al-Rahi, O.M.M., Thuợng phụ Antioch, nghi lễ Maronites (Liban).

 

Trả lời phỏng vấn của Zenit về ý nghĩa của sự bổ nhiệm này, bà Paloma Garcia Ovejero, Phó Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng đây không phải là một “vinh dự” đơn thuần nhưng là một “nhiệm vụ thực tế”: “Rõ ràng, Đức Thánh Cha tiếp tục ý tưởng của ngài về việc trợ giúp ‘Giáo hội hoàn vũ’, vì ngài đã ủy thác cho ba vị hồng y những ‘vai trò đầy tin tưởng’, chính Đức hồng y Gracias còn là thành viên của Hội đồng Hồng y tư vấn.

 

Vì thế chúng ta thấy được tính phổ quát hơn nữa của Tòa Thượng thẩm Rota, một tòa án phúc thẩm, đặc biệt trong các vụ án tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

 

Ngoài ra mới đây, vào ngày 21-01-2017, khi ngỏ lời với các thẩm phán và luật sư của Tòa Thượng thẩm Rota nhân dịp khai mạc Năm tư pháp mới của Giáo hội, Đức Thánh Cha đã kêu gọi phải chuẩn bị hôn nhân cách kỹ lưỡng, để tránh xảy ra những “cuộc hôn nhân vô hiệu và bấp bênh”, và ngài cũng đề nghị có sự đồng hành sau hôn nhân.

 

Về bản chất, Tòa Thượng thẩm Rota là một tòa án phúc thẩm, một đàng với tư cách tòa cấp hai, xử các vụ án đã được xét xử bởi các tòa án thông thường (của giáo phận) mà đơn kháng án tại các tòa này đã bị bác, đặc biệt là các đơn xin nhìn nhận tính vô hiệu của hôn nhân. Đây cũng là cấp phúc thẩm của Tòa án Giáo hội ở thành phố Vatican.

 

Đàng khác, Tòa Thượng thẩm Rota cũng xử –ở cấp ba và là cấp cuối cùng–, các vụ án đã được các tòa phúc thẩm khác xét xử (hoặc ở cấp bốn, chẳng hạn sau khi Tòa Thượng thẩm của Tòa Sứ thần Toà Thánh ở Tây Ban Nha –là một tòa kháng án cấp ba tại Tây Ban Nha– đã xét xử).

 

(Nguồn: WHĐ - Theo Zenit)