MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ
Hôn nhân Công giáo là một bí tích
HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH
Ngày nay, nét đẹp và sự cao quí của tình yêu hôn nhân dường như đang bị lu mờ trong xã hội của chúng ta, đến nỗi nhiều người coi hôn nhân như “một thứ nhà tù”, một thứ ràng buộc pháp lý. Nếu chỉ vì sự ràng buộc này mà đôi bạn phải chung sống với nhau suốt cả cuộc đời, thì quả thật đó là điều rất nhàm chán, mang tính thủ tục, có nguy cơ đe doạ tình yêu và hủy hoại sự tự do của đôi bạn. Cách đây 150 năm, Lord Byron đã viết: “Tình yêu là thiên đàng; hôn nhân là địa ngục”. Vào thời đó, có lẽ Byron không thể ngờ tư tưởng của ông lại được phổ biến cách lạ thường trong thời đại của chúng ta. Thế nhưng, dưới cái nhìn của Hội Thánh Công giáo, thì trước sau, hôn nhân vẫn là một bí tích. Chúng ta dành ít phút để tìm hiểu sơ qua đề tài này.
I. HÔN NHÂN THEO “LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH”.
Nhìn chung, bộ luật “Hôn nhân và Gia đình” được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015, đã nhắc lại ba điểm nổi bật của hôn nhân, và nêu lên một điểm mới: (1) Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một người đàn bà, dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Cơ sở của sự tự nguyện là tình yêu trung thực giữa người nam và người nữ. (2) Hôn nhân là sự liên kết bình đẳng giữa người đàn ông và người đàn bà. Bình đẳng giữa vợ và chồng là bình đẳng về địa vị xã hội, kinh tế và văn hóa. (3) Hôn nhân là sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà theo qui định của pháp luật. Nghĩa việc đăng kí kết hôn phải tuân theo qui định của pháp luật, để cuộc kết hôn ấy được công nhận là hợp pháp và được pháp luật bảo vệ (x. Luật HNGĐ, điều 2 và 8). (4) Điểm mới và đặc biệt của bộ luật này là: Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người đàn ông được gọi là chồng, và một người đàn bà được gọi là vợ. Mặc dù ở một số nước, hôn nhân đồng tính đã được công nhận; Ở một số nước khác, việc đấu tranh cho sự hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đang diễn ra; Tại Việt Nam, luật pháp trước đây không cho phép việc kết hôn giữa những người cùng giới tính; Thì nay, kể từ ngày 01/01/2015, “Luật Hôn nhân và Gia đình” đã cho phép người đồng tính có cơ hội được kết hôn, nhưng đồng thời luật cũng đưa ra một qui định cụ thể. Đó là “Luật pháp không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (điều 8, §2). Như vậy, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn theo luật, nhưng họ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.
II. HÔN NHÂN THEO LUẬT CÔNG GIÁO.
Hội Thánh Công giáo xác định “hôn nhân là một bí tích” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 48; và Giáo luật điều 1055, §2). Bí tích Hôn nhân được chính đôi hôn phối cử hành một cách trang trọng trước mặt cộng đoàn giáo dân, dưới sự chứng kiến của một linh mục, trong “một nghi lễ hôn phối chuẩn mực”. Điều này muốn nói lên: việc cử hành Bí tích Hôn phối là một giao ước vĩnh cửu giữa người nam và người nữ. Người Công giáo tin rằng, khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối cách chính thức như thế, đôi nam nữ ấy sẽ được Thiên Chúa và cộng đoàn chúc phúc yêu thương. Họ sẽ sống suốt đời chung thủy với nhau, trong một giao ước vĩnh cửu do chính Chúa Giêsu thiết lập. Vì thế, hôn nhân Công giáo luôn có hai đặc tính cơ bản, đó là đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (vĩnh viễn), thường được biểu lộ qua câu Kinh thánh: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6). Đặc biệt, Hội thánh Công giáo không chấp nhận hôn nhân đồng tính, vì nếu chấp nhận hôn nhân đồng tính, là chấp nhận cho họ phạm điều răn thứ 6 “Chớ làm sự dâm dục”. Hội thánh không bao giờ chấp nhận cho người ta phạm đến luật của Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 2357- 2359).
III. HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH.
1. Bí tích là gì? Thưa, “Bí tích là dấu chỉ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã lập và truyền lại cho Hội thánh cử hành, để diễn tả và thông ban cho ta ân sủng bên trong là sự sống thần linh” (Trích “Bản hỏi thưa GLHTCG”, câu 215). Ta cùng nhau tìm hiểu đôi chút:
a. Bí tích là dấu chỉ bên ngoài: Mỗi Bí tích đều có ít nhất một dấu chỉ bên ngoài (thường là chất thể, cử chỉ hay lời đọc). Qua dấu chỉ bên ngoài đó, và nhờ giác quan của mình, ta dễ cảm nhận được ơn huệ Thiên Chúa ban cho ta. Nói cách khác, nhờ những dấu chỉ bên ngoài, các Bí tích bày tỏ cho ta ơn ban của Chúa. Thí dụ: Việc đổ nước trên đầu trong Bí tích Rửa tội, giúp ta dễ cảm nhận việc Chúa thanh tẩy ta; Việc xức dầu và đặt tay trong Bí tích Thêm sức và Xức dầu Bệnh nhân, giúp ta dễ cảm nhận việc Chúa thêm sức cho ta.
b. Bí tích ban ơn sủng: Các Bí tích không những diễn tả ân sủng Chúa ban cho ta qua các dấu chỉ, mà còn thực sự làm phát sinh các ân sủng. Nói cách khác, khi Hội Thánh cử hành Bí tích, thì chính Chúa Giêsu hành động để ban ơn cứu chuộc cho ta. Thí dụ: Bí tích Rửa tội thực sự biến đổi ta nên người con của Chúa. Bí tích Thêm sức và Xức dầu Bệnh nhân thực sự ban cho người lãnh nhận được ơn sức mạnh và ơn an ủi.
2. Bí tích Hôn nhân: Khi hai người ngoài Công giáo kết hôn, họ thực sự thành vợ thành chồng của nhau theo luật tự nhiên. Hôn phối của họ cũng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên, giúp họ chu toàn trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ. Nhưng hôn phối đó không phải là Bí tích. Còn khi hai người Công giáo kết hôn với nhau theo đúng luật của Hội thánh, thì không những Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên, mà còn đặc biệt ban cho họ những ơn siêu nhiên, để giúp họ chu toàn trách nhiệm là vợ chồng, là cha mẹ, trong tư cách họ là con của Thiên Chúa, và đáng lãnh nhận phần thưởng đời đời sau này. Ngược lại, nếu họ kết hôn không đúng luật của Hội thánh, thì đời sống vợ chồng của họ cũng chỉ là một sự chung chạ tội lỗi, ngay cả khi họ đã được Dân luật nhìn nhận là vợ chồng (x. Giáo luật, điều 1055 và 1065). Tới đây, thiết tưởng ta cũng nên tìm hiểu thêm một chút về “dấu chỉ bên ngoài” của Bí tích Hôn phối. Dấu chỉ này hoàn toàn nằm trong khế ước hôn nhân. Nghĩa là nằm trong việc trao đổi sự ưng thuận giữa đôi hôn phối, qua lời nói và cử chỉ (thề hứa, trao nhẫn), qua việc trao ban quyền sống đời hôn nhân (chung sống với nhau).
Vậy, Bí tích Hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn gì? Thưa, Bí tích Hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn cần thiết trong đời sống Hôn nhân và Gia đình. Chẳng hạn: Chúa tăng thêm ơn thánh hóa, làm cho sức sống siêu nhiên nơi bản thân họ được dồi dào hơn. Chúa còn ban cho họ nhiều ơn hiện sủng, để trợ giúp họ thi hành những bổn phận hằng ngày. Nhờ dòng suối ân sủng dồi dào ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân, trong trách vụ làm vợ chồng, làm cha mẹ. Công đồng Vatican II nói: “Nhờ Bí tích Hôn phối, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và thánh hiến, để chu toàn xứng đáng các bổn phận trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của Bí tích này, họ được thấm nhuần đức Tin, đức Cậy, đức Mến; và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và thánh hóa lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 48b; Cl 3,12-17).
