TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong đêm canh thức cầu nguyện với giới trẻ
Copacabana, 27-07-2013
WHĐ (31.07.2013) – Chiều thứ Bảy, 27-07-2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện với khoảng 2 triệu bạn trẻ tại bãi biển Copacabana. Buổi phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với nhiều chứng từ và cuộc đối thoại giữa Đức Thánh Cha với các bạn trẻ.
Sau đó, trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha mở đầu bằng câu chuyện của thánh Phanxicô Assisi, người được Chúa mời gọi “góp phần mình vào đời sống Giáo hội. Đó là tham gia vào việc phục vụ của Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội… Ngày nay cũng như mọi thời, Chúa cũng cần đến các bạn là những người trẻ cho Giáo hội của Người.”
Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ “đừng làm người quan sát, nhưng hãy tham dự vào cuộc đời, như Chúa Giêsu đã làm.”
Sau bài huấn từ, có cuộc rước kiệu và chầu Thánh Thể, trong đó có các lời nguyện được các bạn trẻ đọc bằng 7 thứ tiếng, rồi Đức Thánh Cha ban phép lành Mình Thánh Chúa cho mọi người. Buổi canh thức kết thúc với bài hát Lạy Nữ Vương.
Sau đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha:
Các bạn trẻ thân mến!
Nhìn thấy tất cả các bạn đây, tôi nghĩ về câu chuyện của thánh Phanxicô Assisi. Trước tượng chuộc tội, thánh nhân nghe tiếng Chúa Giêsu nói với mình: “Phanxicô, con hãy đi dựng lại ngôi nhà của Ta”. Chàng thanh niên Phanxicô đã mau mắn và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa, dựng lại ngôi nhà của Người. Nhưng ngôi nhà nào? Dần dần nhưng rõ ràng, Phanxicô đã nhận ra rằng đó không phải là việc sửa lại ngôi nhà bằng đá, mà là góp phần mình vào đời sống Giáo hội. Đó là tham gia vào việc phục vụ của Giáo hội, yêu mến Giáo hội và làm sao để dung nhan của Chúa Kitô trong Giáo hội ngày càng tỏa sáng.
Ngày nay cũng như mọi thời, Chúa cũng cần đến các bạn, là những người trẻ, cho Giáo hội của Người. Các bạn thân mến, Chúa cần đến các bạn. Hôm nay cũng vậy, Chúa đang mời gọi mỗi người trong các bạn đi theo Người trong Giáo hội và trở thành những nhà truyền giáo. Hôm nay, Chúa đang gọi các bạn! Không phải là đám đông, nhưng là bạn…, và bạn…, và bạn…, mỗi người trong các bạn. Hãy lắng nghe tiếng Chúa đang nói trong lòng bạn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể học được điều gì đó từ những chuyện đang xảy ra trong những ngày này, về lý do mà chúng ta phải hủy cuộc canh thức tại Cánh đồng Đức tin, Campus Fidei, ở Guaratiba do thời tiết xấu. Chẳng phải Chúa đang nói với chúng ta rằng chính chúng ta đang ở trong cánh đồng đức tin, Campus Fidei thật sự, chứ không phải ở một không gian địa lý nào đó hay sao? – Vâng, đúng thế, mỗi người trong chúng ta, mỗi người trong các bạn, tôi, và mọi người! Trở thành môn đệ thừa sai có nghĩa là chúng ta là Cánh đồng Đức tin của Chúa! Khởi đi từ tên gọi địa điểm mà chúng ta đang đứng, Campus Fidei, cánh đồng đức tin, tôi đã nghĩ đến ba hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn người môn đệ và nhà thừa sai nghĩa là gì. Trước hết, cánh đồng là nơi gieo hạt; thứ hai, cánh đồng là nơi rèn luyện; và thứ ba, cánh đồng là một công trường xây dựng.
1. Cánh đồng là nơi gieo hạt
Chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về một người gieo giống đi ra gieo hạt giống trên cánh đồng; có những hạt rơi trên đường đi, một số rơi trên đá sỏi, một số rơi vào bụi gai, và không thể mọc lên được; một số hạt khác rơi vào đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái (x. Mt 13,1-9). Chính Chúa Giêsu đã giải thích ý nghĩa của dụ ngôn này: hạt giống là lời Chúa gieo vào lòng chúng ta (x. Mt 13,18-23). Ngày nay, từng ngày, nhưng hôm nay theo một cách đặc biệt, Chúa Giêsu gieo hạt. Khi chúng ta đón nhận Lời Chúa, thì chúng ta là Cánh đồng Đức tin! Xin hãy để cho Đức Kitô và lời của Người đi vào cuộc sống các bạn, hãy để cho hạt giống Lời Chúa đi vào, hãy để Lời ấy ra hoa và lớn lên. Chúa sẽ chăm sóc mọi sự, nhưng hãy để Chúa làm việc trong các bạn và làm cho Lời ấy tăng trưởng.
