TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II ký Tuyên bố chung
Mai Tâm
WHĐ (27.06.2016) / Vatican Radio – Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II đã ký một Bản Tuyên bố chung hôm Chúa nhật 26 tháng Sáu 2016, tại Điện Etchmiadzin, sau cuộc gặp gỡ với các vị đại diện và ân nhân của Giáo hội Tông truyền Armenia.
Phần mở đầu của Bản Tuyên bố nhấn mạnh đến “các mối tương quan thắm thiết và huynh đệ” hiện đang có giữa hai Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Tông truyền Armenia. Sự gần gũi “trong đức tin và đức ái” đã không ngừng được củng cố, từ sau cuộc tông du của Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 1.700 năm Armenia được Rửa tội, là quốc gia Công giáo đầu tiên trong lịch sử. Bản văn cũng đề cập đến một khoảnh khắc quan trọng khác trong lịch sử của mối tương quan này: Thánh lễ trọng thể được cử hành ngày 12-06-2015 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tưởng nhớ các nạn nhân người Armenia trong sự kiện “Metz Yeghern”, vụ tàn sát năm 1915. Trong nghi lễ cảm động này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trích dẫn Bản Tuyên bố chung do vị tiền nhiệm của ngài là Thánh Gioan Phaolô II và Đức Thượng phụ Karekin II ký kết, gợi lại “vụ sát hại một triệu năm trăm ngàn Kitô hữu người Armenia trong một sự kiện thường được gọi là vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX”.
Một lời kêu gọi cộng đồng quốc tế đối diện với các thảm họa đang diễn ra
Trong Bản Tuyên bố mới này, Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng phụ Karekin II dành một đoạn dài để nói đến “thảm họa hết sức lớn lao đang diễn ra ngày nay trước mắt chúng ta: vô số những con người vô tội đã bị giết chết, bị đưa đi đầy hay buộc phải chọn một cuộc sống lưu vong đau đớn và bấp bênh, vì lý do xung khắc chủng tộc, chính trị và tôn giáo” đang đặt Trung Đông và các phần khác của thế giới trên một thùng thuốc nổ. Bản Tuyên bố nhấn mạnh, cuộc bách hại các nhóm tôn giáo thiểu số đã trở thành “một thực tế của đời thường”, liên quan đến tất cả các Giáo hội. Niềm đau của các vị tử đạo này là một “cuộc đại kết bằng máu” “vượt khỏi các chia rẽ lịch sử giữa các Kitô hữu và kêu gọi chúng ta cổ vũ cho sự hiệp nhất hữu hình giữa các môn đệ của Đức Kitô”. Do đó, hai vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi mọi người cầu xin “Các thánh Phêrô và Phaolô, các thánh Tađêô và Batôlômêô (những người đã loan báo Tin Mừng tại Armenia) biến đổi lòng trí của tất cả những ai đang gây nên những tội ác như thế và của những người có khả năng ngăn chặn những cuộc bạo lực này”. “Chúng tôi kêu nài các nguyên thủ các quốc gia lắng nghe yêu cầu của hàng triệu nhân sinh đang lo âu chờ đợi ngày hoà bình và công lý lên ngôi trên thế giới, đang cầu khẩn cho các quyền lợi của họ được tôn trọng, đang khát khao bánh ăn chứ không phải vũ khí”.
Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ than phiền là “việc trình bày tôn giáo và các giá trị của tôn giáo” đang diễn ra dưới một lăng kính bảo thủ chuyển tải hận thù, kỳ thị và bạo lực. “Việc biện minh cho những tội ác này trên cơ sở các tư tưởng tôn giáo là không thể chấp nhận được, bởi vì ‘Thiên Chúa không phải là Đấng gây hỗn loạn, nhưng Ngài tạo bình an’ (1Cr 14,33), hai vị khẳng định điều đó khi nhấn mạnh tới việc tôn trọng các sự khác biệt tôn giáo như điều kiện thiết yếu cho sự sống chung hoà bình giữa các nhóm dân tộc và tôn giáo. “Bởi vì chúng ta là các Kitô hữu, chúng ta được mời gọi phát triển các con đường của hoà giải và hoà bình”. Hai vị lãnh đạo tôn giáo, vốn hy vọng ở một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đồt tiềm ẩn đặt Armenia và Azerbaïdjan đối đầu nhau về vùng Nagorno-Karabakh.
Các ngài cũng kêu gọi các tín hữu: “Chúng tôi kêu gọi các tín hữu của hai Giáo hội mở rộng tấm lòng và đôi tay cứu giúp các nạn nhân của chiến tranh và của khủng bố, các người tị nạn và gia đình của họ”, bởi vì đó là “ý nghĩa của lòng nhân đạo, của tình liên đới, của tấm lòng cảm thông và quảng đại của chúng ta”, vốn đang lâm nguy. Đức Thánh Cha và Đức Thượng phụ nhìn nhận rằng đã làm được một số việc, nhưng cũng kêu gọi những người có trách nhiệm chính trị và quốc tế nỗ lực hơn nữa để “bảo đảm cho mọi người quyền được sống trong hoà bình và yên ổn, để duy trì tình trạng Luật pháp, để bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, để chống lại việc buôn bán vũ khí”.
Bảo vệ gia đình và dấn thân xây dựng sự hiệp nhất
Mặt khác, hai vị lãnh đạo tôn giáo cũng bày tỏ mối lo âu về tình trạng xã hội thế tục hoá, đang tìm cách loại bỏ tất cả những gì là thánh thiêng, cũng như về cuộc khủng hoảng mà các gia đình tại nhiều quốc gia đang phải trải qua. Hai Giáo hội tái khẳng định quan điểm chung của mình về gia đình, “đặt nền tảng trên hôn nhân, hành động nhưng không và yêu thương trung tín giữa một người nam và một người nữ”.
“Ý thức rằng điều hợp nhất chúng ta còn mạnh hơn điều chia rẽ chúng ta”, hai Giáo hội mạnh mẽ tái khẳng định cần phải nỗ lực ngày càng nhiều hơn nữa cho việc xích lại gần nhau, để củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực thần học và đạo đức, cả trên bình diện các cộng đoàn địa phương, hướng tới sự hiệp thông.
Các tín hữu cũng được mời gọi “làm việc với nhau trong sự hài hoà để thăng tiến các giá trị Kitô giáo” giữa lòng xã hội và góp phần một cách có hiệu quả “vào việc xây dựng nền văn minh của công lý, hoà bình và và của tình liên đới”.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh