TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Ngày thứ ba chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày thứ ba chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác”
Vũ Bình

WHĐ (17.08.2014) – Sự kiện chính trong ngày thứ ba của chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô là cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại Cổng Gwanghwamun ở Seoul vào lúc 10 giờ sáng. Buổi chiều, sau khi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật “Nhà Hy vọng” ở Kkottongnae, Đức Thánh Cha sẽ có hai cuộc gặp gỡ: gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại Trung tâm “Ngôi trường Tình yêu” ở Kkottongnae và gặp các nhà lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm linh đạo ở Kkottongnae. Vào buổi sáng, trước khi cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước, Đức Thánh Cha đã đến viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun.
 

 
Thánh Lễ tôn phong chân phước
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi “sự hy sinh cao cả” của các vị tử đạo và lời mời gọi của các ngài “hãy đặt Chúa Kitô lên trên hết”.
 
“Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.
 
Chiến thắng của các vị tử đạo, chứng từ của các ngài về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, ngày nay vẫn tiếp tục mang lại hoa trái tại Hàn Quốc, để Giáo hội được tăng triển nhờ hy tế của các ngài.
 
Việc tôn phong Chân phước Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Người là dịp để chúng ta trở về những thời khắc đầu tiên, thời kỳ phôi thai của Giáo hội tại Hàn Quốc. Đây là dịp mời gọi anh chị em, những người Công giáo Hàn Quốc, nhớ lại những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện ở vùng đất này và trân trọng di sản đức tin và đức ái đã được tổ tiên giao phó cho anh chị em.
 
Kitô giáo Hàn Quốc được khai sinh từ thế kỷ 18, khi các học giả Hàn Quốc nghe nói đức tin được loan báo ở Trung Quốc. Họ đã đến Trung Quốc để học hỏi về đạo Thiên Chúa với các nhà thừa sai Dòng Tên, rồi trở về giảng dạy giáo lý, rửa tội cho hàng ngàn người, dù không có linh mục.
 
Nhưng nhà cầm quyền Hàn Quốc bắt đầu bách hại các Kitô hữu và cấm sách vở Công giáo. Paul Yun Ji-chung và James Kwong Sang-yon, cả hai đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đã bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm các nghi lễ của Nho giáo. Cuộc hành quyết đánh dấu sự bắt đầu một cuộc bách hại lớn đối với giáo dân Hàn Quốc.
 
Sau khi Đức Thánh Cha công bố chính thức tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo, khắp quảng trường Gwanghwamun vang dậy tiếng hò reo vui mừng của cộng đoàn tham dự gần một triệu người, cùng tiếng kèn trống rộn rã. Các màn hình khổng lồ đặt ở hai bên bàn thờ chiếu hình vẽ các vị Tân chân phước.
 

 
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha nói về nguồn gốc của Kitô giáo Hàn Quốc cho thấy “tầm quan trọng, phẩm giá và nét đẹp” của ơn gọi của người giáo dân Công giáo.
 
“Trong sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không đến với đất nước Hàn Quốc qua các nhà thừa sai; nhưng qua tim óc của chính người dân Hàn Quốc”. Họ được thúc đẩy bởi sự tò mò tri thức để tìm kiếm chân lý tôn giáo. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, các Kitô hữu Hàn Quốc đầu tiên đã mở rộng tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn biết thêm về Đấng Kitô đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết ấy”.
 
Đã có các vị tử đạo khác của Hàn Quốc được tuyên thánh: Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc vào ngày 06 Tháng Năm năm 1984 trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu những vị thánh này, thánh Anrê Kim Taegon, thánh Paul Chong Hasang và các bạn, cùng với các vị tử đạo vừa mới được tôn phong Chân phước.
 
“Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.
 
Đức Thánh Cha đã giảng về bài Phúc Âm trong chương 17 của Phúc Âm theo thánh Gioan và sự liên quan với các vị tử đạo vừa được tôn phong Chân phước.
 
“... Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha thánh hiến và bảo vệ chúng ta, Người không xin đem chúng ta ra khỏi thế gian. Chúng ta biết rằng Người sai các môn đệ ra đi để làm men thánh thiện và sự thật trong thế giới, là muối đất, là ánh sáng thế gian. Và các vị tử đạo đã chỉ đường cho chúng ta”.
 
Các vị tử đạo Hàn Quốc “phải chọn theo Chúa Giêsu hay theo thế gian. Các ngài đã biết cái giá của người môn đệ”.
 
“Các ngài sẵn sàng hy sinh lớn lao và từ bỏ tất cả những gì khiến các ngài lìa xa Chúa Kitô: tài sản và đất đai, uy tín và danh dự – vì  các ngài biết rằng chỉ mình Chúa Kitô mới là kho tàng thực sự của các ngài”.
 
Đức Thánh Cha lưu ý đến cơn cám dỗ “thỏa hiệp đức tin, làm nhẹ bớt những đòi hỏi căn bản của Phúc Âm cho hợp với tinh thần của thời đại này”.
 
“Nhưng các vị tử đạo mời gọi chúng ta đặt Chúa Kitô lên trên hết và nhìn mọi sự khác của thế gian này trong tương quan với Người và Vương quốc vĩnh cửu của Người. Các ngài thách đố chúng ta suy nghĩ về điều mà chính chúng ta sẵn sàng chết cho điều ấy”.
 
Kết thúc bải giảng, Đức Thánh Cha dâng lời cầu xin:
 
“Xin cho những lời nguyện cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn Quốc, hiệp với lời nguyện cầu của Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, cho chúng con được ơn bền vững trong đức tin và làm việc lành, được có quả tim thánh thiện và tinh khiết cùng với lòng nhiệt thành tông đồ trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu tại đất nước thân yêu này, trên toàn châu Á, và cho đến tận cùng trái đất”.
 

 
 
Với các tu sĩ: Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác
 
Ngỏ lời với các cộng đoàn tu sĩ của Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tín thác vào lòng Chúa thương xót và tập trung vào đời sống cộng đoàn trong việc truyền bá niềm vui Phúc Âm cho thế giới: “Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Kitô”.
 
Đức Thánh Cha giải thích: “Và niềm vui này là một món quà được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành các bí tích và đời sống trong cộng đoàn. Nếu thiếu những điều ấy, những yếu đuối và khó khăn sẽ xuất hiện và làm giảm đi niềm vui mà chúng ta đã cảm nghiệm rõ khi bắt đầu cuộc hành trình”.
 
Đức Thánh Cha cảm ơn các tu sĩ trong nỗ lực dựng xây Nước Thiên Chúa, và ngài nói rằng đời sống tu sĩ là một món quà lớn lao làm phong phú cho Giáo hội.
 
Ngài kêu gọi các tu sĩ suy tư về vai trò trung tâm của niềm vui trong cuộc sống của người sống đời thánh hiến: “Niềm tin vững chắc được Thiên Chúa yêu thương ở trung tâm ơn gọi của anh chị em: trở nên một dấu hiệu hữu hình cho người khác về sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, nếm trước niềm vui vĩnh cửu của thiên đàng”.
 
Và ngài giải thích: “Mặc dù niềm vui này thể hiện nhiều cách khác nhau trong những tình huống khác nhau, nhưng niềm vui ấy luôn vững bền dù có những khó khăn, vì “được cắm rễ trong mầu nhiệm của lòng thương xót của Chúa Cha, được mạc khải trong hy tế của Chúa Kitô trên thánh giá”
 
Vì thế, người tu sĩ được mời gọi trở thành “chuyên gia của lòng Chúa thương xót” qua đời sống cộng đoàn của mình.
 