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng những hạt rơi trên đường đi, trên sỏi đá hoặc bụi gai sẽ không trổ sinh hoa trái. Tôi nghĩ chúng ta nên thành thật tự hỏi: Chúng ta là loại đất nào? Chúng ta muốn là loại đất nào? Có lẽ đôi khi chúng ta giống như con đường: chúng ta nghe lời Chúa nhưng lời Người chẳng thay đổi được gì trong đời sống chúng ta, bởi vì chúng ta cứ để chính mình bị lôi kéo trước những lời hời hợt, muốn thu hút sự chú ý của chúng ta. Tôi hỏi các bạn, nhưng đừng trả lời ngay; mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình: “Phải chăng tôi là một người trẻ dễ bị lôi kéo?” Hay là chúng ta giống như sỏi đá: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với lòng nhiệt thành, nhưng rồi chúng ta lưỡng lự, và khi gặp khó khăn, chúng ta không có can đảm lội ngược dòng. Mỗi người trong chúng ta hãy trả lời trong lòng mình: “Tôi là người can đảm hay nhút nhát?” Hoặc có thể chúng ta giống như mảnh đất gai góc: cự tuyệt, khước từ nên lời Chúa trong ta bị bóp nghẹt (x. Mt 13,18-22). “Phải chăng tôi có thói quen sống hai lòng: tôi lấy lòng Chúa hay lấy lòng ma quỷ? Phải chăng tôi vừa muốn nhận hạt giống từ Chúa Giêsu lại vừa tưới nước cho bụi gai và cỏ dại lớn lên trong lòng?”
Nhưng hôm nay, tôi chắc chắn rằng hạt giống có khả năng rơi vào đất tốt. Chúng ta vừa nghe những chứng từ, về cách làm thế nào để hạt giống rơi vào đất tốt. Các bạn có thể nghĩ: “Không, thưa cha, con không phải là mảnh đất tốt; con là kẻ gây tai họa, nơi con đầy đá sỏi, gai góc, mọi thứ.” Phải, có thể bề mặt là như thế, nhưng hãy dọn sạch một khoảnh nhỏ, một khoảnh nhỏ đất tốt, và hãy để hạt giống rơi vào đó và xem nó lớn lên như thế nào. Tôi tin rằng các bạn muốn là loại đất tốt, là Kitô hữu thật, Kitô hữu đích thực, chứ không phải loại Kitô hữu nửa mùa: Kitô hữu ‘hình thức’, lạc lõng và ‘chỉ có vỏ bên ngoài’. Tôi tin rằng các bạn không muốn bị đánh lừa bởi một thứ tự do giả tạo, luôn chiều theo các trào lưu và lề thói đương thời. Tôi biết rằng các bạn đang quyết tâm đạt được những quyết định lâu bền đầy ý nghĩa. Đúng thế không? Tôi nói đúng không? Tốt. Nếu đúng, hãy thực hiện điều này: Trong thinh lặng, tất cả chúng ta hãy nhìn vào lòng mình và mỗi người chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu rằng chúng ta muốn nhận hạt giống Lời Chúa. Hãy nói với Người: “Lạy Chúa, xin nhìn vào sỏi đá, gai góc, và cỏ dại trong con, nhưng xin cũng nhìn vào miếng đất nhỏ con dành cho Ngài, nhờ đó hạt giống có thể đi vào lòng con.” Trong thinh lặng, chúng ta hãy để cho hạt giống của Chúa Giêsu đi vào cõi lòng ta. Hãy nhớ lấy khoảnh khắc này. Mỗi người đều nhận ra hạt giống đã lãnh nhận. Hãy để hạt giống ấy lớn lên, và Thiên Chúa sẽ nuôi dưỡng nó.
2. Cánh đồng là nơi rèn luyện
Không chỉ là nơi gieo vãi, cánh đồng là một nơi rèn luyện. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Người suốt đời; Người mời gọi chúng ta trở nên môn đệ của Người, để “chơi trong đội bóng của Người”. Hầu hết các bạn đều yêu thể thao! Ở Brazil này, cũng như tại các nước khác, bóng đá là niềm đam mê của toàn dân. Đúng không? Vậy thì các cầu thủ sẽ làm gì khi họ được mời tham gia đội bóng? Họ phải tập luyện và tập luyện rất nhiều!
