TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Đức Tổng giám mục Gallagher: “Gia đình là tác nhân chính của sự phát triển bền vững”

Vị Bộ trưởng ngoại giao của Toà Thánh đã tái khẳng định “gia đình là thành phần tự nhiên và căn bản của xã hội, là tác nhân chính của sự phát triển bền vững, và do đó là kiểu mẫu của sự hiệp thông và đoàn kết giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế”.

Minh Đức

 

WHĐ (30.09.2015) – Sau bài diễn văn của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu 25 tháng Chín, đến lượt Đức Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Thư ký Phủ Quốc vụ khanh đặc trách quan hệ với các quốc gia (Bộ trưởng ngoại giao), phát biểu tại Diễn đàn của Liên Hiệp Quốc hôm Chúa nhật 27-09 vừa qua. Trong bài phát biểu với chủ đề “Gia đình và Phát triển bền vững”, nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc nhóm họp để thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Vị Bộ trưởng ngoại giao của Toà Thánh đã tái khẳng định “gia đình là thành phần tự nhiên và căn bản của xã hội, là tác nhân chính của sự phát triển bền vững, và do đó là kiểu mẫu của sự hiệp thông và đoàn kết giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế”.

 

Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc lại sự tham gia và trợ giúp của Toà Thánh đối với Chương trình nghị sự về việc xoá bỏ đói nghèo, bằng cách đặt con người ở trung tâm. Theo Đức Tổng giám mục, cùng nhau chăm lo cho gia đình có thể giúp giảm đói nghèo và đạt được những kết quả tốt đẹp hơn cho trẻ em.

 

Ngài khẳng định: “Điều đó khiến chúng ta không thể quên rằng có nhiều bằng chứng cho thấy các chính sách có lợi cho gia đình – bao gồm sự tôn trọng tín ngưỡng và quyền của cha mẹ được giáo dục con cái mình – đã đóng góp cách hiệu quả vào việc đạt được các mục tiêu phát triển, gồm cả vun đắp các xã hội an bình”.

 

Kết thúc bài phát biểu, Đức Tổng giám mục Gallagher trích lại câu mở đầu của Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium est Spes của Công đồng Vatican II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của tất cả chúng tôi, và không có gì thực sự là của con người mà chúng tôi lại không cảm nhận trong đáy lòng mình”.

 

(Nguồn: WHĐ)