TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Đức Tổng giám mục Pietro Parolin: Phủ Quốc vụ khanh phải trở thành một “mẫu mực” cho toàn thể Giáo hội

“Một cách nào đó”, Phủ Quốc vụ khanh phải trở thành một “mẫu mực cho toàn thể Giáo hội”. Đức Tổng giám mục Parolin bảo đảm rằng nền ngoại giao Vatican phải dấn thân cùng với các dân tộc “trong công cuộc xây dựng một thế giới nhân văn và huynh đệ”, trong đó, “những kẻ yếu thế và dễ bị tổn thương nhất” phải được được bảo vệ.

Mai Tâm

 

WHĐ (11.02.2014) – Mong sao Giáo triều là một công cụ “nhẹ nhàng” trong việc phục vụ sứ vụ của Giáo hội trong thế giới hôm nay. Đó là điều mong ước Đức Tổng giám mục Pietro Parolin đã thổ lộ trong một cuộc trò chuyện với tờ Avvenire, nhật báo của Hội đồng Giám mục Italia, được đăng tải hồi cuối tuần qua. Vị Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã nêu lên nhiều chủ đề, từ việc cộng tác với Đức giáo hoàng Phanxicô tới chính sách ngoại giao của Vatican, ngang qua vụ xung đột tại Syria và “câu chuyện đau lòng” Vatileaks.

 

Để tiến tới một giáo triều “nhẹ nhàng” và “hiệu quả” hơn

 

Cách thức của tôi “chỉ có thể” là cách thức của Đức giáo hoàng, “một cách thức mà tôi hoàn toàn đồng ý”. Cuộc phỏng vấn dài Đức Tổng giám mục Parolin dành cho tờ Avvenire đã bắt đầu với những lời lẽ như thế. Vị hồng y tương lai đã dừng lại ở chủ đề về “sự canh tân Giáo hội”, một chủ đề không ngừng được Đức giáo hoàng “khẩn khoản” kêu gọi các tín hữu quan tâm. Đức Tổng giám mục Parolin cũng cho thấy là Phủ Quốc vụ khanh sẽ phải hoàn toàn ở trong tư thái sẵn sàng thực thi “sự hoán cải mục vụ Đức giáo hoàng Phanxicô đã đề ra”. Hơn thế nữa, ngài nói thêm, “một cách nào đó”, Phủ Quốc vụ khanh phải trở thành một “mẫu mực cho toàn thể Giáo hội”. Đức Tổng giám mục Parolin bảo đảm rằng nền ngoại giao Vatican phải dấn thân cùng với các dân tộc “trong công cuộc xây dựng một thế giới nhân văn và huynh đệ”, trong đó, “những kẻ yếu thế và dễ bị tổn thương nhất” phải được được bảo vệ.

 

Bởi vậy, ngài nhấn mạnh, Giáo triều nhất thiết phải trở thành một “công cụ nhẹ nhàng, bớt quan liêu hơn và phải hiệu quả hơn trong việc phục vụ sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo hội toàn cầu và các Giáo hội địa phương”. Đã hẳn, ngài nhìn nhận, “nguy cơ lạm dụng quyền hành luôn luôn rình rập” và “Giáo triều trong quá khứ cũng như hiện nay không tránh khỏi”. Nhưng Đức Tổng giám mục Parolin cảnh báo: “một cuộc cải tổ cơ cấu sẽ là không đủ nếu không kèm theo một sự hoán cải liên tục về mặt mục vụ”. Tuy nhiên vị Quốc vụ khanh cũng nhấn mạnh rằng trong Giáo triều “cũng có các vị thánh”. Và cần nhắc lại điều này “khi có những ngòi bút vội vã và hung hăng đưa ra một hình ảnh hoàn toàn tiêu cực về Giáo triều”. Cuối cùng, chúng ta cần phải “nỗ lực để trở nên nhân đạo hơn, niềm nở hơn và mang tính Tin Mừng hơn như Đức giáo hoàng Phanxicô mong muốn”.

 

Vatileaks, một “câu chuyện đau lòng”

 

Đức Tổng giám mục Parolin cũng đề cập đến vụ Vatileaks, “một câu chuyện đau lòng” nhưng tỏ ý hy vọng rằng câu chuyện này “đã qua hẳn rồi”. Vấn đề đã “làm Đức Bênêđictô XVI đau khổ một cách bất công” và “gây công phẫn nơi nhiều người”. Về vấn đề liên quan đến Viện Giáo vụ (IOR), vị Quốc vụ khanh không muốn đề cập đến khía cạnh “các giải pháp có tính kỹ thuật” mà tái khẳng định tầm quan trọng của việc làm sao để phù hợp với “các nguyên tắc của Tin Mừng”.

 

Nền ngoại giao Vatican phục vụ hòa bình

 

Đức Tổng giám mục Parolin cũng nói đến sự dấn thân của Tòa Thánh trong vấn đề hòa bình. Ngài khẳng định: “Người giữ vai trò ngoại giao đầu tiên của Tòa Thánh, chính là Đức giáo hoàng Phanxicô”, và đề cập đến vai trò của Đức Thánh Cha trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria. Về Hội nghị Geneva II, vị Quốc vụ khanh khẳng định sự cần thiết phải tìm ra một hành trình “mang tính thực tế để chấm dứt xung đột và góp phần thiết lập một nền hòa bình bền vững”. Ngài cũng không quên gợi lại tình hình khó khăn của các Kitô hữu phương Đông, “mối quan tâm lớn của Tòa Thánh”.  

 

Đức Tổng giám mục Parolin cũng đề cập đến các mối quan hệ với Trung Quốc, và bày tỏ ước mong rằng “sự tin tưởng và thấu hiểu có thế gia tăng giữa hai phía qua việc nối lại một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nhà cầm quyền”.

 

Đức giáo hoàng theo chủ nghĩa mácxit?

 

Cuối cùng, Đức hồng y tương lai cũng đáp lại một số dư luận chỉ trích một thứ gọi là chủ nghĩa mácxit của Đức giáo hoàng Phanxicô  trong Tông huấn Evangelii gaudium. Và ngài đáp lại bằng một câu hỏi:“Khuyến khích tình liên đới vô vị lợi và trở về với nền kinh tế và tài chính dựa trên nền đạo đức vì con người phải chăng là chủ nghĩa Mácxít?”

 

(Nguồn: WHĐ - Theo Vatican Radio)