TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đi đàng Thánh giá

Đại hội Giới trẻ Thế giới Rio 2013: Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đi đàng Thánh giá.

Copacabana 26-07-2013

 

Các bạn trẻ thân mến,

 

Hôm nay, chúng ta đến đây cùng đi với Chúa Giêsu trên con đường Thánh giá, con đường khổ nạn và tình yêu, đây là một trong những cử hành cao điểm của Ngày Giới trẻ Thế giới. Cuối Năm Thánh Cứu độ, chân phước Gioan Phaolô II trao Thánh giá cho các bạn là những người trẻ, đề nghị các bạn “mang Thánh giá đi khắp thế giới như dấu chỉ của tình yêu Đức Kitô dành cho nhân loại, và công bố cho mọi người rằng chỉ trong cái chết và phục sinh của Đức Kitô chúng ta mới tìm được ơn cứu độ” (Diễn từ cho giới trẻ ngày 22-04-1984). Từ đó, Thánh giá của Ngày Giới trẻ Thế giới đi qua mọi châu lục và qua nhiều tình cảnh khác nhau của con người. Thánh giá hầu như được ‘nhấn chìm’ trong kinh nghiệm đời thường của vô số người trẻ, những người đã gặp Thánh giá và vác Thánh giá. Không ai có thể tiếp cận hay chạm vào Thánh giá Đức Giêsu mà không để lại nơi ấy điều gì đó của chính mình, cũng như không đem một điều gì của Thánh giá Đức Giêsu vào cuộc đời mình. Tôi có ba câu hỏi mà tôi ước mong sẽ vọng lại nơi tâm hồn các bạn trong buổi chiều hôm nay khi các bạn bước đi bên Đức Giêsu: Các bạn trẻ Brazil thân mến, các bạn đã để lại gì trên Thánh giá trong suốt hai năm rước Thánh giá dọc ngang khắp đất nước Brazil rộng lớn của các bạn? Thánh giá đã để lại điều gì nơi mỗi người trong các bạn? Và cuối cùng, Thánh giá dạy chúng ta điều gì?

 

1. Theo một truyền thuyết cổ của người Rôma, trong khi chạy trốn khỏi thành phố vào thời Nêrô đang bách hại, thánh Phêrô nhìn thấy Đức Giêsu đang đi ngược chiều hướng về thành phố, thánh nhân ngỡ ngàng hỏi: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy đi vào Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa”. Lúc đó, thánh Phêrô mới hiểu rằng mình phải can đảm đi theo Thầy cho đến cùng. Nhưng thánh nhân cũng nhận ra rằng ngài không phải bước đi một mình. Đức Giêsu là Đấng đã yêu cho đến chết trên Thập giá luôn ở với ngài. Với Thánh giá của mình, Đức Giêsu bước đi bên chúng ta và mang lấy nỗi sợ hãi, những vấn đề và đau khổ của chúng ta, thậm chí là nỗi đau cùng cực. Với Thánh giá, Đức Giêsu tự liên kết Người với sự câm lặng của các nạn nhân của bạo lực, những người không còn có thể khóc được, nhất là trẻ thơ và những ai không được bảo vệ. Với Thánh giá, Người được liên kết với những gia đình đang gặp khó khăn, đang than khóc vì mất con, như trường hợp 242 bạn trẻ thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại Thành phố Santa Maria hồi đầu năm nay. Chúng ta cầu nguyện cho các bạn ấy. Trên Thánh giá, Đức Giêsu được liên kết với những ai lâm cảnh đói nghèo trong một thế giới có hàng tấn đồ ăn bị vứt bỏ mỗi ngày; trên Thánh giá, Chúa Giêsu được liên kết với những người cha người mẹ đau khổ khi thấy con mình trở thành nạn nhân của khoái cảm từ ma túy. Trên Thánh giá, Đức Giêsu được liên kết với những ai bị bách hại vì tôn giáo, vì niềm tin hay đơn giản vì màu da của họ. Trên Thánh giá, Đức Giêsu được liên kết với biết bao bạn trẻ không còn tin vào các thể chế chính trị, bởi chỉ thấy nơi những thể chế  ấy đầy ích kỷ và tham nhũng; Người tự liên kết với những người trẻ đã mất niềm tin vào Giáo hội, thậm chí vào Thiên Chúa vì những  phản chứng của người tín hữu và thừa tác viên của Tin mừng. Thánh giá Đức Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi con người, trong đó có tội của chúng ta. Đức Giêsu dang tay chấp nhận tất cả, Người mang thập giá của chúng ta trên đôi vai và nói với chúng ta rằng: “Hãy can đảm, con không vác thập giá một mình! Thầy cùng mang với con. Thầy đã vượt qua sự chết và Thầy đến để đem cho con niềm hy vọng, cho con sự sống” (x. Ga 3,16).