3. Điều kiện để có cuộc hôn nhân Công giáo. Theo quan điểm “Hôn nhân Công giáo là một bí tích”, Hội thánh đã đưa ra một số điều kiện cơ bản, để giúp đôi hôn phối lãnh nhận Bí tích Hôn nhân như sau:
a. Trước hết là vấn đề tự do. Gồm: Tự do về tinh thần: Họ phải hoàn toàn tự do để kết hôn với nhau, và không chịu sự chi phối của bất cứ áp lực nào (Giáo Luật, điều 1057). Tự do về dân sự: Họ không bị ràng buộc về mặt pháp lý hôn nhân dân sự, như đang có hôn thú với người khác. Họ không bị chế tài pháp lý về độ tuổi dân sự theo luật pháp quốc gia. Chẳng hạn ở Việt Nam, độ tuổi để có thể kết hôn là: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên.
b. Kế đến là vấn đề tôn giáo. (1) Người nam và người nữ phải được rửa tội theo nghi thức Công giáo, nghĩa là đồng đạo. (2) Người nam và người nữ chưa lãnh nhận Bí tích Hôn phối lần nào, hoặc không còn bị ràng buộc bởi Bí tích Hôn phối trước đó (khi chồng/vợ mình đã qua đời tự nhiên). (3) Đôi bạn đã học qua lớp Giáo lý của Hội thánh Công giáo, đặc biệt là Giáo lý Hôn nhân, để giúp họ ôn lại những kiến thức cần thiết về đức tin, về kĩ năng sống gia đình, về sinh sản, về giáo dục con cái, v.v... (4) Đôi bạn không bị vướng vào "ngăn trở" theo qui định của Giáo luật (x. Giáo luật, các điều từ 1073-1094). Nếu vướng “ngăn trở” nào, thì tùy từng trường hợp, mà có thể xin chuẩn miễn (x. Giáo luật, các điều từ 1124-1129).
c. Sau cùng là vấn đề cử hành Nghi lễ Hôn phối: Đôi hôn phối Công giáo phải cử hành hôn lễ đúng theo Nghi lễ Công giáo, để cuộc hôn phối ấy được “thành sự” (Giáo luật, điều 1061, §1). Sau khi đã cử hành hôn phối thành sự, nếu đôi hôn phối ấy sống chung với nhau, thì cuộc hôn nhân ấy được suy đoán là đã “hoàn hợp” cho đến khi có chứng cớ ngược lại (Giáo luật, điều 1061, §2). Một khi hôn phối đã “thành sự” và “hoàn hợp”, thì thực sự đó là một bí tích. Điều đó cũng có nghĩa là đôi hôn phối ấy đã hoàn thành việc kí kết hôn ước với nhau một cách trọn vẹn. Hôn ước ấy có giá trị đơn hôn và vĩnh hôn. Giáo luật điều 1141 nói rất rõ: “Hôn phối thành sự và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên do nào, ngoài sự chết”.
THAY LỜI KẾT:
Hôn nhân không chỉ là vấn đề liên quan đến vợ chồng, mà còn liên quan đến một phạm vi rộng lớn hơn, từ họ hàng đôi bên cho đến xã hội, vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội. Gia đình có êm ấm, thì xã hội mới ổn định và bền vững. Vì mang tính xã hội như thế, nên hôn nhân rất cần được pháp luật chứng nhận và bảo vệ. Tại Việt Nam, về mặt dân sự, chúng ta đã có bộ luật “Hôn nhân và Gia đình” gồm 133 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Còn về mặt tôn giáo, trong bộ luật của Hội thánh, được gọi là Giáo luật, ban hành ngày 25/01/1983, có 111 khoản nói về hôn nhân (từ điều 1055-1165). Khi đưa ra những luật này, Hội thánh chỉ muốn giúp con cái mình xây dựng một cuộc sống hôn nhân và gia đình bền vững, hạnh phúc, thánh thiện, thể hiện đúng ơn gọi hôn nhân và gia đình như ý Thiên Chúa muốn.
Đóa Hoa Vô Thường
Tin liên quan
- GIA ĐÌNH LOAN BÁO TIN MỪNG
- Rửa tội trẻ em tháng 08.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 07.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 06.2020
- Rửa tội trẻ em tháng 05.2020
- Tác động tích cực và tiêu cực của việc cách ly thời covid-19 đối với gia đình
- Nghĩ về tuổi già
- TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐỐI VỚI BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
- Giữ mối hiệp thông với nhau dù không thể quy tụ trong ngày của Chúa
- Ba cách thiết yếu giúp gia đình bình an trong thời gian đóng cửa vì đại dịch