TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Covid-19: Các tôn giáo liên đới cầu nguyện trong đại dịch

Ngày 26.3, các nhà lãnh đạo của ba tôn giáo: Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, cùng đại diện của các tín ngưỡng khác, bao gồm cả Druze và Bahai, đã cầu nguyện cùng nhau tại Jerusalem, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn khắp toàn cầu.

WGPSG tổng hợp


Covid-19: Các tôn giáo liên đới cầu nguyện trong đại dịch


Kitô hữu, người Do Thái và Hồi giáo tham gia cầu nguyện ở Jerusalem

 

Nói chuyện với Đài phát thanh Vatican trước khi cầu nguyện chung, Giám mục tu sĩ của Thánh địa - Francesco Patton - đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thời điểm này và giải thích rằng mọi tôn giáo đều phải đọc kinh theo truyền thống riêng của mình. Đây là một sáng kiến có ý nghĩa tinh thần sâu sắc. “Bản thân nó rất quan trọng vì tất cả chúng ta đều là những tín đồ có cùng gốc rễ…Chúng tôi sẽ cùng nhau cầu nguyện với Chúa toàn năng rằng đại dịch này có thể chấm dứt”. (x. Vatican News)


Trước đó, các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo Libăng cũng đã hiệp nhất “quanh Mẹ Maria” trong ngày 25.3 - ngày lễ Truyền tin và hiệp thông cầu nguyện, đọc Kinh Lạy Cha với Đức Thánh Cha để cầu xin cho đại dịch chấm dứt.

 

Lần đầu tiên các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo cùng mừng lễ Truyền tin là vào năm 2007, tại đền thánh Đức Mẹ Jamhour ở Libăng. Từ năm 2010, lễ Truyền Tin trở thành ngày lễ nghỉ quốc gia của Libăng. Các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo thường mừng lễ này chung với nhau. Năm nay do đại dịch virus corona, họ không thể gặp nhau tại các quảng trường và các nhà thờ để cùng nhau tôn kính Đức Mẹ Maria, nên các Kitô hữu và tín hữu Hồi giáo đã đứng ở cửa sổ nhà hoặc trên ban công nhà, với những cây nến sáng, cùng nhau đọc lời cầu nguyện với Đức Mẹ. (x. Vatican News)





Covid 19: Việc từ thiện - trách nhiệm của mọi người


ĐHY Luis Antonio Gokim Tagle mời gọi mọi người, trong thời điểm này, không chỉ nghĩ về bản thân mình mà mù quáng trước nhu cầu của người khác. Ngài hy vọng có một 'đại dịch mới' để chống lại đại dịch Covid, đó là đại dịch “của sự quan tâm, lòng trắc ẩn và tình yêu”, “một đại dịch từ thiện”. 

 

Tiếp đó, ĐHY nhấn mạnh, các chuyên gia nói rằng chúng ta nên rửa tay để tránh bị nhiễm virus và tránh lây lan. Tuy nhiên, “Chúng ta không thể rửa tay trách nhiệm của mình đối với người nghèo, người già, người thất nghiệp, người tị nạn, người vô gia cư,…thực sự là tất cả mọi người”. (x. Vatican News)





Covid-19: Hiểu đúng để không kỳ thị và không phân biệt đối xử


Đức ông Robert Vitillo - Tổng thư ký Ủy ban Di cư Công giáo Quốc tế, cố vấn của Vatican về HIV / AIDS và Ebola - đã so sánh mức độ lây lan và nguy hiểm giữa hai đại dịch toàn cầu HIV/ AIDS và Covid-19. Sau đó, ngài mời gọi mỗi người phải hiểu đúng sự thật và chia sẻ thông tin thực để không dẫn đến sự phân biệt đối xử và kỳ thị đối với những người sống chung với những virus này.

 

Đức ông Vitillo cũng tái khẳng định những chỉ dẫn của ĐTC Phanxicô về tầm quan trọng của sự đoàn kết tại thời điểm này. Ngài cũng lưu ý: mọi người đều có quyền “được chăm sóc và được đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống, đặc biệt khi họ bị cách ly”. (x. Vatican News)


WGPSG tổng hợp