 

2. Và bây giờ chúng ta trả lời câu hỏi thứ hai: Thánh giá đem lại điều gì cho những ai chiêm ngắm và chạm đến? Thánh giá để lại cho mỗi người chúng ta điều gì? Thưa Thánh giá mang lại cho chúng ta một kho tàng mà không ai có thể ban tặng: Đó là tình yêu không lay chuyển của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao cả tới mức bước vào trong tội lỗi chúng ta để tha thứ, bước vào trong nỗi đau của chúng ta để ban cho ta sức mạnh chịu đựng. Đó là tình yêu đi vào cái chết để chế ngự nó và giải thoát chúng ta. Thánh giá Đức Kitô chứa đựng tất cả tình yêu Thiên Chúa, cũng là lòng thương xót vô biên của Người. Đó là tình yêu mà chúng ta có thể phó thác và tin tưởng.

 

Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác chính mình nơi Đức Giêsu, hãy hiến dâng toàn thân cho Người (x. Lumen Fidei, 16), vì Người không bao giờ làm cho ai thất vọng. Chỉ trong Đức Kitô chịu khổ nạn và phục sinh, chúng ta mới tìm được ơn cứu rỗi. Với Người, thần dữ, đau khổ và sự chết không thể nói lời cuối cùng, bởi vì Người ban cho chúng ta hy vọng và sự sống: Người biến đổi Thập giá từ khí cụ của hận thù, thất bại và cái chết trở thành dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và sự sống.

 

Tên ban đầu của Brazil là “Miền đất của Thánh giá”. Thánh giá Đức Kitô được cắm tại đây 5 thế kỷ trước, không những trên bờ biển này mà còn trong dòng lịch sử, trong tâm hồn cũng như đời sống của người dân Brazil và khắp mọi nơi. Đau khổ của Đức Kitô được cảm nhận ở đây một cách sâu sắc khi mỗi người chúng ta chia sẻ hành trình của mình cho đến cùng. Không có thập giá nào trong đời chúng ta, dù lớn hay nhỏ, mà Người không chia sẻ với chúng ta.

 

3. Tuy nhiên, Thánh giá Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta để cho tình yêu Người lay động chúng ta, dạy chúng ta luôn hướng về người khác với lòng thương xót và dịu dàng, nhất là những ai đau khổ, những người đang cần giúp đỡ, những người cần một lời nói hoặc một hành động cụ thể; Thánh giá mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình để gặp gỡ và đưa tay giúp đỡ họ. Bao nhiêu lần chúng ta đã nhìn thấy họ trên Đường Thập giá, là bấy nhiêu lần họ cùng đi với Chúa Giêsu trên đường Canvê: Philatô, Simon thành Xirênê, Đức Maria, những người phụ nữ... Hôm nay tôi hỏi các bạn: Bạn muốn là ai trong những người này? Bạn có muốn giống như Philatô, là người không đủ can đảm đi ngược dòng để cứu mạng Đức Giêsu, nhưng lại phủi tay làm ngơ? Hãy nói đi: bạn có phải là một trong số những người đã phủi tay, giả vờ không biết và tìm con đường khác? Hay bạn giống như Simon thành Xirênê, người vác khối gỗ nặng giúp Đức Giêsu; hoặc giống như Đức Maria và những người phụ nữ khác, không sợ đi theo Đức Giêsu trọn con đường, với tình yêu và lòng nhân ái? Còn bạn, bạn muốn giống như ai? Như Philatô? Như Simon? Như Đức Maria?

 

Chúa Giêsu đang nhìn các bạn và hỏi: con có muốn vác Thánh giá giúp Thầy không? Các bạn thân mến, với tất cả sức mạnh của tuổi trẻ, các bạn trả lời Người như thế nào?

 

Các bạn thân mến, chúng ta hãy mang theo niềm vui, đau khổ và thất bại của chúng ta đến với Thánh giá Đức Kitô. Tại đó, chúng ta sẽ gặp được một Trái Tim mở ra cho chúng ta, thấu hiểu chúng ta, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang tình yêu đó vào trong đời mình, để yêu thương từng người anh chị em với cùng một tình yêu ấy.

 
Lm Phạm Quang Long chuyển ngữ
 
(Nguồn: WHĐ)