TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Đức Thánh Cha Phanxicô: Bạn không bị loại trừ!
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt lành!
Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về ơn cứu độ. Tác giả Tin mừng Luca viết: Khi Đức Giêsu đang trên đường từ Galilê đến Giêrusalem, thì có kẻ hỏi Người: “Lạy Chúa, chỉ có ít người được cứu phải không?” (13,23). Đức Giêsu đã không trực tiếp trả lời câu hỏi này. Điều quan trọng không phải là biết có bao nhiêu người được cứu, mà là nhận ra đâu là con đường cứu rỗi. Vì thế, Đức Giêsu đáp lại bằng cách nói: “Hãy phấn đấu để vào bằng cửa hẹp, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào nhưng không thể được” (câu 24).
Đức Giêsu muốn nói gì? Cánh cửa mà chúng ta vào là gì? Và tại sao Đức Giêsu nói về cửa hẹp?
Hình ảnh cánh cửa được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Tin mừng và gợi nhớ đến ngôi nhà và lò sưởi, nơi chúng ta cảm thấy tình thương, ấm áp và an toàn. Đức Giêsu nói với chúng ta rằng có một cánh cửa cho phép chúng ta gia nhập vào gia đình Thiên Chúa, vào trong sự ấm áp của nhà Đức Chúa Trời, và được hiệp thông với Người. Cánh cửa này chính là Đức Giêsu (x. Ga 10,9). Người là cửa. Người là cửa ngõ của ơn cứu rỗi. Người dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha.
Và Đức Giêsu là cửa không bao giờ đóng. Cánh cửa này không bao giờ đóng lại, nó luôn luôn mở và mở ra cho tất cả mọi người, không phân biệt, không loại trừ, không có đặc quyền. Bởi vì, như các bạn biết, Đức Giêsu không loại trừ bất cứ ai.
Có người có thể nói với tôi: “Nhưng thưa cha, chắc chắn con bị loại trừ, bởi vì con là kẻ có tội nặng. Con đã làm bao nhiêu điều xấu trong đời”.
Không, bạn không bị loại trừ! Bởi vì bạn được ưa thích, vì Đức Giêsu luôn luôn ưa thích tội nhân, để tha thứ và để yêu thương họ. Đức Giêsu đang chờ đợi để ôm lấy bạn, để tha thứ cho bạn. Đừng sợ! Người đang chờ đón bạn. Hãy vui lên, hãy can đảm đi vào cửa của Người.
Tất cả đều được mời đi qua cửa này, qua cửa đức tin, để dự phần vào sự sống của Người, và để cho Người đi vào cuộc sống của chúng ta, Người sẽ biến đổi và canh tân đời sống chúng ta, đó là niềm vui tràn đầy và kéo dài vô tận mà Người ban cho chúng ta.
Ngày nay, chúng ta được mời mọc đi qua nhiều cánh cửa, hứa hẹn hạnh phúc, nhưng rồi chúng ta nhận ra nó chỉ kéo dài trong chốc lát, kết thúc trong chính nó và chẳng có tương lai.
Nhưng tôi xin hỏi anh chị em: Chúng ta muốn vào cửa nào? Và chúng ta muốn người nào đi vào cánh cửa cuộc sống của chúng ta?
Tôi muốn nói một cách dứt khoát: Đừng ngại đi qua cửa đức tin trong Đức Giêsu, để cho Người càng ngày càng đi sâu vào cuộc sống của chúng ta, để ra khỏi tính ích kỷ của chúng ta, ra khỏi sự khép kín của chúng ta, ra khỏi sự thờ ơ của chúng ta đối với người khác.
Bởi vì Đức Giêsu soi sáng cuộc sống của chúng ta bằng ánh sáng không bao giờ tắt. Nó không phải là pháo hoa, không phải đèn chớp! Không, đó là thứ ánh sáng dịu êm kéo dài mãi và đem lại bình an. Đó là thứ ánh sáng chúng ta sẽ gặp nếu chúng ta đi qua cửa Đức Giêsu.
Tất nhiên, cửa Đức Giêsu là cửa hẹp, không phải vì nó là một phòng tra tấn. Không, không phải thế! Nhưng vì nó đòi chúng ta mở lòng ra cho Ngài, để nhận ra mình là kẻ tội lỗi, đang cần ơn cứu rỗi, ơn tha thứ và tình yêu của Người, cần sự khiêm nhường để đón nhận tình thương xót và ơn đổi mới của Người.
Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nói với chúng ta rằng trở nên một Kitô hữu không phải là cho có một “nhãn hiệu”! Tôi xin hỏi anh chị em: Anh chị em là những Kitô hữu nhãn hiệu hay thực sự?
Và mỗi câu trả lời là ở bên trong! Đừng là Kitô hữu nhãn hiệu, đừng bao giờ là Kitô hữu vì nhãn hiệu! Hãy là Kitô hữu trong sự thật, trong lòng. Trở thành Kitô hữu là sống và làm chứng cho đức tin trong lời cầu nguyện, làm việc bác ái, thúc đẩy công lý, làm điều thiện. Bởi vì cửa hẹp là Đức Kitô phải đi vào toàn bộ cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Thiên đàng, giúp chúng ta đi qua cửa đức tin, để cho Con của Mẹ biến đổi hữu thể chúng ta như Người đã từng biến đổi Mẹ, để đem niềm vui Tin mừng cho mọi người.
* * *
Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa thánh, Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình cho Syria.
Đức Thánh Cha nói ngài “cảm thấy đau buồn” khi theo dõi cuộc nội chiến ở Syria, nơi “bạo lực đang gia tăng cùng với những vụ thảm sát và tội ác”. Và một lần nữa, ngài kêu gọi chấm dứt vũ trang và bạo lực: Chiến tranh giữa các phe đối lập không đem đến hy vọng giải quyết được vấn đề; hòa bình được vãn hồi nhờ đối thoại.
“Từ đáy lòng, qua lời cầu nguyện và tình liên đới, tôi bày tỏ sự gần gũi với tất cả các nạn nhân của cuộc xung đột, với tất cả những ai đang chịu đau khổ, đặc biệt là trẻ em, và tôi mời gọi họ luôn giữ niềm hy vọng hòa bình trở lại. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tỏ ra nhạy cảm hơn với tình trạng bi thảm này và nỗ lực làm tất cả để giúp quốc gia Syria thân yêu tìm một giải pháp cho một cuộc chiến tranh tàn phá và chết chóc. Tất cả chúng ta cùng nhau khẩn cầu với Đức Mẹ, Nữ Vương Hòa Bình: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con. Tất cả cộng đoàn lặp lại: Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hòa Bình, cầu cho chúng con.
Sau đó, ngài chào khách hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô; họ đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Cuối cùng, ngài nói: “Đối với nhiều người, những ngày này đánh dấu sự kết thúc mùa nghỉ hè. Tôi chúc tất cả các bạn bình an để trở lại cuộc sống thường ngày và nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Chúc tất cả các bạn một ngày Chúa nhật và một tuần tốt lành! Chúc ngon miệng và chào tạm biệt!”
Lm Phạm Quang Long chuyển ngữ
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh