TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ thị duyệt lại Huấn thị Liturgiam Authenticam

Toà Thánh không đưa ra chi tiết về Uỷ ban, vốn dự kiến ​​sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên. Và danh sách các thành viên của Uỷ ban cũng không được công bố.

Minh Đức

 

WHĐ (30.01.2017) – Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị thành lập một Uỷ ban để duyệt lại văn kiện Liturgiam Authenticam, một Huấn thị gây tranh cãi sau khi những bản dịch các bản văn phụng vụ từ tiếng Latinh sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác mới được Toà Thánh phê chuẩn. Uỷ ban này được Đức Thánh Cha thành lập ngay trước lễ Giáng sinh, cũng có nhiệm vụ xét xem cần tản quyền đến mức nào trong Giáo hội đối với những vấn đề như vấn đề này.

 

Uỷ ban mới sẽ bao gồm các giám mục của tất cả các châu lục. Đáng chú ý, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích, làm Chủ tịch Uỷ ban. Đức Tổng giám mục Roche, người Anh, là nhân vật số hai của Bộ Phụng tự; ngài có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phụng vụ hơn và cách tiếp cận cởi mở hơn về các vấn đề phụng vụ, so với Đức hồng y Bộ trưởng là Robert Sarah.

 

Toà Thánh không đưa ra chi tiết về Uỷ ban, vốn dự kiến sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên. Và danh sách các thành viên của Uỷ ban cũng không được công bố.

 

Theo các nguồn tin thông thạo, có hai lý do chính để Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Uỷ ban này. Thứ nhất, theo Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha muốn trao trách nhiệm lớn hơn và thẩm quyền nhiều hơn cho các Hội đồng Giám mục. Điều này đã được ngài nói rõ trong Tông huấn Evangelii Gaudium:

 

“Công đồng Vaticanô II tuyên bố rằng, giống như các Giáo hội thuộc các Toà thượng phụ thời xưa, các Hội đồng Giám mục ngày nay đang ở trong vị thế ‘cống hiến bằng nhiều cách thức hiệu quả cho việc hiện thực hoá tinh thần hiệp đoàn’. Nhưng ước muốn này chưa được thể hiện đầy đủ, vì chúng ta vẫn chưa triển khai đủ một tư cách pháp lý của các Hội đồng Giám mục như là những chủ thể có những thuộc tính chuyên biệt. Hình thức quản trị quá tập trung gây phức tạp cho đời sống và hoạt động truyền giáo của Hội Thánh thay vì giúp ích cho nó (số 32).

 

Trong bối cảnh này, vấn đề nảy sinh có liên quan đến phụng vụ là xác định rõ đâu là vai trò của giám mục Roma trong việc duy trì sự hiệp nhất trong Giáo hội, vì Phụng vụ, nghi lễ Roma, tạo nên sự hiệp nhất trong Giáo hội Latinh. Uỷ ban sẽ bàn về vấn đề này.

 

Thứ hai, một số Hội đồng Giám mục không hài lòng với bản dịch Sách Lễ Rôma theo đòi hỏi của Liturgiam Authenticam. Các ngài cho rằng  nó quá cứng nhắc và không chấp nhận rằng có một thứ ngôn ngữ gọi là “ngôn ngữ thánh thiêng”. Họ đổ lỗi cho Liturgiam Authenticam muốn có một kiểu dịch gần như sát nghĩa các bản văn phụng vụ Latinh sang ngôn ngữ bản xứ hay địa phương của các quốc gia khác nhau, thường đưa đến kết quả không làm hài lòng. Người Nhật chẳng hạn, họ đã tranh đấu lâu dài với Bộ [Phụng tự] về việc ai được quyền quyết định chấp thuận bản dịch tiếng Nhật của các văn bản này. Họ và nhiều Hội đồng Giám mục khác, rõ ràng không hài lòng với các chỉ thị của Liturgiam Authenticam và mức độ tập quyền của Huấn thị này.

 

Đức Tổng Giám mục Roche, người đã từng giữ chức Chủ tịch “Uỷ ban Quốc tế về Anh ngữ trong Phụng vụ” trong 10 năm, khi trình bày trước Hội đồng Giám mục Canada hồi tháng Chín 2014, đã nói rằng sự khác biệt lớn giữa Huấn thị “Comme le Prévoit” (1969), vốn chi phối bản dịch các sách phụng vụ đầu tiên sau Công đồng Vatican II (1962-1965), và Huấn thị Liturgiam Authenticam, vốn ấn định bản dịch Sách Lễ Roma bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và một số nước dùng tiếng Tây Ban Nha, “là Toà Thánh, trong các chỉ thị, đã chọn thay đổi nguyên tắc hướng dẫn bản dịch từ ‘tương đương năng động hoặc chức năng’ vào năm 1969 sang nguyên tắc ‘tương đương hình thức’ vào năm 2001”.

 

Đức Tổng Giám mục Roche giải thích rằng có được “sự tương đương năng động” khi người dịch tách “nội dung” của một phát ngôn ra khỏi  “hình thức mà nó được thể hiện”. Nhưng ngài nói phương pháp này đã trở nên “lỗi thời”. Trong 40 năm qua, các chuyên gia ngôn ngữ “đã ý thức hơn rằng chính hình thức mà chúng ta chọn để phát ngôn sẽ diễn tả mục đích của chúng ta khi nói”. Đức Tổng Giám mục Roche cho biết, với Liturgiam Authenticam, Toà Thánh đã chọn nguyên tắc “tương đương hình thức”.

 

Uỷ ban mới được Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập sẽ xem xét toàn bộ vấn đề, cùng với việc hội nhập văn hoá và những gì mà chủ trương tản quyền ước mong thực hiện trong các vấn đề liên quan đến phụng vụ.

 

Liturgiam Authenticam và các bản dịch


Được ban hành năm 2001 theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Liturgiam Authenticam, “bản hướng dẫn để áp dụng đúng đắn Hiến chế về Phụng vụ Thánh của Công đồng Vatican II”, đặc biệt đòi hỏi bản văn gốc Latinh phải được “dịch cách toàn vẹn và thật chính xác, nghĩa là không được thêm bớt vào nội dung, cũng không được dịch theo kiểu diễn nghĩa hoặc giải thích”.

 

Trong thực tế, đòi hỏi này của Roma đã đưa đến những khó khăn lớn cho các bản dịch Sách Lễ Roma ấn bản năm 2002. Bộ Phụng tự thánh, do Đức hồng y Robert Sarah làm Bộ trưởng, đã căn cứ Huấn  thị Liturgiam Authenticam để đòi các Hội đồng Giám mục phải dịch sát bản gốc Latinh. Nhưng bản dịch tiếng Anh, có hiệu lực từ năm 2011, đã bị 50% số tín hữu và 71% linh mục không chấp nhận vì văn phong “quá câu nệ” và “rườm rà”.

 

Các bản dịch tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý đã không được thông qua, và bản dịch tiếng Pháp cũng thế; trước đó, bản dịch tiếng Pháp đầu tiên đã bị Roma bác bỏ vào năm 2007.

 

Tại Đức, vào năm 2013, các giám mục đã phản đối “một ngôn ngữ phụng vụ không biết đến ngôn ngữ của dân chúng” nên từ chối công việc của Uỷ ban do Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thành lập và bắt đầu công việc của riêng mình. Công việc này mới đây đã bị Bộ Phụng tự thánh bác bỏ.

 

(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Insider & La Croix)

 

Minh Đức