Là những môn đệ của Chúa, đời sống của chúng ta cũng giống như thế. Khi mô tả về Kitô hữu, thánh Phaolô nói: “Các vận động viên phải kiêng cữ đủ thứ; họ làm điều này để giành lấy phần thưởng chóng qua, còn chúng ta có một phần thưởng bất diệt” (1 Cr 9,25). Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta một điều gì đó còn lớn hơn Cúp Thế giới! Điều gì đó lớn lao hơn Cúp Thế giới! Người tặng ban cho chúng ta khả năng có được một cuộc sống trổ sinh hoa trái, một cuộc đời hạnh phúc; Người cũng ban cho chúng ta một tương lai với Người, một tương lai bất tận, là cuộc sống bất diệt.
Đó là điều Người ban cho chúng ta. Nhưng Người đòi chúng ta phải trả học phí, và cái giá của học phí là chúng ta phải tập luyện “để có sức vóc” mà đương đầu với mọi tình huống trong cuộc sống không hề sợ hãi, để làm chứng cho đức tin của mình, nhờ việc cầu nguyện với Chúa.
Các bạn sẽ nghĩ: “Thưa cha, cha đang kêu gọi tất cả chúng con cầu nguyện ư?”. Vâng, tôi hỏi tất cả các bạn, nhưng hãy thinh lặng trả lời trong lòng bạn, đừng lớn tiếng: “Tôi có cầu nguyện không? Tôi có nói chuyện với Chúa Giêsu không, hay tôi sợ thinh lặng? Tôi có để cho Chúa Thánh Thần lên tiếng trong lòng mình không? Tôi có hỏi Chúa Giêsu: ‘Chúa muốn con làm gì, Chúa muốn điều gì nơi đời con?’ hay không? Đó là rèn luyện. Hãy hỏi Chúa Giêsu, hãy nói chuyện với Người, và nếu bạn phạm sai lầm trong cuộc đời, nếu bạn có sa ngã, nếu bạn có làm điều gì xấu, đừng sợ hãi.
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhìn đến điều con đã làm, con phải làm gì bây giờ?” Hãy thường xuyên nói chuyện với Chúa Giêsu, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, khi bạn làm điều đúng cũng như lúc làm điều sai. Đừng sợ Người! Đó là cầu nguyện. Và qua cầu nguyện, bạn tự rèn luyện mình trong đối thoại với Chúa Giêsu, trên con đường trở nên người môn đệ thừa sai. Qua các bí tích, sức sống của Người lớn lên trong ta và làm cho chúng ta giống Chúa Kitô, trong yêu thương nhau, lắng nghe, thấu hiểu, tha thứ, đón nhận và giúp đỡ người khác, tất cả mọi người, không tẩy chay hoặc loại trừ ai.
Các bạn trẻ thân mến, hãy trở nên “những vận động viên đích thực của Chúa Kitô"!
3. Cánh đồng là công trường xây dựng
Chúng ta đang nhìn thấy những điều xảy ra trước mắt mình: giới trẻ đã cam kết và hiến thân cho việc xây dựng Giáo hội. Khi trái tim chúng ta là mảnh đất tốt để đón nhận Lời Chúa, khi chúng ta ‘đổ mồ hôi’ để cố gắng sống đời Kitô hữu, chúng ta trải nghiệm một điều lớn lao: chúng ta không bao giờ cô độc, chúng ta là thành phần của một gia đình có nhiều anh chị em, tất cả cùng đi trên một con đường: chúng ta là thành phần của Giáo hội. Giới trẻ không cô đơn, nhưng họ cùng nhau lên đường và xây dựng Giáo hội; họ cùng nhau làm những gì thánh Phanxicô đã làm: xây dựng và sửa sang Giáo hội. Tôi hỏi các bạn: “Các bạn có muốn xây dựng Giáo hội không?” [Thưa có …] “Các bạn có can đảm làm điều đó không?” [Thưa có …] “Và ngày mai, bạn có quên lời ‘thưa có’ mà các bạn nói hôm nay không?” [Thưa không …]
Điều đó làm cho tôi rất vui! Chúng ta là thành phần của Giáo hội, quả thật, chúng ta xây dựng Giáo hội và chúng ta làm nên lịch sử. Hỡi các bạn trẻ, xin đừng theo đuôi lịch sử. Hãy làm những thành viên chủ động! Hãy xung phong! Hãy bước vào cuộc chơi, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới của những người anh em, một thế giới của công lý, tình thương, hòa bình, huynh đệ và liên đới. Các bạn hãy luôn luôn đi đầu!
