TIN GIÁO HỘI KHẮP NƠI

Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo 2014

Nhiều vùng trên thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và tu sĩ. Nguyên nhân thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ lan toả trong các cộng đoàn không có niềm phấn khởi khiến các cộng đoàn này không thể có sức hấp dẫn. .. Ở đâu có niềm vui, sự phấn khởi và ước muốn đem Đức Kitô đến với người khác, ở đấy sẽ phát sinh nhiều ơn gọi đích thực.

Đức giáo hoàng Phanxicô

 

Anh chị em thân mến,


Ngày nay vẫn còn rất nhiều người không nhận biết Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, sứ mạng ad gentes vẫn còn hết sức cấp bách. Mọi thành viên của Hội Thánh được kêu gọi tham gia sứ mạng này, vì Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo: Hội Thánh được sinh ra để “đi ra”. Ngày Thế giới Truyền giáo là giờ phút đặc biệt để các tín hữu trên khắp các châu lục dấn mình cầu nguyện và có những hành vi liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo hội trẻ tại các xứ truyền giáo. Đây là một cuộc biểu dương ân sủng và niềm vui. Một cuộc biều dương ân sủng, bởi vì Chúa Thánh Thần được Chúa Cha sai đến đang ban phát sự khôn ngoan và sức mạnh cho những ai vâng theo hành động của Người. Một cuộc biểu dương niềm vui, vì Chúa Giêsu Kitô, Người Con được Chúa Cha sai đến Phúc Âm hoá thế gian, đang nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trong các nỗ lực truyền giáo. Niềm vui này của Chúa Giêsu và các môn đệ truyền giáo là lý do để tôi đề nghị một biểu tượng Kinh Thánh mà chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (xem 10,21-23).


1. Tác giả Tin Mừng kể lại cho chúng ta rằng Chúa sai 72 môn đệ từng hai người một đi vào các thành thị và làng mạc loan báo Nước Thiên Chúa đã gần, và chuẩn bị cho dân gặp Chúa Giêsu. Sau khi chu toàn sứ mạng rao giảng này, các môn đệ trở về lòng ngập tràn niềm vui: niềm vui là một chủ đề nổi bật của kinh nghiệm truyền giáo đầu tiên và khó quên này. Nhưng Thầy chí thánh nói với họ: “Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha...” Rồi Ngài quay sang các môn đệ và bảo riêng các ông, “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!” (Lc 10,20-21.23).


Luca trình bày ba cảnh. Đức Giêsu trước tiên nói với các môn đệ, sau đó nói với Chúa Cha, rồi lại nói với các môn đệ. Đức Giêsu muốn chia sẻ cho các môn đệ niềm vui của Ngài, một niềm vui khác hẳn và lớn hơn bất cứ niềm vui nào họ đã trải nghiệm trước kia.


2. Các môn đệ tràn trề niềm vui, phấn khích vì họ có quyền năng giải thoát người ta khỏi ma quỷ. Nhưng Đức Giêsu cảnh giác họ đừng quá mừng vì quyền năng họ đã nhận được, nhưng mừng vì tình thương họ nhận được, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Chúa cho các môn đệ trải nghiệm tình thương của Thiên Chúa, nhưng cũng cho họ khả năng chia sẻ tình thương ấy. Và trải nghiệm này là một lý do để Đức Giêsu biểu lộ tâm tình tạ ơn và niềm vui trong lòng Ngài. Luca nhìn niềm hoan lạc này trong ý nghĩa của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi: “Được Thánh Thần tác động, Ðức Giêsu hớn hở vui mừng”, Ngài nhìn lên Chúa Cha và chúc tụng Người. Giờ phút vui mừng sâu xa này phát sinh từ mối tình con thảo của Đức Giêsu đối với Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, Đấng che giấu những điều này đối với những người tài trí khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn (x. Lc 10,21). Thiên Chúa vừa che giấu vừa mặc khải, và trong lời kinh chúc tụng này, sự mặc khải của Người nổi bật lên. Thiên Chúa đã mặc khải và che giấu điều gì? Các mầu nhiệm Nước Chúa, sự tỏ lộ quyền làm Chúa của Đức Giêsu và chiến thắng Satan.


Thiên Chúa đã giấu điều này với những kẻ quá tự mãn và những kẻ tự phụ rằng đã biết mọi sự rồi. Họ bị thói tự mãn làm cho mù, và không còn dành chỗ nào cho Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có thể dễ dàng liên tưởng tới những người đương thời của Chúa Giêsu mà Ngài không ngừng cảnh cáo, nhưng đây cũng là mối nguy luôn luôn rình rập chúng ta. Về phần mình, những “kẻ bé mọn” là những người khiêm nhường, những người đơn sơ, những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề, những người không có tiếng nói, những người nhọc mệt và gánh nặng, họ được Chúa Giêsu tuyên bố là “những người có phúc”. Chúng ta dễ dàng nghĩ tới Đức Maria, Thánh Giuse, các ngư phủ xứ Galilêa và các môn đệ được Chúa Giêsu gọi khi Ngài đi rao giảng.


