MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Gia đình là Hội Thánh tại gia

Trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu (Amoris Laetitia), ĐTC Phanxicô đã kêu gọi các gia đình Công giáo hãy kiến tạo gia đình mình thành “Hội Thánh tại gia”.

Giuse Nguyễn Văn Quýnh

 

Lời ngỏ


Công đồng Vaticanô II đã gọi gia đình là một “Giáo Hội tại gia” hay “Giáo Hội nhỏ” (Ecclesia domestica). Sau đó, thuật ngữ này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lập lại trong Tông huấn Đời sống Gia đình (Familiaris Consortio). Lý do là vì “chính Mẹ Hội Thánh sinh ra, giáo dục, xây dựng gia đình Kitô hữu, bằng cách thực hiện cho nó sứ mạng mà Hội Thánh đã nhận được từ nơi Chúa mình” (ĐSGĐ số 49).

 

Đứng trước những nguyên nhân gây tác động tiêu cực trên đời sống gia đình ngày nay, trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu (Amoris Laetitia), ĐTC Phanxicô đã kêu gọi các gia đình Công giáo hãy kiến tạo gia đình mình thành “Hội Thánh tại gia”: “Hôn nhân Kitô giáo phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh của Người, được thể hiện trọn vẹn trong sự kết hợp giữa người nam và người nữ, họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc hữu và sự trung thành trong tự do, để thuộc trọn về nhau cho đến chết và mở ra cho việc truyền sinh. Họ được thánh hiến nhờ bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và là men của đời sống mới cho xã hội” (Niềm vui của tình yêu, số 292).

 

Để gia đình trở thành “Hội Thánh tại gia”, các gia đình Công giáo chúng ta phải làm gì? Thưa, chúng ta hãy thực hiện sự mong mỏi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Tâm thư gửi các gia đình Công giáo: “Đáp lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha và vì hạnh phúc của các gia đình, chúng tôi tha thiết xin anh chị em hãy kiến tạo gia đình mình thành Hội Thánh tại gia, nghĩa là ngôi nhà thờ phượng, mái ấm tình yêu, ngôi trường giáo dục” (Tâm thư số 7). Sau đây, chúng ta cùng triển khai sâu rộng lời kêu gọi của các ngài.

 

1/ Ngôi nhà thờ phượng


Muốn gia đình là trở thành “Ngôi nhà thờ phượng”, chúng ta hãy mời Chúa đến thăm nhà. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của chúng ta khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung với nhau, lúc gia đình đọc kinh thánh hóa bữa ăn, nhất là khi mọi người lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện trong giờ kinh tối. Nhờ những giờ cầu nguyện chung trong gia đình, Chúa sẽ hiện diện và liên kết mọi người. Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống gia đình, làm cho chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa giữa lòng đời hôm nay.

 

Lạ lùng thay! Giữa Thành phố Sài Gòn hoa lệ, các quán nhậu, quán bar, quán karaoke mọc lên như nấm, thi nhau hoạt động hết công suất, nhất là vào chiều tối. Ấy thế mà, cứ đúng 20 giờ, tiếng chuông giáo đường lại thánh thót vang lên từ những tháp chuông của nhiều nhà thờ trong Giáo phận, nhắc nhở người giáo dân ngưng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí; tập trung trước bàn thờ gia đình để đọc Kinh Tối, hầu lắng nghe Lời Chúa và lần chuỗi Mân Côi. Thật là một thói quen tốt lành, đáng ngưỡng mộ, và cần phổ biến nhân rộng; nhất là trong thời đại thế tục hóa ngày nay.

 

2/ Mái ấm tình yêu


Muốn gia đình là trở thành “Mái ấm tình yêu”, chúng ta hãy “trân trọng sự sống”, “hiếu thảo với cha mẹ” và “chăm sóc người già” trong gia đình.

 

- Trân trọng sự sống


Tự bản chất, tình yêu vợ chồng hướng đến việc sinh sản. Chúng ta gọi đó là tình yêu phong nhiêu. Thật vậy, con cái chính là hoa trái của tình yêu mà Chúa ban tặng cho các bậc cha mẹ. Vì thế, gia đình được coi là “cung thánh của sự sống”. Thế nên, không ai có thể nại đến bất cứ lý do gì để tước đoạt sự sống của các thai nhi. Cho nên, các gia đình Công giáo chúng ta, hãy can đảm dứt khoát với hành động phá thai, hãy trở thành những con người xây dựng nền “văn minh tình thương và văn hoá sự sống” như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi, để đẩy lùi nền văn minh thù hận và văn hoá chết chóc.

 

          Hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ CNA cho biết: Hai linh mục người Chile là anh em song sinh, nhờ thân mẫu kiên quyết không chịu phá thai mà hai anh em đã được sinh ra và nay trở thành linh mục. Đó là cha Paulo Lizama và cha Felipe Lizama sinh ngày 10.9.1984 tại thành phố Lagunillas de Casablanca.

