TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Philippines sẵn sàng đón tiếp người tị nạn Rohingya

Philippines sẵn sàng nhận khoảng ba ngàn người Rohingya tị nạn từ Myanmar và Bangladesh; những người này đang lênh đênh trong vịnh Bengal, vì bị tất cả các nước Đông Nam Á khác từ chối tiếp nhận. Cả Chính quyền Philippines và Giáo hội Công giáo đều bày tỏ sự đồng ý.

Minh Đức

 

WHĐ (20.05.2015) / Agenzia Fides – Philippines sẵn sàng nhận khoảng ba ngàn người Rohingya tị nạn từ Myanmar và Bangladesh; những người này đang lênh đênh trong vịnh Bengal, vì bị tất cả các nước Đông Nam Á khác từ chối tiếp nhận. Cả Chính quyền Philippines và Giáo hội Công giáo đều bày tỏ sự đồng ý.

 

Ông Herminio Coloma, thư ký báo chí của Phủ tổng thống Philippines, nhấn mạnh rằng Philippines đã ký Công ước năm 1951 về Quy chế dành cho người tị nạn, và hứa sẽ “cung cấp sự trợ giúp cho những người buộc phải rời quê hương mình vì xung đột”. Ông Coloma khẳng định, “Về phía mình, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc cứu vớt người tị nạn”, và ông nhắc lại rằng trong những năm 70 của thế kỷ trước Philippines cũng đã đón nhận các “thuyền nhân” Việt Nam trốn thoát khỏi đất nước của họ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

 

Cha Socrates Mesiona, Giám đốc các Hội giáo hoàng Truyền giáo quốc gia Philippines, cũng ca ngợi quan điểm của chính phủ và đồng ý rằng: “Chúng tôi có nghĩa vụ đón nhận những người này: nếu cần, chúng tôi sẽ nhận họ và sẽ cố gắng bảo đảm cho họ một cuộc sống tươm tất. Họ là những con người và là con cái của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa. Việc họ là người Hồi giáo không thành vấn đề và không làm cho tình hình thay đổi. Như Phúc Âm dạy chúng ta, chúng ta phải sẵn sàng đón tiếp họ”.

 

Các quốc gia Đông Nam Á đang phải chịu áp lực giải quyết cuộc khủng hoảng của hàng ngàn di dân thuộc dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo; họ đang lênh đênh trên vùng biển của quần đảo Andaman, sau khi Indonesia, Malaysia và Thái Lan từ chối tiếp nhận họ. Nhiều người Rohingya đã trốn chạy khỏi Myanmar, vì ở đây họ không được cấp quốc tịch và không được công nhận có các quyền lợi cơ bản.

 

Do áp lực quốc tế phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này, một cuộc họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng ngoại giao của Malaysia, Thái Lan và Indonesia sẽ được tổ chức vào ngày 20 tháng Năm 2015 tại Kuala Lumpur để thảo luận về tình hình cấp bách của các di dân. Tuần trước có hơn 2.500 người Rohingya ở Bangladesh và Myanmar đã đổ bộ lên bờ biển của ba nước này, và theo ước tính mới nhất, năm ngàn người được coi là đã mất tích ở vùng biển Andaman.

 

(Nguồn: WHĐ)