TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Melanie Paul, thiếu nữ khiếm thính vượt thử thách nhờ đức tin
Hồng Thủy - Vatican
Tuy bị điếc từ năm lên 12 tuổi, nhưng Melanie Paul vẫn thành công trong vai trò là người cố vấn hướng dẫn, và qua hoạt động tình nguyện, cô đã giúp đỡ cho rất nhiều người, nổi bật nhất là việc trị liệu với sự trợ giúp của các con thú, công việc mà từ 19 năm nay đã mang lại những trợ giúp về cảm xúc và thể lý cho nhiều người tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
“Tôi cầu nguyện rất nhiều để có sức mạnh làm những gì tôi đặt ra”
Melanie Paul sinh tại Pennsylvania, là giáo dân của giáo xứ thánh Giuse ở Hampton. Sau khi được bác sĩ cho thuốc kháng sinh Streptomycin, một loài thuốc mà trong một số ít trường hợp có thể làm cho bệnh nhân bị điếc, Melanie đã bị mất thính lực. Ba tháng sau khi dùng loại thuốc này, cô đã bị điếc. Nhưng dù cho khuyết tật của mình, cô vẫn kiên định trong cuộc sống. Trở lại trường Công giáo mà cô đã theo học từ lớp một, cô nhanh chóng học cách đọc môi, nhìn môi của người nói để hiểu điều họ nói, và tiếp tục học cho đến lớp 8, sau đó cô theo học tại một trường công.
Tại trường học, các giáo viên khuyến khích Melanie theo đuổi một nghề hơn là tiếp tục việc học hành. Những lời khuyên của họ đã không làm cô nản lòng và phải bỏ ý muốn theo học đại học. Trái lại, cô đã quyết chí chứng minh rằng họ không đúng khi đưa ra lời khuyên như thế. Chia sẻ với báo The Catholic Virginian, tờ báo của giáo phận Richmond, Melanie nói: “Tôi là một người lạc quan khi đặt mục tiêu cho bản thân và không bao giờ lùi bước khi mọi thứ trở nên khó khăn. Thực tế là tôi thích những thử thách. Tôi cầu nguyện rất nhiều để có sức mạnh làm những gì tôi đặt ra”.
Những thành công ấn tượng
Melanie đã hoàn thành một số công việc cách ấn tượng. Cô có bằng cử nhân tâm lý học và xã hội học tại đại học Gallaudet ở Washington và bằng thạc sĩ về tư vấn và hướng dẫn giáo dục của đại học Western Maryland. Cô cũng có bằng chuyên viên giáo dục về quản lý giáo dục và giám sát của đại học William and Mary, và cô là người điếc đầu tiên tốt nghiệp trường này. Cô làm việc trong ngành giáo dục trong 30 năm, chủ yếu là một cố vấn hướng dẫn. Là một nhiếp ảnh viên tự học, cô đã đạt giải “"Best in Show" trong buổi triển lãm toàn quốc lần thứ 14 của Hiệp hội Daffodil Hoa Kỳ dành cho những bức ảnh về hoa thủy tiên.
“Chúng ta trở thành điều chúng ta yêu mến, và người chúng ta yêu mến sẽ định hình chúng ta”
Tin vào tầm quan trọng của việc phục vụ tha nhân, đặc biệt là lời mời gọi thực hiện những việc bác ái thăm viếng bệnh nhân, Melanie đã tham gia vào hoạt động tình nguyện. Cô cho biết, những lời của thánh nữ Clara: “Chúng ta trở thành điều chúng ta yêu mến, và người chúng ta yêu mến sẽ định hình chúng ta”, đã thúc đẩy cô đến với cộng đồng. Melanie phục vụ trong Ủy ban người khuyết tật của tòa thị chính Hampton trong 10 năm và hiện tại cô đang làm việc tại Ủy ban tư vấn kiểm soát động vật Hampton. Trong 10 năm, cô đã dạy những tân binh trong sở cảnh sát của Hampton cách tương tác và giúp đỡ những người khiếm thính. Năm 2009, cô dạy ngôn ngữ ký hiệu cho các sinh viên đại học Christopher Newport.
Năm 2000, cô bắt đầu cung cấp phương pháp trị liệu với sự hỗ trợ của các con thú. Melanie có một đội chó chăn cừu và những chú chó này đã mang đến sự thoải mái và niềm vui cho các bệnh nhân trong nhà thương, viện dưỡng lão, các nhà hưu và trung tâm phục hồi chức năng. Mỗi tháng một lần, cô giúp những học sinh, tuổi từ 6 đến 10 tuổi gặp khó khăn trong việc đọc và các học sinh giáo dục đặc biệt, thông qua chương trình Paws to Read mà cô đã lập tại thư viện công cộng Hampton năm 2003.
Theo Melanie, trẻ em có thể trau dồi kỹ năng đọc của mình bằng cách đọc cho những con chó nghe vì chó không đưa ra những phán xét. Trong nhiều năm, Melanie và những chú chó của cô đã đến trường và dạy học sinh về chó con và "cách cư xử tốt" mà trẻ nên có khi tương tác với chúng. Họ cũng đã làm việc với Ủy ban Vệ sinh của thành phố Hampton để dạy trẻ em về việc chăm sóc môi trường. Cô nói: “Tôi thích chia sẻ các chú chó của tôi. Phần thưởng tôi nhận được là nhìn thấy niềm vui mà các chú chó mang đến cho người khác.” Cô cũng cho biết: “Khi các con chó đi vào trong phòng bệnh hay trường học, nụ cười sáng lên trên gương mặt của mọi người – các bệnh nhân, học sinh, nhân viên, những người khách. Họ mỉm cười và đến vuốt ve các chú chó. Họ cảm thấy ấm cúng.”
“Đức tin đưa tôi vượt qua những thử thách của cuộc sống”
Melanie bắt đầu mỗi ngày bằng việc cầu nguyện vào giờ ăn sáng. Cô tham dự các Thánh lễ Chúa nhật bằng cách đọc theo một cuốn sách lễ bởi vì cô không thể nghe các bài hát, các lời nguyện hay bài giảng. Cô cảm tạ Chúa về những ơn phúc cô được lãnh nhận, trong đó có người chồng tên Philip, có các bạn và những con chó của cô. Cô chia sẻ: “Trong suốt đời tôi, đức tin của tôi chưa bao giờ giao động. Chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa có một kế hoạch cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể đặt câu hỏi về nó nhưng nó vẫn là kế hoạch của Chúa. Tôi thường hỏi Chúa tại sao tôi bị điếc nhưng nếu tôi không bị điếc, tôi có thể có một cuộc sống khác. Tôi không thích bị điếc nhưng tôi đã tạo được một cuộc sống tuyệt vời cho mình mặc dù thực tế đó.”
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh