TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Sức mạnh của Giáo hội không ở nơi chính mình, nhưng ở nơi sâu thẳm của Thiên Chúa”

Chúng ta hãy luôn nhớ rằng sức mạnh của Giáo hội không ở nơi chính Giáo hội hay trong năng lực tổ chức của Giáo hội, nhưng ở nơi sâu thẳm của Thiên Chúa. Và vùng sâu thẳm ấy khuấy động những khát vọng của chúng ta, và khát vọng của chúng ta lại mở rộng con tim chúng ta.

Minh Đức

 

WHĐ (04.01.2014) – Sáng thứ Sáu 03-01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Lễ kính Thánh Danh Chúa Giêsu tại Nhà thờ Chúa Giêsu, để tạ ơn nhân dịp chân phước Pierre Favre, dòng Tên, được tuyên thánh. Đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh; Đức hồng y Agostino Vallini, Giám quản giáo phận Roma, Đức giám mục Luis Francisco Ladaria Ferrer, S.J., thư ký Bộ Giáo lý Đức tin; Đức giám mục Yves Boivineau, giám mục giáo phận Annecy, Pháp - sinh quán của Thánh Favre, và Tổng đại diện, cha Alain Fournier-Bidoz; Bề trên tổng quyền dòng Tên, cha Adolfo Nicolas, S.J., và bảy linh mục trẻ của dòng Tên.

 

Thánh Pierre Favre, được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên thánh ngày 17-12 năm ngoái, là người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh Inhaxiô Loyola – vì thế, ngài được gọi là “tu sĩ dòng Tên thứ hai” – và là một trong những người sáng lập Dòng Chúa Giêsu, đồng thời ngài còn là linh mục đầu tiên của Dòng. Mộ của Thánh Inhaxiô và của Thánh Pierre Favre được đặt trong Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu.

 

Trong bài giảng dành riêng tôn vinh vị thánh mới, Đức Thánh Cha nói rằng Thánh Pierre Favre là người của những khát vọng cao cả: “Cần phải tìm kiếm Chúa để gặp Chúa, và gặp được Chúa để lại tìm Chúa nữa và cứ như thế. Chỉ có sự thao thức ấy mới mang lại bình an cho con tim của một tu sĩ dòng Tên, thao thức ấy cũng là thao thức tông đồ, vì thế chúng ta không bao giờ mệt mỏi trong việc loan báo kerygma và rao giảng Tin Mừng với lòng can đảm. Chính sự thao thức ấy chuẩn bị cho chúng ta đón nhận hồng ân hoa trái tông đồ. Nếu không có sự thao thức ấy, chúng ta sẽ trở thành những người cằn cỗi.”

 

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Và đó là sự thao thức của Thánh Pierre Favre, con người có những khát vọng cao cả, một Daniel khác. Favre là một người khiêm tốn, nhạy cảm với một đời sống nội tâm sâu xa. Ngài được phú cho khả năng làm bạn với mọi người. Tuy nhiên, thánh nhân có một tinh thần thao thức, day dứt khôn nguôi. Dưới sự hướng dẫn của Thánh Inhaxiô, ngài đã học biết kết hợp sự nhạy cảm tinh tế luôn thao thức nhưng cũng dịu dàng và điềm đạm, với khả năng đưa ra quyết định: thánh nhân là một người có những khát vọng cao cả, ngài đã nhận ra những khát vọng ấy và nuôi dưỡng chúng. Thật vậy, đối với Thánh Favre, chính khi phải đối diện với những khó khăn, thì ngài lại chứng tỏ được tinh thần chân thực thúc đẩy ngài hành động”.

 

“Một đức tin đích thực luôn bao hàm khát vọng sâu xa thay đổi thế giới. Và đây là vấn đề chúng ta cần đặt ra cho chính mình: liệu chúng ta có được tầm nhìn và nhiệt huyết lớn lao ấy không? Chúng ta có dũng cảm không? Ước mơ của chúng ta có bay bổng không? Lòng nhiệt thành có đốt cháy chúng ta? Hay chúng ta cứ tầm thường và hài lòng với những kế hoạch tông đồ lý thuyết của mình? Chúng ta hãy luôn nhớ rằng sức mạnh của Giáo hội không ở nơi chính Giáo hội hay trong năng lực tổ chức của Giáo hội, nhưng ở nơi sâu thẳm của Thiên Chúa. Và vùng sâu thẳm ấy khuấy động những khát vọng của chúng ta, và khát vọng của chúng ta lại mở rộng con tim chúng ta. Như Thánh Augustinô đã nói: hãy cầu nguyện để khao khát và hãy khao khát mở rộng cõi lòng của bạn. Chính trong nỗi khát khao của mình mà cha Favre đã có thể phân định được tiếng Chúa. Không có khao khát, chúng ta không thể tiến bước, và đó là lý do tại sao chúng ta phải dâng những khát vọng của chúng ta cho Chúa. Hiến pháp dòng Tên nói rằng chúng ta phải giúp đỡ người khác dâng lên Chúa những khát vọng”.

 

Đức Thánh Cha khẳng định: “Thánh Favre khao khát thực sự và sâu xa mở ra trong Thiên Chúa”: ngài hoàn toàn tập trung vào Thiên Chúa, và vì thế ngài có thể đi đến khắp nơi ở châu Âu, trong tinh thần vâng phục và thường đi bộ, để đối thoại với mọi người một cách dịu dàng và loan báo Tin Mừng. Tôi nghĩ rằng cơn cám dỗ mà chúng ta gặp phải, mà nhiều người đã đầu hàng, đó là liên kết việc loan báo Tin Mừng với sự trừng phạt của Toà án dị giáo và việc kết án. Không, Tin Mừng phải được rao giảng với sự dịu dàng, trong tinh thần huynh đệ, với tình yêu thương. Tình thân thiết với Thiên Chúa đã dẫn thánh nhân đến chỗ hiểu rằng kinh nghiệm nội tâm và đời sống tông đồ luôn đi với nhau. Thánh nhân đã viết trong Hồi ký rằng rung động đầu tiên của con tim phải là niềm khao khát điều chính yếu và cội nguồn, hay đúng hơn, việc tìm kiếm Thiên Chúa, Chúa chúng ta, phải là ưu tiên. Thánh Favre đã cảm nghiệm nỗi khát mong để cho con tim mình được Chúa Kitô chiếm hữu. Chỉ khi tập trung vào Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đi ra ngoài, đến vùng ngoại biên của thế giới! Và Thánh Favre đã lên đường không ngơi nghỉ đến những biên giới địa lý; thật vậy, người ta nói rằng hình như ngài được sinh ra để không bao giờ ở yên một chỗ nào. Thánh Favre đã bị đốt cháy bởi khát mong mãnh liệt hiệp thông với Chúa. Nếu chúng ta không có cùng một khát mong ấy, chúng ta cần phải dừng lại một chút để cầu nguyện, và âm thầm tha thiết xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Pierre Favre là người anh em của chúng ta, cho chúng ta cảm nghiệm lại niềm say mê Thiên Chúa vốn đã hướng dẫn thánh nhân trong những cơn điên rồ tông đồ của ngài”.

 

(Nguồn VIS & WHĐ)