TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ

Kỷ niệm 50 năm Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (được Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 04-12-1963), Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích phối hợp với Đại học Giáo hoàng Latêranô tổ chức Hội nghị chuyên đề “Sacrosanctum Concilium – Lời tạ ơn và dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông giáo hội” từ 18 đến 20 tháng Hai tại Đại nghị trường của Đại học Latêranô.

Huy Hoàng


WHĐ (18.02.2014) – Kỷ niệm 50 năm Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (được Đức giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 04-12-1963), Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích phối hợp với Đại học Giáo hoàng Latêranô tổ chức Hội nghị chuyên đề “Sacrosanctum Concilium – Lời tạ ơn và dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông giáo hội” từ 18 đến 20 tháng Hai tại Đại nghị trường của Đại học Latêranô.


Đặc biệt, có 9 vị Hồng y tham dự Hội nghị này: Đức hồng y Antonio Cañizares Llovera, Bộ trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật các Bí Tích; Đức hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng Bộ Giám Mục; Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh; Đức hồng y Franc Rodé, nguyên Bộ trưởng Bộ Tu sĩ; Đức hồng y Péter Erdo, Tổng giám mục Esztergom-Budapest; Đức hồng y Raymond Leo Burke, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Toà Thánh; Đức hồng y Agostino Vallini, Giám quản giáo phận Rôma; Đức hồng y George Pell, Tổng giám mục Sydney và Đức hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hòa bình.


Các bài tham luận rất đa dạng, đề cập nhiều đề tài, tập trung vào những vấn đề liên quan đến Hiến chế Sacrosanctum Concilium:

– Đọc Công đồng Vatican II theo một khoa chú giải thích đáng;


– Quan điểm lịch sử, những sự kiện trước và sau Hiến chế Sacrosanctum Concilium;


– Lịch sử soạn thảo Hiến chế Sacrosanctum Concilium;


– Các chìa khoá để hiểu Hiến chế Sacrosanctum Concilium về mặt thần học;


– Các chìa khoá để hiểu Hiến chế Sacrosanctum Concilium về mặt mục vụ;


– Các nền phụng vụ khác, đời sống phụng vụ của Nghi lễ Rôma sau Hiến chế Sacrosanctum Concilium;


– Giảng dạy Phụng vụ trong các phân khoa, các Chủng viện và Học viện đào tạo sau Hiến chế Sacrosanctum Concilium;


– Nghệ thuật phụng vụ ngày nay, tổng kết và triển vọng;


– Các bản dịch phụng vụ, hai bản Hướng dẫn, quan điểm phụng vụ hay văn hóa;


– Lòng đạo đức bình dân và đời sống đạo của người Công giáo 50 năm sau Hiến chế Sacrosanctum Concilium;


– Hội nhập văn hoá trong viễn tượng thống nhất cơ bản của nghi lễ Roma;


– Tình hình hiện nay của các nền phụng vụ ít được biết đến nhất: Phụng vụ Ambrôsiô, Phụng vụ tại Certosa, Phụng vụ Hispano-Mozarabê và Phụng vụ của Lyon.

 

Ngoài phần tham luận, Hội nghị cũng dành thời gian cho các sinh hoạt thiêng liêng và nghệ thuật:


Thứ Ba 18-02: Ban Hợp xướng ca đoàn Trường Cao đẳng Nga ở Roma sẽ trình diễn buổi Hoà nhạc “Tiếng nói của các Kitô hữu Đông Phương” vào lúc 18g00.


Thứ Tư 19-02: Thánh lễ đồng tế tại Vương vung thánh đường Thánh Phêrô do Đức Tổng giám mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, chủ tế lúc 8g00.


Đồng thời các tham dự viên cũng sẽ tham dự buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần của Đức Thánh Cha.


Thứ Năm 20-02: Chầu Mình Thánh Chúa tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô do Đức hồng y Agostino Vallini chủ sự lúc 8g30.


Ngày thứ Năm 20-02, sau phần tổng kết của Đức giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự, Hội nghị sẽ bế mạc với Thánh lễ trọng thể tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô vào lúc 18g30 do Đức hồng y Bộ trưởng Antonio Cañizares Llovera chủ tế.


Trước đó, trong buổi họp báo tổ chức tại Phòng Báo chí Toà Thánh ngày 13-02 giới thiệu Hội nghị chuyên đề này, Đức hồng y Cañizares nhận định: Hội nghị là “một lời mời gọi Giáo hội hãy là chính mình, như Thiên Chúa muốn Giáo hội là và Người đã lập ra Giáo hội như thế. Giáo hội phải hành động theo đúng ơn gọi của mình và với sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó”.


Đức hồng y Cañizares nói thêm: “Về lời tạ ơn và cam kết, chúng ta phải tạ ơn Chúa về hoa trái đầu tiên này của Công đồng... không chỉ vì chính Hiến chế, mà còn vì Hiến chế này đã và vẫn luôn canh tân tính năng động của Giáo hội. Đồng thời, chúng ta phải tiếp tục dấn thân và đào sâu công cuộc canh tân phụng vụ mà Công đồng Vatican II mong muốn. Đúng là có nhiều điều đã được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.
 


(Nguồn: WHĐ)