 

Cha Felipe kể rằng mẹ ngài là bà Rosa Silva, khi biết mình có thai, đã đi siêu âm bào thai. Bác sĩ cho biết: “Thai nhi có 3 tay, hai cái đầu, chân thì quấn lấy nhau”. Bác sĩ còn nói, tính mạng bà có thể bị nguy hiểm nếu giữ bào thai. Phá thai ở Chile được luật pháp cho phép. Tuy nhiên, bà Rosa đã kiên quyết từ chối lời đề nghị phá thai. Bà chấp nhận những gì Thiên Chúa trao cho bà.

 

Thật nhiệm mầu! Tháng 3.2003, cả hai anh em đã gia nhập chủng viện. Và ngày 28.4.2012, thầy Felipe và thầy Paulo đã được phong chức linh mục. Các ngài đã cử hành lễ mở tay tại quê hương là Nhà Thờ Đức Mẹ Ban Ơn ở Lagunillas.

 

- Bổn phận hiếu thảo


Nếu đã là “Mái ấm tình yêu” thì con cái phải có “bổn phận hiếu thảo” với cha mẹ. Nếu con cái đều đón nhận sự sống từ Thiên Chúa qua cha mẹ, thì hiếu thảo với các ngài phải là bổn phận căn bản của kẻ làm con. Thế nên, trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, bổn phận thảo kính cha mẹ chỉ đứng sau điều răn thờ phượng Thiên Chúa. Lòng hiếu thảo này được thể hiện qua sự vâng phục cha mẹ và trách nhiệm trợ giúp các ngài lúc yếu đau hay già nua.

 

Chuyện kể rằng: Có một người cha nghèo đã quở phạt đứa con gái 3 tuổi vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà màu vàng. Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy. Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ mang hộp quà đến nói với cha: "Nhân ngày sinh nhật của bố, con chỉ có hộp quà nhỏ này, con kính tặng bố". Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước, nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở hộp ra, vì chỉ là cái hộp rỗng!

 

Ông giận dữ mắng mỏ đứa con. Cô con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: "Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào cái hộp ấy để tặng cho bố mà". Người cha giật thót tim. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ và xin con tha thứ. Sau đó không lâu, đứa con gái nhỏ qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp ấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện rắc rối hay đau buồn, ông lại lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà thiên thần nhỏ bé bỏng đã thổi vào đấy. Trên đời này, không có tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình hiếu thảo thơ ngây như thế!

 

- Chăm sóc người già


Một trong những nét đẹp truyền thống trong văn hoá Việt Nam chính là “chăm sóc người già”. Thế nhưng, trong thời đại chủ trương “văn hoá loại trừ”, “văn hoá thải bỏ” như Đức Thánh Cha Phanxicô từng đả kích, người ta đã coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại ra bên lề. Cho nên, chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người già trong gia đình. Thật vậy, “các ngài là ký ức của lịch sử, là sợi dây nối kết các thế hệ, là những người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu” (Tâm thư số 9).

 

Trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có đăng bài “Tâm lý người già” như sau:

 

Tuổi già lạ lắm ai ơi
Nhiều chuyện buồn cười nghe thật khó tin
Tuổi già lẩm cẩm hay quên
Kính đeo trên mắt, đi tìm khắp nơi
Tuổi già vẫn thích đi chơi
Thăm bạn cùng tuổi, thăm người thân quen
Tuổi già thèm bát canh ngon
Thích lời nói ngọt, muốn con cháu chiều
Tuổi già cần được thương yêu
Con cháu hiếu thảo, là liều thuốc tiên
Tuổi già vẫn thích làm duyên
Thích được khen trẻ, thích quên mình già
Tuổi già vẫn hát tình ca
Vẫn thích nhảy múa, vẫn son, đố, mỳ
Tuổi già vẫn thích vân vi
Vẫn thích tình cảm, vẫn ta với mình
Muốn được mọi người quan tâm
Thích được trò chuyện, thích gần cháu con
Tuổi già ngồi khóc nỉ non
Chạm lòng tự ái, chẳng còn thích chi
Ai ơi chớ có nghĩ suy
Tuổi già như vậy đôi khi thất thường.


3/ Ngôi trường giáo dục


“Ngôi trường giáo dục” đầu tiên và căn bản chính là gia đình. Thật vậy, giáo dục là quyền ưu tiên và là bổn phận cao cả nhất của gia đình. Muốn gia đình là trở thành “Ngôi trường giáo dục”, chúng ta hãy dạy dỗ con cái về nhân bản, đạo đức và đức tin.

 

- Giáo dục nhân bản


Những năm đầu đời của con trẻ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt cuộc đời của các em. Nó hình thành nên những đức tính căn bản: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. “Gia đình cũng là nơi trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ sống tử tế và hoà hợp với mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác” (Tâm thư số 10).

 

Tổng thống Reagan là vị nguyên thủ quốc gia đầy quyền lực của một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Ấy thế mà, mỗi buổi tối, sau một ngày vất vả chuyện chính sự với các chính trị gia tại Nhà Trắng, ông lại hối hả về nhà, bò trên nền nhà để làm con ngựa cho thằng cháu cưỡi trên lưng cả buổi trời! Sức mạnh nào đã sai khiến một vị Tổng thống đứng vào hàng số một thế giới phải làm một việc như thế? Thưa, chính là sức mạnh của tình yêu gia đình: Tình yêu bắt đầu từ trong gia đình (Charity begins at home).

 

- Giáo dục đạo đức


Trong xã hội ngày nay, đạo đức đang xuống cấp trầm trọng. Thế nên, các cha mẹ Công giáo càng phải hết sức quan tâm đến lãnh vực này. “Hãy tập cho con cái những thói quen tốt lành, hình thành những nguyên tắc và luật lệ trong đời sống, học cách sử dụng tự do cách khôn ngoan và đúng đắn” (Tâm thư số 10). Phương pháp giáo dục tốt nhất chính là giáo dục theo tâm lý, nghĩa là giáo dục bằng tình yêu thương, nhất là bằng cách sống và gương sáng của cha mẹ.

 

Chuyện kể rằng: Cậu Karol Wojtila mồ côi mẹ lúc 9 tuổi, hai năm sau, lúc cậu được 11 tuổi, thì người anh là bác sĩ cũng qua đời. Kể từ đấy, cậu sống với người cha cho tới khi trưởng thành. Có một hình ảnh thời niên thiếu đã in sâu trong tâm trí cậu, đó là từng đêm về, trong khi cậu đang say giấc nồng, thì cha cậu luôn quỳ bên cạnh giường của cậu thầm thĩ đọc kinh cầu nguyện. Chính tấm gương đạo đức ấy đã khiến cậu bé nuôi ý định tận hiến trong ơn gọi linh mục. Đúng vậy, sau này, cậu đã trở thành linh mục, giám mục, hồng y, giáo hoàng, cuối cùng là… một vị thánh. Đó chính là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

 

- Giáo dục Đức tin


Mặc dù Đức tin là ơn Chúa ban, nhưng cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm cho mầm sống Đức tin đó lớn lên và phát triển. Vì thế, hãy tập cho con cái những việc nhỏ bé nhất, như: làm dấu Thánh giá, đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, hôn ảnh Chúa và Đức Mẹ, Các Thánh… Hạt giống gieo xuống tuy nhỏ bé nhưng mai này sẽ thành cây to. Vì thế, những giờ kinh gia đình và những việc đạo đức có giá trị hơn những bài giáo huấn. Đồng thời, để phát triển đời sống Đức tin nơi con cái, cha mẹ cũng cần khuyến khích con tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ (x. Tâm thư, số 10).

 

Cậu bé Giovanni Battista Montini sinh năm 1897 tại tỉnh Brescia phía bắc Italy, thụ phong linh mục năm 1920, và làm Tổng Giám mục Milan năm 1954. Ngài được bầu làm Giáo hoàng năm 1963 lấy tên là Phaolô VI. Ngài qua đời ngày 06.8.1978 tại biệt thự mùa hè Castel Gandolfo. ĐTC Phanxicô đã phong Chân phước cho Ngài ngày 19.10.2014. Có một câu chuyện rất hy hữu và vô cùng thú vị, có thể nói là “Vô tiền khoáng hậu”. Đó là chuyện về cuộc đời Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI. Thuở niên thiếu, cậu Giovanni Battista Montini được thân mẫu giáo dục về Đức tin hết sức chu đáo, nhờ đó cậu đã có ý định dấn thân trong ơn gọi linh mục. Sau những năm miệt mài tu học, ngày ấy cũng đã tới. Hy hữu và thú vị ở đây chính là 2 món quà của bà cố dành cho ngài trong ngày thụ phong linh mục. Món quà thứ nhất là chiếc áo Alba mặc trong ngày chịu chức, được may từ chiếc áo cưới của mẹ ngài. Món quà thứ hai là chiếc đồng hồ đánh thức được bà cố tặng để đánh thức cha mới thức dậy dâng Thánh lễ mỗi sáng. Và Ngài đã sử dụng nó cho đến cuối đời. Câu chuyện không dừng lại ở đó, mà còn tiếp tục thú vị đến ngỡ ngàng, đó là ngay giây phút ĐTC Phaolô VI trút hơi thở cuối cùng, thì chiếc đồng hồ đánh thức ấy, reo lên inh ỏi. Quá lạ lùng! Thật kỳ diệu!

 

Lời kết


Nếu sánh ví các gia đình Công giáo là “Hội Thánh tại gia”, là vì các gia đình chúng ta biểu lộ bản chất của Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa. Hơn nữa, gia đình Công giáo vừa là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và Kitô giáo, vừa là nơi đầu tiên Đức tin được loan truyền cho con cái.

 

Chính vì thế, chúng ta hãy kiến tạo cho gia đình mình thành “Hội Thánh tại gia” hầu đáp lại lời mời gọi tha thiết của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Tâm thư gửi các gia đình Công giáo ngày 20.11.2016. Nhờ đó, vẻ đẹp và tầm quan trọng của hôn nhân gia đình trong chương trình của Thiên Chúa ngày càng được bừng sáng lên trong thế giới tục hóa hôm nay.