Đức Thánh Cha cho biết: “Theo kinh nghiệm, tôi biết rằng đời sống cộng đoàn không phải luôn dễ dàng, nhưng đó là trường huấn luyện cho tâm hồn. Ước mong không có những va chạm là không thực tế; sẽ có những hiểu lầm và chúng ta phải đối mặt với chúng. Nhưng dù có những thách đố này, “chính trong cuộc sống cộng đoàn mà chúng ta được mời gọi lớn lên trong lòng thương xót, trong nhẫn nại và đức ái hoàn hảo”.
 
“Kinh nghiệm về lòng Chúa thương xót, được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện và nhờ cộng đoàn, phải giúp hình thành tất cả những gì anh chị em đang là, tất cả những gì anh chị em đang làm”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều ấy và chỉ ra rằng những lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục là “chứng từ vui tươi về tình yêu của Thiên Chúa”, khi chúng được cắm rễ trong lòng Chúa thương xót.
 
“Sự trưởng thành và vâng lời cách quảng đại đòi hỏi anh chị em phải bám chặt vào việc cầu nguyện với Chúa Kitô, Đấng mặc lấy hình dạng của người tôi tớ, học biết vâng phục qua đau khổ. Không có lối đi tắt: Thiên Chúa muốn toàn vẹn con tim của chúng ta và như thế có nghĩa là chúng ta phải “buông mình” và “ra khỏi mình mỗi ngày một hơn”.
 
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Khiết tịnh diễn tả sự dâng hiến toàn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa là ‘sức mạnh của tâm hồn chúng ta’”. Sự cam kết ấy vừa mang tính cá nhân lại vừa là một đòi hỏi, nên Đức Thánh Cha khuyên nhủ các tu sĩ hãy “khiêm tốn tin tưởng vào Thiên Chúa, tỉnh thức và kiên trì chống lại cám dỗ trong lĩnh vực này”.
 
Đức Thánh Cha nói: “Lời khấn khó nghèo giúp anh chị em nhận ra lòng Chúa thương xót không chỉ là nguồn sức mạnh, mà còn là một kho tàng” và ngài khích lệ họ “dâng lên Chúa Kitô quả tim mỏi mỏi mệt, nặng trĩu vì tội lỗi của mình, trong những lúc bất lực”.
 
“Chính nhu cầu cơ bản cần được tha thứ và chữa lành này của chúng ta là một hình thức nghèo khó mà không bao giờ chúng ta được đánh mất, dù có tiến triển đến đâu trên đàng nhân đức”.
 
Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về những xao lãng và gương xấu, và lưu ý rằng nghèo khó trong đời sống thánh hiến vừa là một “thành trì” bảo vệ, vừa là một “người mẹ” hướng dẫn chúng ta đi theo đường ngay chính.
 
“Thói đạo đức giả của những người sống đời thánh hiến tuy khấn khó nghèo, nhưng lại sống như người giàu có, làm tổn thương linh hồn của các tín hữu và gây hại cho Giáo hội”.
 
Đức Thánh Cha còn cảnh báo về cơn cám dỗ “chấp nhận một não trạng thế tục, hoàn toàn thực dụng, dẫn đến việc đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi phương tiện của con người mà thôi và phá huỷ chứng từ về đời sống khó nghèo mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống và dạy chúng ta”.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi các tu sĩ ý thức vai trò của mình trong việc định hướng ơn gọi trong tương lai, và thúc giục họ “hãy làm tất cả những gì anh chị em có thể làm được để cho thấy rằng đời sống dâng hiến là một món quà quý giá cho Giáo hội và thế giới. Đừng giữ lại cho riêng mình; nhưng hãy chia sẻ, mang Chúa Kitô đến mọi ngõ ngách trên đất nước thân yêu này”.
 

“Dù anh chị em có được nhiều ơn trong đời sống chiêm niệm và tông đồ hay không, cũng hãy nhiệt tình yêu mến Giáo hội tại Hàn Quốc và mong muốn cống hiến, nhờ đặc sủng của riêng anh chị em, cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng và xây dựng dân Chúa trong hiệp nhất, thánh thiện và yêu thương”.


(Nguồn: WHĐ)