Thánh Phêrô nói rằng chúng ta là những viên đá sống động, để xây thành một đền thờ thiêng liêng (x. 1 Pr 2,5). Theo cách nhìn này, chúng ta thấy đó là hình dáng của một giáo hội được xây dựng bằng những viên đá sống động. Trong Giáo hội Chúa Giêsu, chính chúng ta là những viên đá sống động. Chúa Giêsu xin chúng ta xây dựng Giáo hội của Người; mỗi người trong chúng ta là một viên đá sống động, là một phần nhỏ bé của ngôi đền thờ; khi mưa xuống, nếu thiếu mất phần này, thì ngôi nhà sẽ bị mưa tạt vào. Đừng xây một nhà nguyện nhỏ nhoi chỉ dành một nhóm người. Chúa Giêsu đòi chúng ta làm cho Giáo hội sống động của Người thành to lớn, đủ chứa tất cả nhân loại, trở thành ngôi nhà của mọi người! Người truyền cho tôi, cho các bạn, cho mỗi người chúng ta: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”.
Đêm nay, chúng ta hãy trả lời Người: “Vâng, lạy Chúa, con cũng muốn trở thành một viên đá sống động; chúng con muốn cùng nhau xây dựng Giáo hội của Chúa! Con muốn ra đi và xây dựng Giáo hội Chúa Kitô!”
Các bạn có nóng lòng muốn làm cho điều này diễn ra một lần nữa không? “Con muốn ra đi và xây dựng Giáo hội Chúa Kitô”, hãy cùng nhau lặp lại … [Các bạn trẻ lặp lại lời này]. Các bạn phải luôn nhớ rằng các bạn đã cùng nhau nói như thế.
Trái tim trẻ trung của các bạn muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi có theo dõi kỹ tin tức về nhiều bạn trẻ khắp thế giới tuần hành để bày tỏ niềm khao khát về một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Những người trẻ xuống đường. Chính những người trẻ muốn là những người chủ chốt làm nên thay đổi. Xin các bạn đừng để người khác chủ xướng sự thay đổi. Các bạn là những người nắm giữ tương lai. Qua các bạn mà tương lai được hiện thực trên thế giới. Tôi cũng xin các bạn trở thành chủ xướng cuộc biến đổi này. Hãy tiếp tục vượt qua tính lãnh đạm, cống hiến câu trả lời của Kitô giáo cho nỗi lo âu xã hội và chính trị, đang nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi xin các bạn trở nên những người xây dựng thế giới, làm việc cho một thế giới tốt đẹp hơn.
Các bạn trẻ thân mến! Xin đừng làm người quan sát, nhưng hãy tham dự vào cuộc đời. Chúa Giêsu đã không đứng bên ngoài, nhưng đã hòa mình vào đời. Đừng đứng bên ngoài, nhưng hãy hòa mình vào thực tế cuộc đời, như Chúa Giêsu đã làm.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi: “Chúng ta bắt đầu từ đâu? Chúng ta tham vấn ai để bắt đầu công việc này?” Một số người đã từng hỏi Mẹ Teresa Calcutta: “Cần làm gì để thay đổi trong Giáo hội, và phải bắt đầu từ bức tường nào? Phải bắt đầu từ điểm nào?” Và Mẹ Teresa trả lời: “Bạn và tôi là điểm bắt đầu”. Người phụ nữ này đã rất quả quyết. Bà biết phải bắt đầu từ đâu. Và hôm nay tôi mượn lời của bà để nói với các bạn: Chúng ta bắt đầu chứ? Bắt đầu từ đâu? Thưa: Bắt đầu từ các bạn và tôi! Mỗi người trong các bạn, hãy thinh lặng tự hỏi mình một lần nữa: “Nếu tôi phải bắt đầu từ chính mình, chính xác là phải bắt đầu từ đâu?” Mỗi người trong các bạn hãy mở lòng mình ra, nhờ đó Chúa Giêsu có thể chỉ cho các bạn đâu là điểm bắt đầu.
Các bạn thân mến, đừng bao giờ quên các bạn là cánh đồng đức tin! Các bạn là vận động viên của Đức Kitô! Các bạn được kêu gọi để xây dựng một Giáo hội xinh tươi hơn và một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy ngắm nhìn lên Đức Maria. Mẹ giúp chúng ta bước theo Chúa Giêsu, Mẹ cho chúng ta một gương mẫu qua lời thưa “xin vâng” với Thiên Chúa: “Tôi là đầy tớ của Thiên Chúa; xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Tất cả chúng ta cùng nhau hợp với Mẹ Maria thưa lên cùng Thiên Chúa: “Xin thực hiện nơi con như lời Ngài nói!” Amen!
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh