MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Niềm vui Hôn nhân

Niềm vui Hôn nhân chính là: niềm vui vợ chồng, niềm vui con cái, niềm vui lao động, niềm vui chữa lành và niềm vui yêu thương. Bởi lẽ, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui

Giuse Nguyễn Văn Quýnh


Nhập đề


Trong Tông huấn “Niềm vui Tình yêu” (Amoris Laetitia), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho chúng ta thấy “Niềm vui Hôn nhân” dưới ánh sáng của Lời Chúa (Chương I). Niềm vui ấy chính là: niềm vui vợ chồng, niềm vui con cái, niềm vui lao động, niềm vui chữa lành và niềm vui yêu thương. Bởi lẽ, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”[1].

 

Sau đây, chúng ta sẽ điểm qua các “Niềm vui Hôn nhân”, để hăng hái bước vào cuộc hành trình tình yêu, hôn nhân và gia đình Kitô giáo trong niềm tin yêu, phó thác và hy vọng.

 

Ngay số 8 của Tông huấn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta suy tư về “Niềm vui Hôn nhân” khởi đi từ khúc hát của Thánh vịnh 128, 1-6:

 

“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà, khác nào cây nho đầy hoa trái; Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình”

 

1/ Niềm vui Vợ chồng


“Hiền thê bạn trong cửa trong nhà, khác nào cây nho đầy hoa trái”.


Trước hết, “Niềm vui Vợ chồng” là niềm vui: được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Điều này cho thấy đặc tính phong nhiêu của đôi vợ chồng là “hình ảnh” sống động và hữu hiệu, dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo.

 

Thứ đến, “Niềm vui Vợ chồng” là niềm vui: được sánh ví mối quan hệ phong nhiêu của vợ chồng là “hình ảnh” để khám phá và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, là Cha và Con và Thánh Thần (Tình Yêu). Hơn nữa, nó còn được đặt trong tương quan với “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,21-33).

 

Sau cùng, “Niềm vui Vợ chồng” là niềm vui: được “gắn bó” với nhau suốt cuộc đời: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19,5; St 2,24). Đức Thánh Cha giải thích: Động từ “gắn bó”, trong nguyên ngữ Hipri, chỉ một sự hòa điệu sâu xa, một sự gắn bó cả về thể xác lẫn tâm hồn đến độ nóđược dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63,9).


2/Niềm vui Con cái


“Và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn”.


Thứ nhất, “Niềm vui Con cái” là niềm vui: có con cái quây quần bên vợ chồng như “những cây ô-liu mơn mởn” (Tv 128,3), tràn đầy sinh lực; con cái còn được ví như “những viên đá sống động” của gia đình (1Pr 2,5). Con cái còn là dấu chỉ của một gia đình sung mãn, tiếp nối lịch sử cứu độ, từ đời này qua đời khác.

 

Thứ hai, “Niềm vui Con cái” là niềm vui: nhờ con cái mà gia đình trở nên “Hội Thánh tại gia”, có sự hiện diện của Chúa Kitô tại bàn ăn, có kinh nguyện chung, và có phúc lành của Chúa: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc!” (Tv 128,4-5a).

 

Thứ ba, “Niềm vui Con cái” là niềm vui: nhờ con cái mà gia đình trở nên “Trường dạy giáo lý”, nghĩa là “lưu truyền” Đức tin cho các thế hệ mai sau, biết lên tiếng ca tụng Đức Chúa: “Nào là nam thanh, nào là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng” (Tv 148,12). Bên cạnh đó, còn là niềm vui được dạy dỗ con cái: “Hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12). Bởi lẽ, “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu (Hc 3,3-4). Nhất là, niềm vui vì Chúa Giêsu đã sánh ví con trẻ như “người mẫu” của Nước Trời: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,3-4).

 

3/ Niềm vui Lao động

 

“Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may”.


Đầu tiên, “Niềm vui Lao động” là niềm vui: nhận được những thành quả của lao động chân chính, bảo đảm cho gia đình có của cải vật chất để sống trong an bình và hạnh phúc: “Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128,2).

 

Thứ đến, “Niềm vui Lao động” là niềm vui: nhờ lao động mà con người có được phẩm giá cao quý như lời Thánh Kinh: “Con người đã được đặt vào trong vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Niềm vui đó chính là con người đã biến đổi được vật chất và khai thác được những sức mạnh của thiên nhiên, để vui hưởng “tấm bánh do công khó tay bạn làm ra” (Tv 127,2). Qua đó, con người ngày càng thăng tiến và triển nở. 

 

Cuối cùng, “Niềm vui Lao động” là niềm vui: nhờ lao động mà con người đã xây dựng được một xã hội phát triển, đồng thời nuôi sống gia đình sung túc và phồn thịnh: “Ước chi trong suốt cả cuộc đời, bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128,5-6).

 

4/ Niềm vui Chữa lành

 

“Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa”.


Tuy Thánh vịnh 128 đã nhắc đến những niềm vui dạt dào như thế, nhưng toàn bộ Thánh Kinh đã cho chúng ta thấy: đau khổ, sự ác và bạo lực vẫn luôn rình rập phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật vợ chồng. Thế nên, mới có diễn từ của Đức Kitô về hôn nhân (x. Mt 19,3-9) lại được đưa vào cuộc tranh luận về li dị.

 

Thật là may mắn, các gia đình chúng ta có Chúa Giêsu, Người luôn cảm thông trước nỗi đau khổ của chúng ta, và sẽ mang lại cho các tổ ấm gia đình “Niềm vui Chữa lành”. Đúng vậy, trong Tông huấn “Niềm vui Tình Yêu” số 21: Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Người đã sinh ra trong một gia đình khiêm hạ, sớm đã phải trốn chạy sang một vùng đất xa lạ. Người ghé thăm nhà của Phêrô nơi bà mẹ vợ của ông đang nằm bệnh (x. Mc 1,30-31); Người liên đới với nhà ông Giairô hay nhà của Ladarô trong biến cố đau buồn chết chóc (x. Mc 5,22; Ga 11,1-44); Người nghe được tiếng kêu khóc tuyệt vọng của bà góa thành Nain trước cảnh đứa con bà đã chết (x. Lc 7,11-15); Người chạnh lòng trước lời khẩn cầu của người cha có đứa con bị động kinh trong một ngôi làng nhỏ thôn quê (x. Mc 9,17-27). Người gặp gỡ những người thu thuế như Mátthêu hay Dakêu trong nhà riêng của họ (x. Mt 9,9-13; Lc 19,1-10), và cả những người tội lỗi như người phụ nữ đã lẻn vào ngôi nhà của người biệt phái (x. Lc 7,36-50). Người biết những lo âu và căng thẳng mà các gia đình phải chịu đựng, và Người đã đưa chúng vào trong các dụ ngôn của Người: từ những đứa con bỏ nhà cha mẹ đi hoang (x. Lc 15,11-32) cho đến những đứa con khó khăn ương bướng (x. Mt 21,28-31) hay làm mồi cho bạo lực (x. Mc 12,1-9). Và Người cũng quan tâm đến tiệc cưới gặp lúng túng vì có nguy cơ bị thiếu rượu (x. Ga 2,1-10) hay vì khách mời không tới dự tiệc (x. Mt 22,1-10), Người còn biết cả đến nỗi lo của một gia đình nghèo lỡ đánh mất một đồng xu (x. Lc 15,8-10)”.

 

Như thế, các gia đình đang gặp khủng hoảng hay đang trải qua đau khổ nào đó, sẽ có được “Niềm vui Chữa lành”. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót “sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,4).

 

5/ Niềm vui Yêu thương

 

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.


Cuối cùng là “Niềm vui Yêu thương”. Yêu thương là dâng hiến, là trao ban chính mình cho người khác (x. Mt 22,39; Ga 13,34). Trước hết là chồng, là vợ, là con cái; thứ đến mới tới những người chung quanh: “Tình yêu thương bắt đầu từ trong gia đình” (Charity begins at home). Việc dâng hiến này thường được các người cha và người mẹ thể hiện trong cuộc sống: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Việc trao ban này thường được các người cha và người mẹ thể hiện trong “sự dịu dàng”, mà Đức Thánh Cha gọi là nhân đức, và mời chúng ta tham chiếu Thánh vịnh 131, một thánh vịnh ngọt ngào và nồng nàn, cho thấy sự mật thiết tinh tế và dịu dàng giữa mẹ và con: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).

 

Kết luận


Thật vậy, sự hiệp thông giữa người cha, người mẹ và con cái trong gia đình, là hình ảnh của sự hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Bên cạnh đó, việc sinh sản và giáo dục con cái, lại còn phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các gia đình “hãy cùng nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và hiệp thông trong Thánh Thể để làm cho tình yêu ngày một lớn lên và luôn hoán cải để xứng đáng là đền thờ của Chúa Thánh Thần” (Amoris Laetitia, số 29).

 

Thật an ủi cho các gia đình Kitô giáo chúng ta, vì có Thánh Gia Thất luôn đồng hành và trợ giúp rất thần thế và đắc lực. Thế nên, “đứng trước những nỗi vất vả thường ngày, thậm chí cả những cơn ác mộng”, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, vì “Trong kho tàng trái tim của Mẹ Maria, cũng chất chứa tất cả mọi biến cố của từng gia đình chúng ta, những biến cố mà Mẹ vẫn ân cần gìn giữ. Bởi thế, Mẹ có thể giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của những biến cố đó, để nhận ra được thông điệp Thiên Chúa ngay trong lịch sử của gia đình mình” (Amoris Laetitia, số 30).




[1] Relatio finalis (RF) 2015, 3.