TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Các Kitô hữu Iraq cùng ăn chay với người Hồi giáo
Hôm thứ Sáu 17-06, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng giám mục Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công giáo Babylon (nghi lễ Canđê), nhiều Kitô hữu Iraq đã cùng ăn chay một ngày trong tháng Ramadan với những người Hồi giáo đồng hương.
Minh Đức
WHĐ (20.06.2016) – Hôm thứ Sáu 17-06, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Tổng giám mục Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công giáo Babylon (nghi lễ Canđê), nhiều Kitô hữu Iraq đã cùng ăn chay một ngày trong tháng Ramadan với những người Hồi giáo đồng hương. Đề nghị này được gửi đến các tín hữu Canđê và tất cả các Kitô hữu Iraq qua một thông cáo chính thức của Toà Thượng phụ Canđê, mong muốn thể hiện tình đoàn kết với tất cả những người Hồi giáo đang ăn chay và cầu nguyện để xin ơn hoà bình và ổn định cho Iraq và cho toàn vùng Trung Đông.
Đức Thượng phụ Louis Sako khẳng định: “Qua sáng kiến này, chúng tôi chỉ muốn thực hiện một cử chỉ Kitô giáo. Là người Kitô hữu, chúng tôi tin rằng việc cùng ăn chay và cầu nguyện với những người khác có thể làm nên điều kỳ diệu, trong khi vũ khí và những can thiệp quân sự chỉ đem lại chết chóc mà thôi”. Sáng kiến này đã gây ra những phản ứng mà Đức Thượng phụ gọi là “trái chiều”. “Một số Kitô hữu của chúng tôi ở nước ngoài đã hoang mang và có người còn chỉ trích chúng tôi. Tuy nhiên ngược lại, tôi cũng nhận được những lời cảm ơn sâu sắc của nhiều người Hồi giáo. Hôm qua, một phụ nữ Hồi giáo che mạng đã đến văn phòng để cảm ơn tôi. Bà ấy cứ nhắc đi nhắc lại: mọi người chúng tôi đều rất biết ơn ngài vì chúng ta đều là người Iraq”.
Như vẫn thường thực hành trong truyền thống linh đạo Kitô giáo, ăn chay và cầu nguyện cũng kèm theo việc làm bác ái, Đức Thượng phụ Louis Sako nói với hãng tin Fides: “Hôm nay chúng tôi đóng góp 50.000 USD để trợ giúp người tị nạn Fallujah, thông qua Caritas Iraq; và chiều tối nay, tại một giáo xứ, chúng tôi sẽ tặng cho một nhóm người Hồi giáo đồng hương của chúng tôi một bữa iftar* – một cách tượng trưng”.
(Agenzia Fides)
––––––––––––––
* Ngày nhịn chay được chấm dứt bằng bữa ăn, tiếng Ả Rập gọi là iftar; trong dân gian người Chăm Châu Ðốc gọi là taleh ơk với nghĩa chữ là cởi bỏ, giải toả nhịn chay; trong giới bình dân còn gọi nôm na là xả chay. Lễ thức iftar được thực hiện bởi cá nhân, trong khung cảnh sinh hoạt gia đình hoặc tập thể trong cộng đồng.
[Chú thích được lấy ở http://www.chamchaudoc.com/Ramadan1432.html]
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh