MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Người mẹ kế

Đời nào bánh đúc có xương. Đời nào dì ghẻ có thương con chồng.

- Con sao vậy Tú An. Con đau phải không? Tôi hỏi em.


- Con nhớ ông nội. Em nhìn tôi với cặp mắt đỏ hoe và buồn thiu.


- Ông nội con đi đâu?


- Ông nội con chết rồi.


- Ông con mất hồi nào vậy?


- Năm ngoái.


- Bà nội con đâu?


- Nội con bỏ đi lâu rồi.


- Con đang ở với ai, Tú An?


- Mẹ.


- Với ai nữa?


- Bà ngoại. (Mẹ của người mẹ kế).


- Ba con đâu?


- Ba con cũng chết rồi. Chết trước nội con.


Vì công tác ở nơi khác 3 năm vừa qua nên tôi không biết về những thay đổi trong cuộc sống của em. Tôi giật bắn người lên vì thấy có qúa nhiều thay đổi trong cuộc đời em. Mới 12 tuổi mà em đã chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Mẹ em bỏ đi khi em được 10 tháng tuổi. Em được ba và ông bà nội nuôi dưỡng. Sau đó ba em bước thêm một bước nữa và em có người mẹ kế. Rồi chẳng may, ba em cũng qua đời sớm. Như vậy hiện giờ em chỉ có một người thân thương nhất là bà mẹ kế.


Tôi còn nhớ cách đây 5 năm người mẹ kế của em đã dẫn em đến đây xin cho em vào học lớp một. Mẹ kế của em là người nữ trẻ với khuôn mặt hiền lành, nói năng dịu dàng, chị ăn mặc rất giản dị bởi chị làm việc ở bô rác (bãi rác). Đây là một công việc vất vả bên đống rác. Mỗi lần có xe rác đến thì những người làm ở bô rác lại nhanh tay cào bới lấy bịch xốp và ve chai để bán kiếm tiền. Suốt ngày họ phải chịu mùi hôi thối của rác rưởi. Đổi lại họ kiếm được tiền tương đối khá hơn những việc lao động khác.


Tôi còn nhớ năm Tú An học lớp một, em học hơi chậm, bài vở nhiều lần làm không xong. Cô giáo chủ nhiệm phải gặp phụ huynh để báo về việc học của em. Lần nào người mẹ kế này cũng nhanh nhẹn đúng hẹn đến gặp cô giáo và hứa sẽ kèm thêm cho em ở nhà. Điều khó khăn cho người mẹ này là Tú An không sống với chị, nhưng sống với ông bà nội. Mỗi buổi chiều chị phải đón Tú An về nhà để kèm cho em học một hay hai tiếng đồng hồ, sau đó đưa em về trả cho ông bà nội. Chị luôn kiên nhẫn làm tất cả cho Tú An không khác gì làm cho con ruột của chị.


Người đời có câu:


Đời nào bánh đúc có xương.
Đời nào dì ghẻ có thương con chồng.


Câu nói này có thể đúng với nhiều người, nhưng nó lại không đúng với mẹ kế của Tú An. 


Tú An hiện đang học lớp 4 vì em nhập học trễ. Em lớn trước tuổi nên nhìn em rất cao hơn so với tuổi của em. Tuy nhiên vẫn còn khuôn mặt đơn sơ hiền lành. Em đi học bằng xe đạp, nhưng mỗi lần xe hư hoặc xì lốp thì người mẹ kế này sẽ đưa đón em đi học. Mỗi lần thấy mẹ đến đón nét mặt em vui hẳn lên. Em sung sướng leo lên xe và người mẹ này luôn tặng cho em một nụ cười trìu mến. Tôi biết chị không đóng kịch trước mặt mọi người.


Có lần tôi hỏi Tú An:


- Con thương ai nhất?


Em trả lời ngay không hề do dự:


- Con thương mẹ nhất.


Một lần khác tôi hỏi Tú An:


- Ông bà nội có nói gì về mẹ ruột của con không?


Em trả lời:


- Ông nội con nói, nếu mẹ con về đón con đi, con đừng có đi.


- Vậy mẹ con có bao giờ về thăm con không?


- Thưa Sơ không.


- Nếu bây giờ mẹ con là người rất giàu, có nhiều tiền, con có đi theo mẹ con không?


- Thưa Sơ không. Ông nội đã dặn con đừng có đi.


Mẹ kế của Tú An đã từng nói với tôi:


- Em muốn cho Tú an được đi học để mai mốt lớn lên có thể tìm được việc tốt hơn.


Chị cũng biết rất rõ hiện tại chị là người thân duy nhất của Tú An. Chị dành rất nhiều tình thương cho em. Không bao giờ la mắng hay đánh đập em. Chị quan tâm và lo lắng cho em, chỉ sợ em bị người khác bắt nạt hay lạm dụng.


Tôi thật ngưỡng mộ người phụ nữ trẻ này. Chị có thể nghèo về vật chất, nhưng lại rất giàu về nhân bản, lòng nhân ái và tình thương. Thế giới con người ngày nay rất cần tình thương và tình người. Phải, tình người và lòng nhân ái là những gì làm cho thế giới này đẹp hơn và tươi mát hơn.


Nếu như các bà mẹ đều biết thương con và chăm sóc cho chúng như người mẹ kế của Tú An, tôi nghĩ con số tù nhân trong những nhà tù của trẻ vị thành niên sẽ giảm đi nhiều. Thế giới sẽ ít bạo lực hơn và ít chiến tranh hơn.


Sr. Teresa Xuân FMA


(Nguồn: fmavtn.org)