3. “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc 10,21). Chúng ta phải hiểu những lời này của Chúa Giêsu là diễn tả niềm hoan hỉ trong tâm hồn Ngài. Chữ “đẹp ý” mô tả kế hoạch cứu độ và nhân từ của Chúa Cha đối với loài người. Chính lòng nhân từ này của Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu hoan hỉ, vì Chúa Cha muốn yêu thương loài người bằng cùng một tình yêu Người dành cho Con của mình. Luca đồng thời cũng ám chỉ một niềm hoan hỉ tương tự nơi Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,thần trí tôi hớn hở vui mừngvì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Đây là Tin Mừng đem ơn cứu độ. Mang trong lòng mình Đức Giêsu, người rao giảng Tin Mừng tuyệt vời, Đức Maria đến thăm bà Êlisabét, và hoan hỉ trong Thánh Thần, Mẹ đã xướng lên bài Magnificat. Khi thấy các tông đồ mừng rỡ vì đã thành công trong sứ mạng, Đức Giêsu hoan hỉ trong Thánh Thần và dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Niềm vui trong cả hai trường hợp này là niềm vui vì ơn cứu độ, vì tình thương của Chúa Cha đối với Con của Người được ban xuống cho chúng ta, và nhờ Chúa Thánh Thần niềm vui ấy được đổ đầy lòng chúng ta và cho chúng ta chia sẻ sự sống của Chúa Ba Ngôi.


Chúa Cha là nguồn mạch niềm vui. Chúa Con là sự tỏ lộ niềm vui và Chúa Thánh Thần là Đấng ban phát niềm vui. Tác giả Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta biết rằng, ngay sau khi ca tụng Cha, Đức Giêsu nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh.” (Evangelii Gaudium, 1).


Đức Trinh Nữ Maria có một trải nghiệm độc nhất vô nhị về sự gặp gỡ này với Chúa Giêsu, vì thế Mẹ đã trở thành “causa nostrae laetitiae” (“nguyên nhân niềm vui của chúng ta”). Về phần các môn đệ, họ được Chúa Giêsu gọi đi theo Ngài và được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng (xem Mc 3,14), vì thế họ tràn ngập niềm vui. Tại sao chúng ta không cùng đi vào dòng thác của niềm vui này?


4. “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ” (Evangelii Gaudium, 2). Nhân loại rất cần nắm lấy ơn cứu độ do Đức Kitô đem đến. Các môn đệ ngài là những người để cho mình được xâm chiếm bởi tình yêu của Chúa Giêsu và được đóng dấu bởi ngọn lửa say mê Nước Thiên Chúa và nhiệt tình rao giảng niềm vui của Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa được mời gọi nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng. Là những người chịu trách nhiệm chính về việc rao giảng này, các Giám mục có nhiệm vụ cổ vũ sự hợp nhất của Giáo hội địa phương trong nỗ lực truyền giáo của mình. Họ được mời gọi nhìn nhận rằng niềm vui của việc thông truyền Đức Giêsu Kitô được biểu hiện trong mối quan tâm loan báo về Ngài tại những vùng đất xa xôi nhất, cũng như không ngừng vươn ra những vùng ngoại vi của giáo phận mình, ở đó có biết bao người nghèo đang mong đợi sứ điệp này.


Nhiều vùng trên thế giới đang trải qua tình trạng thiếu hụt ơn gọi linh mục và tu sĩ. Nguyên nhân thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ lan toả trong các cộng đoàn không có niềm phấn khởi khiến các cộng đoàn này không thể có sức hấp dẫn. Niềm vui của Tin Mừng  phát sinh từ việc gặp gỡ Đức Kitô và việc chia sẻ với người nghèo. Vì lý do này, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, các hội đoàn và các nhóm hãy sống một đời sống huynh đệ đậm đà, đặt nền trên tình yêu đối với Đức Kitô và quan tâm tới các nhu cầu của những người yếu thế nhất. Ở đâu có niềm vui, sự phấn khởi và ước muốn đem Đức Kitô đến với người khác, ở đấy sẽ phát sinh nhiều ơn gọi đích thực. Trong số các ơn gọi này, chúng ta không được quên các ơn gọi truyền giáo. Ngày càng có một ý thức gia tăng về căn tính và sứ mạng của tín hữu giáo dân trong Hội Thánh, cũng như một sự nhìn nhận rằng họ được gọi để gánh vác một vai trò ngày càng tăng trong việc truyền bá Tin Mừng. Do đó cần cống hiến cho họ một sự đào tạo thích hợp để hoạt động tông đồ đạt hiệu quả.


5. “Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Ngày Thế giới Truyền giáo cũng là dịp để làm bùng cháy lên ước muốn và nghĩa vụ tinh thần của việc hân hoan tham gia vào sứ mạng ad gentes. Các cá nhân đóng góp tiền bạc là một dấu chỉ của sự hiến dâng, trước là cho Chúa và rồi cho đồng loại; bằng cách này, sự đóng góp của cải vật chất có thể là một phương tiện để loan báo Tin Mừng cho nhân loại dựa trên tình thương.


Anh chị em thân mến,


Trong Ngày Thế giới Truyền giáo này, tâm tư tôi hướng về tất cả các Giáo hội địa phương. Chúng ta đừng để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Tôi kêu gọi anh chị em, như thể đang làm một cuộc hành hương nội tâm, hãy nhớ lại “mối tình đầu” mà Đức Giêsu Kitô đã dùng để sưởi ấm lòng anh chị em, không phải vì tiếc nuối quá khứ, nhưng để kiên trì trong niềm vui. Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác.


Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, mẫu gương loan báo Tin Mừng một cách khiêm nhường và vui vẻ, chúng ta cầu xin cho Hội Thánh trở nên một mái nhà niềm nở tiếp đón, một người mẹ cho mọi dân tộc và nguồn suối tái sinh cho thế giới chúng ta.


Vatican, 8 tháng 6, 2014, Đại lễ Hiện Xuống

PHANXICÔ


(Bản tiếng Việt của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng / HĐGM Việt Nam)