TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Giêrusalem: các Kitô hữu họp nhau cầu nguyện cho hoà bình

Tối 22-07, một buổi cầu nguyện đại kết cho hoà bình do Trung tâm nghiên cứu thần học Sabeel tổ chức đã diễn ra tại nhà thờ Thánh Têphanô ở Giêrusalem. Hơn 240 người sốt sắng tham dự buổi cầu nguyện này trong hơn một giờ để tha thiết cầu nguyện cho cuộc chiến giữa Israel và Hamas sớm chấm dứt.

Minh Đức

 

WHĐ (25.07.2014) – Tối 22-07, một buổi cầu nguyện đại kết cho hoà bình do Trung tâm nghiên cứu thần học Sabeel tổ chức đã diễn ra tại nhà thờ Thánh Têphanô ở Giêrusalem. Hơn 240 người sốt sắng tham dự buổi cầu nguyện này trong hơn một giờ để tha thiết cầu nguyện cho cuộc chiến giữa Israel và Hamas sớm chấm dứt.


Trong số các tín hữu tham dự buổi cầu nguyện, có Nguyên Thượng phụ Giêrusalem Sabbah Michel, giám mục Munib Younan (Giáo hội Luther), giám mục Atallah Hanna (Giáo hội Chính thống), giám mục William Shomali (phụ tá Toà thượng phụ Công giáo Latinh Giêrusalem), nhiều linh mục và đại diện của các Giáo hội tại Giêrusalem, cũng như các nhân vật dân sự và ngoại giao, đặc biệt có năm vị bộ trưởng, một vị là cựu bộ trưởng của chính quyền Palestine.



Các lời cầu nguyện được đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những ngọn nến được thắp lên, ánh lửa mong manh nhưng bừng sáng, cũng như hoà bình là điều khó khăn nhưng khát vọng hoà bình của những người đang cầu nguyện thật mãnh liệt.


Buổi cầu nguyện được xen kẽ bằng những bài hát của ca đoàn Ar-Rajaa và mười sáu ý cầu nguyện, trong bầu khí sốt sắng trang nghiêm, để khẩn cầu cho công lý, hoà bình, sự an ủi và ổn định ở Gaza và toàn khu vực. Tiền quyên góp trong buổi cầu nguyện dành để trợ giúp các gia đình túng thiếu nhất ở Gaza.


Trong bài giảng, Đức Thượng phụ Sabbah nhấn mạnh “sự phi lý của chiến tranh” và kêu gọi tìm kiếm “một giải pháp toàn cầu và thoả đáng cho vấn đề”. “Đây thực sự là một cuộc chiến tranh xung đột mà bên này chống lại bên kia, nhưng chẳng giải quyết được gì”.



Ngài nói tiếp: “Chúng ta đến đây để cầu nguyện với Cha trên trời của chúng ta, Ngài nghe tiếng chúng ta kêu cầu và Ngài biết mọi sự. Ngài là Cha của mọi người, là Cha của kẻ giết người và là Cha của người bị giết. Lời cầu nguyện của chúng ta nhắc nhở cả hai –kẻ giết người cũng như nạn nhân– rằng Thiên Chúa là và vẫn luôn là Tình yêu. Cách nói này cả thủ phạm và nạn nhân của họ đều không thể hiểu được, đôi khi chính chúng ta cũng không hiểu, nhưng đó là điều duy nhất đem lại cho chúng ta Ơn cứu rỗi”.


(Nguồn: WHĐ - Theo PLJ)