MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ
Đổi mới giáo dục từ gia đình
Thiên Triệu
Lại một lần nữa, Chính quyền Việt Nam hứa hẹn sự đổi mới trong giáo dục. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng giáo dục và đào tạo phải “được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Cũng trong bài phát biểu này, ông trình bày cái nhìn về mục tiêu của giáo dục là “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước…”
Chuyện đổi mới giáo dục ở Việt Nam là chuyện ai cũng nói tới, rồi cuối cùng ai cũng nản vì thấy mọi sự chẳng thay đổi gì, tình hình ngày càng tệ hơn về mọi mặt: trí thức, đạo đức, nhân cách. Tuy nhiên trong phát biểu lần này của ông Tổng bí thư, người ta ghi nhận một biến chuyển tuy nhỏ nhưng quan trọng. Đó là nói đến “yêu gia đình” trước, rồi mới đến “yêu Tổ quốc”. Giải thích về sự thay đổi này, ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục, nói: “Tổ quốc phải bắt đầu từ gia đình. Ngay truyền thuyết về đất nước Việt Nam cũng bắt nguồn từ câu chuyện một gia đình, từ bọc trăm trứng Âu Cơ – Lạc Long Quân mà tỏa ra thành đồng bào cả nước. Nói gần gụi hơn, một đứa trẻ từ môi trường giáo dục mầm non, rồi phổ thông, và kể cả ở cấp học cao hơn nữa, sợi dây liên kết mãnh liệt nhất với các em, chiếc nôi hình thành nhân cách không gì khác hơn là gia đình… Nếu không giáo dục lớp trẻ biết yêu gia đình thì khó có thể hi vọng họ sống chết cho Tổ quốc… Trong ba yếu tố ‘gia đình’, ‘nhà trường’, xã hội’, thì gia đình là yếu tố khởi đầu và vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người” (Tuổi Trẻ, 11-10-2013).
Việc thay đổi “điểm nhấn” này đã gặp được những phản hồi tích cực. Ông chủ tịch hội Tâm lý giáo dục ở Hà Nội chia sẻ: “Dạy trẻ biết yêu những gì gần với các em nhất, coi đó là khơi nguồn để gây dựng sự hiểu biết, tình yêu lớn hơn với dân tộc, đất nước, (điều đó) nằm trong hành trình hợp lý với nhận thức của các em”. Một nhà quản lý giáo dục khác phát biểu: “Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, văn minh thì tất yếu đất nước sẽ phát triển vững bền. Tôi rất tâm đắc với mục tiêu giáo dục này”.
Trên đây chỉ là một vài ý kiến của những vị có trách nhiệm cao trong xã hội. Nếu được hỏi ý kiến, chắc chắn phần lớn người dân đều đồng tình với sự đề cao vai trò của gia đình trong tiến trình giáo dục. Bởi lẽ đó là một điều gì rất tự nhiên và phù hợp với kinh nghiệm sống của bản thân cũng như kinh nghiệm xã hội. Người công giáo chắc chắn còn vui mừng hơn nữa vì từ xưa đến nay, Hội Thánh công giáo vốn trân trọng và đề cao vai trò của gia đình đến nỗi coi việc giáo dục con cái là “quyền và bổn phận hàng đầu, bất khả nhượng của cha mẹ”. Chỉ tiếc là phải mất quá nhiều năm nhà cầm quyền mới nhận ra được giá trị đích thực của những gì vốn rất giản đơn và minh bạch.
Không hẹn mà hò, cũng vào thời điểm này, trong Thư Chung 2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi Cộng đồng Dân Chúa thực hiện kế hoạch Phúc-Âm-hóa kéo dài 3 năm, và năm đầu tiên, 2014, được dành cho nỗ lực Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng quyết định triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ vào tháng 10/2014 về chủ đề Chăm sóc mục vụ cho Gia đình. Ước mong đây sẽ là tín hiệu tốt cho nỗ lực củng cố đời sống gia đình và góp phần tích cực vào việc chấn hưng giáo dục trong lòng xã hội.
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG
- Rửa tội trẻ em tháng 08.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 07.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 06.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 05.2020
- Tác động tích cực và tiêu cực của việc cách ly thời covid-19 đối với gia đình
- Nghĩ về tuổi già
- TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐỐI VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
- Giữ mối hiệp thông với nhau dù không thể quy tụ trong ngày của Chúa
- Ba cách thiết yếu giúp gia đình bình an trong thời gian đóng cửa vì đại dịch