TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Đức hồng y Sandri với các tín hữu Đông Phương: “Nước mắt và hy vọng của anh chị em cũng là của chúng tôi”

Chúng tôi xin nói với họ rằng nước mắt của họ là cũng là của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng, niềm hy vọng ấy là Chúa Kitô; và Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung tín. Vì thế, chúng ta cùng nhau kiên trì trong cuộc hành trình chung.

Minh Đức

 

WHĐ (22.07.2014) – Hôm Chúa nhật 20-07, Đức hồng y Leonardo Sandri, Bộ trưởng Bộ các Giáo hội Đông Phương, đã cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ chính toà Đức Mẹ Liban (nghi lễ Maronite) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, nhân dịp lễ kính hai thánh Charbel và Elias, được các tín hữu Công giáo Liban theo nghi lễ Maronite trên toàn thế giới mừng kính vào Chúa nhật thứ ba trong tháng Bảy. Khoảng bốn trăm tín hữu của các Giáo hội Đông Phương đã tham dự Thánh lễ này.

 

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức hồng y Sandri đã nói về những đau khổ lớn lao và số phận tuyệt vọng của nhiều người vô tội. Ngài nhận định: trong khi các Kitô hữu ở Mosul, Iraq và ở Aleppo, Syria là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, toàn bộ khu vực này ở trong tình trạng bất ổn kéo dài vì ít được ai quan tâm. Ngài cũng nhắc đến những người bị ảnh hưởng bởi các biến cố đang diễn ra ở Palestine, “họ đang than khóc, vì không được an tâm làm người và làm Kitô hữu xứng với phẩm giá. Chúng tôi xin nói với họ rằng nước mắt của họ là cũng là của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng, niềm hy vọng ấy là Chúa Kitô; và Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung tín. Vì thế, chúng ta cùng nhau kiên trì trong cuộc hành trình chung”.

 

Sau khi đọc lời kêu gọi trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại, do Đức giáo hoàng Phanxicô đưa ra trong buổi đọc kinh Truyền Tin Chúa nhật, Đức hồng y Sandri mời các tín hữu thinh lặng cầu nguyện và ngài nhấn mạnh Giáo hội luôn gần gũi với các vị Thượng phụ, các giám mục và các tín hữu của các Giáo hội Công giáo Syro và nghi lễ Canđê. Ngài cũng khẳng định Giáo hội cùng chịu đau khổ với họ và thúc đẩy họ kiên trì trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do tôn giáo, “đặc biệt tại nơi các Kitô hữu đã sống hai ngàn năm nay từ khi có Kitô giáo” để đem lại phúc lợi cho xã hội, và tại nơi họ có thể tiếp tục đóng góp cho cộng đồng nhân loại.

 

(Nguồn: WHĐ - Theo VIS)