TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Đối thoại liên tôn: Từ “sợ hãi đến tin tưởng”
Mai Tâm
WHĐ (31.10.2015) – “Đón nhận nhau, từ sợ hãi đến tin tưởng”: đó là chủ đề của Hội nghị các tôn giáo vì Hoà bình của châu Âu diễn ra tại Castel Gandolfo từ ngày 28-10 và sẽ kết thúc ngày 1-11-2015. Hội nghị này nằm trong khuôn khổ của kỷ niệm năm mươi năm Tuyên ngôn Nostra Aetate.
Các thách đố châu Âu ngày nay phải đối diện kể ra không ít: sợ mất căn tính cá nhân, căn tính văn hoá và tôn giáo do hiện tượng toàn cầu hoá, sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái, gia tăng chứng sợ Hồi giáo, những tình cảm chống Kitô giáo và bài ngoại. Để trả lời, chúng ta cần những dấu hiệu tích cực, xuất phát từ những hành động tốt, từ những ý tưởng khôn ngoan và sáng tạo.
Trong ngày thứ hai của Hội nghị, Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại liên tôn, đã có bài phát biểu với các tham dự viên.
Đức hồng y Tauran nhắc nhở: Theo Nostra Aetate, “chúng ta không thể yêu mến Chúa mà lại không yêu thương đồng loại, chúng ta cũng không thể yêu đồng loại mà lại không mến Chúa”; và ngài nói tiếp: “Chúng ta không thể yêu mến Chúa hay đồng loại mà lại không biết Chúa, không biết đồng loại; và chúng ta không thể biết Chúa và đồng loại mà lại không hiệp thông với Chúa và với đồng loại. Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau là do thiếu hiểu biết nhau”.
Những khẳng định này chỉ có thể hiểu được với đầy đủ ý nghĩa của chúng trong bối cảnh chung của châu Âu đang mang nặng dấu ấn của sự lo sợ đánh mất căn tính của mình, của sự gia tăng tinh thần bài ngoại và kỳ thị chủng tộc dưới mọi hình thức. Chủ tịch Hội đồng Toà thánh về Đối thoại liên tôn muốn đem lại thuốc chữa cho những căn bệnh này.
Đức hồng y giải thích: “Sứ vụ đích thực của tôn giáo là hoà bình bởi vì tôn giáo và hoà bình đi đôi với nhau. Không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào lại không biết đến thứ văn hoá của sự phi nhân hoá và của bạo động, hay lại đi rao giảng và ủng hộ thứ văn hoá ấy”.
“Cầu nguyện, các thực hành đạo đức và các hành động vì công lý và hoà bình, có thể đánh thức tâm can chúng ta để vượt qua cái nhìn bị phân cực nhìn các đồng loại của mình như những con người khác biệt”. Đức hồng y Tauran khẳng định: “Chính vì vậy mà thách đố khẩn thiết ngày nay, đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo, là biến nghi kỵ, thiếu tin tưởng, thiếu khoan dung thành một nền văn hoá mới đặt nền tảng trên sự tôn trọng, và thấu hiểu lẫn nhau, trên sự bất bạo động, trên tình liên đới và trên việc giải quyết các mâu thuẫn một cách hoà bình”.
Kết thúc bài phát biểu, Đức hồng y Tauran mời gọi: “Vì di sản thiêng liêng của chúng ta thật lớn lao, chúng ta hãy cùng nhau làm việc để chữa lành những chứng bệnh xã hội và văn hoá này, thông qua đối thoại và hợp tác”.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh