TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Đức Thánh Cha tiếp kiến Toà Thượng thẩm Rota
Minh Đức
WHĐ (25.01.2014) – “Các thẩm phán và nhân viên Toà Thượng thẩm Rota thân mến... sứ vụ của anh em là sứ vụ đặc biệt phụng sự Thiên Chúa Tình yêu, Đấng ở gần bên mọi người. Khi anh em thực thi trách nhiệm pháp lý của mình, xin đừng quên rằng anh em là những mục tử! Đằng sau mỗi lời thỉnh cầu, mỗi chức vụ, mỗi trường hợp, là những con người tìm kiếm công lý”.
Trên đây là lời ngỏ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các giám chức, nhân viên và cộng sự viên của Toà Thượng thẩm Rota trong buổi tiếp kiến ngày hôm qua 24-01-2014, nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới của Giáo hội. Đây là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Toà Thượng thẩm Rota từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “chiều kích pháp lý và chiều kích mục vụ của thừa tác vụ của Giáo hội không đối nghịch nhau, vì cả hai đều góp phần thực hiện các mục tiêu và sự thống nhất trong hành động của Giáo hội”.
“Hoạt động tư pháp của Giáo hội, vốn mang hình thức phục vụ sự thật trong công lý, có một ý nghĩa mục vụ sâu xa, vì hoạt động ấy nhằm mưu cầu thiện ích cho các tín hữu và xây dựng cộng đoàn Kitô giáo. ... Hơn nữa, các thẩm phán thân mến, qua sứ vụ cụ thể của mình, anh em đem lại phần đóng góp chuyên môn trước những vấn đề mục vụ mới nảy sinh”.
Đức Thánh Cha tiếp tục nói đến những đặc tính thiết yếu của vị thẩm phán của Giáo hội về các mặt: con người, tư pháp và mục vụ.
Về mặt con người, vị thẩm phán phải là “người có nhân cách trưởng thành, thể hiện qua cách phán đoán bình thản, không bị ảnh hưởng bởi những quan điểm cá nhân. Nhân cách trưởng thành cũng bao hàm khả năng biết được tâm thức và nguyện vọng chính đáng của cộng đoàn mà vị thẩm phán phục vụ. Như thế, thẩm phán sẽ thực thi một hình thức công lý không phải thuần tính pháp lý hay trừu tượng, nhưng thích nghi với nhu cầu thực tế”.
Về mặt pháp lý, ngoài các điều kiện tiên quyết về giáo luật và thần học, khi thực thi sứ vụ, vị thẩm phán phải tỏ ra “chuyên môn trong pháp luật, khách quan trong phán đoán và công bằng, phán đoán cách điềm tĩnh và không thiên vị. Hơn nữa, trong công việc của mình, vị thẩm phán phải được hướng dẫn bởi mục đích bảo vệ sự thật, tôn trọng luật pháp, không coi nhẹ nét tế nhị và tình người của vị mục tử các linh hồn.
Cuối cùng, về mặt mục vụ, để bày tỏ sự chăm sóc mục vụ của Đức giáo hoàng và các giám mục, đòi hỏi vị thẩm phán không chỉ tỏ ra có năng lực đã được chứng thực, mà còn phải có tinh thần phục vụ thật sự. Thẩm phán là đầy tớ của công lý, được kêu gọi xử lý và xét xử tình trạng của các tín hữu đến với họ với niềm tin tưởng, theo gương Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc con chiên mang thương tích. Vì thế, vị thẩm phán được đức bác ái mục vụ thôi thúc; đức bác ái mà Thiên Chúa đã rót vào lòng chúng ta... đức bác ái là linh hồn của vai trò của vị thẩm phán trong Giáo Hội.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh