MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Giới tính: Thách đố trong việc giáo dục

Giáo dục giới tính dạy các em biết tôn trọng thân thể, có lòng tự trọng, về người khác cũng như về sự khác biệt.

Paolo Ondarza

Sr. Maria Phạm Thị Kim Ngân, FMA chuyển ngữ


 

Việc tranh luận về “giới tính” một mặt có giá trị khi chú tâm vào mối nguy hiểm bắt nguồn từ ý thức hệ thúc đẩy sự trung dung về giới. Mặt khác, nó cho thấy sự cần thiết phải nhấn mạnh đến việc giáo dục tình cảm cho các thanh thiếu niên biết tôn trọng phẩm giá của chúng, không tầm thường hóa hay làm nghèo đi lãnh vực nền tảng này của con người. Công đồng Vaticano II đã hy vọng vào một nền giáo dục giới tính tích cực và cẩn trọng cho các trẻ em và thanh thiếu niên. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ chúng ta trong Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương khi Ngài đề cập đến những thách thức trong khuôn khổ của việc “giáo dục biết yêu mến và hướng đến sự trao ban hỗ tương”, khuyến khích việc đề ra những đề xuất sư phạm vốn lưu tâm đến sự tốt lành của nét đoan trang và không chỉ chú ý đến những hướng dẫn kỹ thuật.


 

Giáo dục giới tính dạy các em biết tôn trọng thân thể, có lòng tự trọng, về người khác cũng như về sự khác biệt. Đức Thánh Cha giải thích: cấu trúc cơ thể dù là nam hay nữ, không chỉ dựa trên những yếu tố sinh lý, di truyền nhưng còn dựa trên nhiều yếu tố liên quan đến tính tình, lịch sử cá nhân và văn hóa. Vì thế, đừng để cho bất kỳ sự nhượng bộ cứng nhắc nào, với những khuôn mẫu văn hóa có nguy cơ ngăn cản sự phát triển năng lực của mỗi cá nhân: cần phản đối ý tưởng cho rằng một người đàn ông đảm nhận những công việc nội trợ thì kém nam tính hơn những người đàn ông khác và ngược lại đối với phụ nữ. “Phạm trù về giới tính” không tiêu cực cũng không tích cực: chỉ đơn giản là chúng nói cho ta biết người nam và người nữ được hình thành nên như thế nào. Giáo sư Flavia Marcacci, giáo sư triết học tại đại học Laterano, một trong những người kiến tạo nên các dự án cho các trường học về Diễn đàn gia đình "Tôn Trọng Tình Yêu" đã giải thích. “Nếu ngày nay chúng ta hỗ trợ cho một sự phát triển mạnh trong nghiên cứu về giới tính, đó là vì chúng ta cần phải có tức thì một vị trí. Rõ ràng, người Công Giáo chúng ta nói những điều làm cho nhiều người không thích, nhưng chúng ta cũng có thể nói về những điều khác khiến nhiều người ưa thích. Vì thế, cần có sự can đảm. Không có bất cứ ý tưởng nào có thể gây sợ hãi cho những ai đã được truyền cảm hứng bởi Tin Mừng”.


 

Thưa giáo sư Marcacci, những thách đố trong việc giáo dục giới tính tích cực đã được công đồng Vatican II đề xuất, ngày nay đã được đón nhận chưa?


 

Chỉ một phần. Trước hết, vì chúng tôi vẫn còn rất vất vả để phân biệt giữa giáo dục tình cảm và giáo dục giới tính. Điều đầu tiên chúng ta có thể hướng đến mọi lứa tuổi và giúp nhận diện những cảm xúc và tình cảm, là một phần quan trọng của tính cách cá nhân. Trong khi khám phá tình cảm chúng ta cũng khám phá ra những chức năng của cơ thể, nơi mà những cảm xúc và tình cảm được nhận biết, quan tâm và truyền đạt. Từ đây, con đường dẫn đến giáo dục rồi đến giới tính thì rất ngắn, tinh tế và giàu ý nghĩa: tính dục không phải là một điều gì đó để "làm", nhưng là để "là".


 

Hiển nhiên, trong một cách thức khác và hơn nữa không buộc phải tham gia bằng mọi giá, ta có thể giáo dục giới tính ở bất cứ lứa tuổi nào để giúp các em sống điều này cách thanh thản như một chiều kích tự nhiên của con người. Trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay đang bị chìm ngập trong những hình ảnh, thông tin về tính dục lệch lạc và tầm thường. Thật quan trọng để tiếp cận được các em, nếu không làm được điều này thì ít nhất ngang qua tivi và internet cung cấp cho các em những công cụ mang tính phê bình để có thể phân biệt những nội dung tốt từ những điều kém giá trị hơn.


 

Tại sao ngày nay thách đố này lại thật cấp thiết?


 

Bởi vì thế giới đã thay đổi sâu xa. Người ta nói rằng chúng ta không sống trong một thời đại của những thay đổi, nhưng là một sự thay đổi thời đại. Viễn cảnh mà con cái của chúng ta sống sẽ rất khác với chúng ta. Chúng ta muốn các em nhớ lại những lời giáo huấn của chúng ta như những câu chuyện cổ tích hay chúng ta muốn kiến tạo nên bản giao ước liên thế hệ nơi mà chúng ta có thể nhận ra nhau? Tương tự, những người trẻ học hành, du lịch, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin. Làm thế nào để họ thấy rằng ngay cả người lớn chúng ta cũng hiểu về những hồ nghi của các em, bởi vì đó cũng chính là sự nghi ngờ của chúng ta và chúng ta đang cố gắng để có câu trả lời hợp lý? Chúng ta thử xét đến vấn đề về phụ nữ. Chúng ta sống trong một xã hội mà hình ảnh của người nữ là chủ thể của những khuynh hướng văn hóa đối lập. Thật cần thiết để đưa ra một hình ảnh đúng đắn về nữ tính, trong một nhãn quan hỗ tương với mục đích cuối cùng là đạt tới sự cộng tác đầy đủ giữa hai giới.


 

Dự án “Hãy Tôn trọng Tình Yêu” mà giáo sư là người sáng lập đang thu hút rất nhiều sự ủng hộ trong các trường học thuộc các cấp. Dự án đó bao gồm những gì?


 

Chúng tôi đặt ra những mục tiêu đào tạo cụ thể cho từng độ tuổi, với niềm tin tưởng rằng những mục tiêu đó xoay quanh việc đào tạo con người, hơn là phụ thuộc vào văn hóa và tôn giáo. Do đó, hoàn toàn mở rộng ra cho những người đời trong các trường công lập. Trong số các mục tiêu này có việc nhận biết về chính mình trong mối quan hệ với cơ thể, với chiều kích tình cảm và tính dục, trong bối cảnh văn hóa. Chúng tôi tìm cách tạo ảnh hưởng trên những khuôn mẫu có thể hiểu được trong việc nhận thức về bản thân và về người khác, và để trình bày về giá trị và sự phong phú của sự khác biệt. Những lưu ý nhất định cũng được đưa vào đời sống trong khu vực kỹ thuật số cũng như trong quan hệ với thực phẩm. Tùy thuộc vào độ tuổi mà thay đổi những cách thức hỗ tương giữa các ê-kip giáo viên của dự án và các nhóm lớp, cũng như thay đổi một số chủ đề. Như thế, chúng tôi có thể đối diện với những đòi hỏi thực tế trong các trường học của chúng tôi, nơi mà các em cố gắng loại trừ bạo lực và phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trên tất cả, chúng tôi cố gắng cung cấp các phương tiện để xây dựng mối tương quan liên vị tích cực, bằng cách tạo điều kiện cho công việc giảng dạy trong nhóm lớp.


 

Tại sao tên của dự án lại sử dụng thuật ngữ “tôn trọng” và “tình yêu”?


 

Chúng tôi muốn dạy cho các thanh thiếu niên hiểu tôn trọng chính mình và người khác nghĩa là gì. Rõ ràng điều này có đôi chút khó khăn: tôn trọng nghĩa là sẵn sàng đối thoại và mở ra để lắng nghe. Trẻ em và thanh thiếu niên đặc biệt nhạy cảm với chiều kích tình bạn. Nói chung, chúng có nhận thức tốt về tầm quan trọng của việc sống cùng nhau. Đối với khái niệm về tình yêu, là nền tảng cho các chủ đề được bàn tới: tình cảm và tính dục có mối liên kết chặt chẽ với khả năng yêu và được yêu. Tình yêu và sự tôn trọng không thể tách rời. Điều quan trọng cần hiểu làm thế nào để chúng cùng nhau lớn lên để xây dựng các mối tương quan trưởng thành khiến đôi bên đều cảm thấy hài lòng.


 

Dự án “Hãy tôn trọng tình yêu” muốn tự đề xuất như lời đáp trả cho những thách đố về bạo lực giới tính và ác cảm đồng tính. Nó khác nhau thế nào từ việc dự án được khơi hứng từ cái gọi là ý thức hệ về giới tính?


 

Nếu trung tâm của dự án là ý tưởng về sự tôn trọng thì bước đầu tiên cần làm là nhận thức về một khuynh hướng tính dục khác giữa các bạn đồng trang lứa mà các em đang sống. Đây không phải là lý do để kềm chế những mối tương quan bạn hữu, cũng như để phân biệt đối xử hoặc chế nhạo. Chúng tôi làm việc để tất cả những khác biệt này có thể hòa hợp. Chắc chắn không thể ngăn cản các thanh thiếu niên bày tỏ những nghi ngờ và những vấn đề của chúng. Chúng tôi không đưa ra những công thức có sẵn, bởi vì các em phải tự tìm cách để xây dựng những kênh tôn trọng. Chúng tôi cũng không đưa ra những câu trả lời về vấn đề một một người phải nên như thế nào hay không được như thế nào. Không đúng chút nào khi chúng ta muốn đối diện với những vấn đề mang tính suy diễn hơn, một công việc thuộc khoa học và triết học sẽ cần thiết và đi sâu hơn so với những gì mà chúng ta có thế làm trong một ít giờ. Dự án của chúng tôi nhấn mạnh đến giá trị của sự khác biệt, khởi đi từ điều cơ bản bắt đầu giữa một người nam và một người nữ.


 

Dự án của quý vị đã được tiếp nhận như thế nào trong các nhà trường?


 

Hiện tại chúng tôi hài lòng. Nhiều trường học đã cho gọi chúng tôi và chúng tôi có một danh sách đang chờ. Các giáo sư của chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề của các thanh thiếu niên thì khác biệt nhiều so với thông tin được đưa ra. Phải gần gũi và lắng nghe các em. Cần có những chuyên gia được đào tạo kỹ lưỡng và biết làm thế nào để tiếp nhận những câu hỏi của chúng. Có rất nhiều sự phong phú nơi các em trong mỗi độ tuổi. Các em cần đến những người biết đối thoại chân thành và được chuẩn bị, những người thật sự muốn điều tốt cho chúng.