TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI
Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 90: “Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”
Mai Tâm
WHĐ (17.05.2016) – Vào ngày lễ trọng thể kính Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa nhật 15-05 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo. Ngày Thế giới Truyền giáo được Đức giáo hoàng Piô XI phê chuẩn năm 1926 và hằng năm được cử hành vào Chúa nhật thứ ba của tháng Mười. Năm nay, Ngày Thế giới Truyền giáo là lần thứ 90 và được cử hành vào Chúa nhật 23 tháng Mười với chủ đề “Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”.
Mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương xót mà Giáo hội đang sống cũng đem lại một ánh sáng đặc biệt cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2016. Năm Thánh ấy mời gọi chúng ta hãy xem sứ vụ ‘đến với muôn dân’ như một việc làm thương xót vĩ đại - cả về phần hồn lẫn phần xác”; và “như những môn đệ thừa sai, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để phục vụ người khác, với những tài năng, óc sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của riêng mình”.
“Được uỷ thác truyền giáo, Giáo hội quan tâm chăm sóc những ai không biết đến Tin Mừng bởi vì Giáo hội ước mong tất cả mọi người đều được cứu độ và cảm nghiệm rằng Thiên Chúa yêu thương họ. ‘Giáo hội có sứ mạng loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là con tim đang đập của Tin Mừng’ (Thông điệp Misericordiae Vultus, s.12) và công bố lòng thương xót ấy ở mọi ngóc ngách của trái đất, đến với mọi người - nam cũng như nữ, người già cũng như người trẻ và các trẻ em”.
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Lòng thương xót được diễn tả cách cao đẹp nhất và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Kitô mặc khải Dung mạo giàu lòng thương xót của Chúa Cha, Người “nói và giảng giải về Lòng thương xót bằng hình ảnh và dụ ngôn, nhưng trên hết, Ngôi Lời còn là hiện thân và nhân cách hóa Lòng thương xót ấy” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia s. 2).
Và Đức Thánh Cha ghi nhận: “Làm chứng cho tình yêu này của lòng thương xót, cũng như vào thời đầu của Giáo hội, có nhiều người –nam cũng như nữ– thuộc mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh. Sự hiện diện đông đảo và ngày càng nhiều của phụ nữ trong thế giới truyền giáo là một dấu chỉ hùng hồn của tình mẫu tử của Thiên Chúa. Phụ nữ –giáo dân hay nữ tu–, và ngày nay còn có nhiều gia đình nữa, họ thực thi ơn gọi truyền giáo của mình bằng nhiều hình thức: từ việc trực tiếp loan báo Tin Mừng đến các công việc bác ái”.
“Phụ nữ và các gia đình thường hiểu được những vấn đề của con người một cách thích đáng hơn và biết cách đương đầu với những vấn đề này một cách thích hợp và đôi khi rất độc đáo, bằng cách quan tâm đến đời sống, đến bản thân con người hơn là tới cơ cấu và biết vận dụng mọi nguồn lực của con người và tinh thần trong việc xây dựng sự hài hoà, các mối quan hệ, xây dựng hoà bình, tình liên đới, đối thoại, hợp tác và tình huynh đệ, trong khuôn khổ của quan hệ giữa người với người cũng như trong khuôn khổ rộng lớn hơn của đời sống xã hội và văn hóa, và đặc biệt của việc chăm sóc người nghèo”.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi công việc Phúc Âm hoá bằng hoạt động giáo dục, ở nhiều nơi. Những người dấn thân vào công việc này được xem như “những người thợ làm vườn nho đầy lòng thương xót. Họ biết kiên nhẫn chờ đợi kết quả sau những năm tháng giáo dục một cách chậm rãi” để có được những con người có khả năng tiếp tục công việc Phúc Âm hóa này.
“Giáo hội cũng có thể được gọi là “mẹ” đối với những ai sẽ tin vào Đức Kitô”. Vì thế, Đức Thánh Cha “mong muốn dân thánh của Chúa thực thi công việc phục vụ của một người mẹ có lòng thương xót giúp đỡ bao người vốn còn chưa biết Chúa được gặp và yêu mến Chúa”. Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Đức tin là một ân sủng chứ không phải kết quả của việc truyền giáo. Nhưng, đức tin ấy lại lớn lên nhờ đức tin và đức ái của của các nhà thừa sai là chứng nhân của Chúa Kitô”.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Mọi dân tộc và mọi nền văn hóa đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ vốn là ân sủng Chúa ban cho mọi người, và điều đó lại càng khẩn thiết hơn, khi có nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo, chiến tranh và bất công còn đang chưa tìm ra giải pháp. Và với kinh nghiệm, các thừa sai hiểu được rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui, sự hoà giải, công lý và bình an”. Vì “Lệnh truyền của Tin Mừng ‘hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em’ vẫn chưa hoàn tất”; nên “mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng”.
Trong phần kết thúc Sứ điệp, Đức Thánh Cha “nhắc lại những chỉ dẫn khôn ngoan của các vị tiền nhiệm, rằng mọi đóng góp của mỗi giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hiệp hội và phong trào của Giáo hội, ở khắp nơi trên thế giới, sẽ được gửi về Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin, để trợ giúp các cộng đồng Kitô hữu đang cần sự giúp đỡ và để tạo động lực cho việc rao giảng Tin Mừng đến tận cùng trái đất”. Và Đức Thánh Cha kêu gọi: “Và ngày nay, chúng ta đừng tránh né cử chỉ hiệp thông này với Giáo hội truyền giáo. Đừng khép cửa lòng với những nỗi ưu tư của riêng mình, nhưng hãy mở rộng tấm lòng trước chân trời của toàn thể nhân loại”.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- LỄ PHONG CHÂN PHƯỚC CHO 12 VỊ TỬ ĐẠO DÒNG CHÚA CỨU THẾ NGƯỜI TÂY BAN NHA
- Bảo tàng Vatican lại phải đóng cửa do số ca nhiễm Covid tăng nhanh
- Hỏi đáp về ơn Toàn xá trong tháng 11 năm nay
- Ngày 11/12, mở và thắp sáng hang đá và cây thông Giáng sinh tại quảng trường thánh Phê-rô
- Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức về Đức thăm anh đang bệnh nặng
- Covid-19: WHO sửa lại khuyến cáo về khẩu trang
- Trung Quốc buộc các linh mục giảng về yêu nước để được mở lại nhà thờ
- ĐTC Phanxicô chúc mừng dòng Phanxicô Viện tu nhân dịp 800 năm thánh Antôn gia nhập dòng Phanxicô
- Virus corona: ĐTC tạo sân chơi mùa hè cho thiếu nhi
- Toàn văn bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh