MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Thực hành đức ái trong đời sống hôn nhân gia đình

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Kitô.

Aug. Trần Cao Khải

 

 


Nhiều người Kitô hữu chúng ta thường ưa thích làm việc bác ái ở bên ngoài hơn là thực thi lòng mến ngay trong gia đình mình. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự bất hòa mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng cũng như trong các mối quan hệ khác trong gia đình như cha mẹ con cái, ông bà cháu chắt, anh chị em với nhau…
 
 

Trên thực tế, có nhiều ông chồng hay bà vợ than phiền về người bạn đời mình tham gia nhiều đoàn thể Công giáo và nhiệt tình trong công việc bác ái xã hội, trong khi lại lơ là không quan tâm hạnh phúc gia đình. Không ít trường hợp trong một đại gia đình, cháu chắt bỏ bê ông bà, con cái khinh thường cha mẹ, anh chị em ghen ghét nhau. Điều này sẽ dẫn đến một thực trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, trong đó các thành viên sống chung trong một mái ấm mà coi nhau như người dưng nước lã!

 

Để cứu vãn tình trạng này, chúng ta hãy giúp nhau thực thi đức ái ngay trong gia đình mình, cụ thể là lưu tâm mấy điểm sau:

 1. Chấp nhận hy sinh.



Thánh nữ Têrêxa HĐ Giêsu đã nói: “Yêu là hy sinh. Không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Trong gia đình, tình yêu là nền tảng gắn kết mọi thành phần với nhau. Khi đã yêu thực tình, người ta sẽ không ngại hy sinh. Ông bà hy sinh tuổi già vì cháu chắt. Cha mẹ hy sinh công sức, thời gian, tiền bạc cho con cái. Con cái hy sinh sở thích, thú vui riêng tư để phụng dưỡng cha mẹ vv…Và nhất là vợ chồng với nhau thì phải hy sinh cho nhau hoàn toàn và cho đến trọn đời.

 

Chúng ta hãy suy nghĩ mấy ý kiến sau đây của tác giả D. Wahrheit: “Ngày thành hôn trước mặt Giáo hội, hai người nam nữ nên vợ nên chồng. Bí tích hôn phối đưa hai người lên đường, hé mở cho họ thấy sự thánh thiện mà tay trong tay họ cùng nhau đạt tới. Cuộc lễ long trọng trong nhà thờ mới chỉ là một khởi hành. Đức tin không là một cây đũa thần để họ làm phép lạ. Họ chỉ biết rằng, con đường mà trên đó họ cùng nắm tay tiến bước với Chúa Kitô là một con đường hẹp. Con đường ấy được trải đầy những thập giá mà họ phải vác lấy từng ngày…” (x. Cẩm Nang Hạnh phúc Gia đình Kitô, trang 227-228).

 

Chấp nhận hy sinh vì người khác, cho người khác là cách thể hiện đức ái cao vời nhất. Chính Chúa Giêsu đã nói và đã làm gương cho ta: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).    

 

2. Cư xử bao dung.



Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Đức Kitô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.

 

Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Kitô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Kitô giáo, là điều mà thánh Phaolô đã nhắc nhở trong thư 1Cor:

 

Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

 

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hy sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Kitô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài.

 

3. Tích cực phục vụ.



Có thể nói, khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình là chúng ta bắt đầu cuộc sống phục vụ. Ơn gọi và sứ mệnh của hôn ước đã mặc nhiên xác định những bổn phận mà vợ chồng phải có đối với nhau, cha mẹ phải có đối với con cái và con cháu phải có đối với ông bà, cha mẹ.

 

Đức thánh GH Gioan Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận gia đình Kitô giáo đã khẳng định: “Tất cả mọi thành phần trong gia đình, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để ngày này sang ngày khác tiếp tục xây dựng sự hiệp thông giữa các ngôi vị, bằng cách biến gia đình thành một ‘trường học đào tạo cho nhân tính được hoàn hảo và phong phú hơn’: điều đó được thể hiện qua việc chăm sóc và tình yêu dành các em nhỏ, những người đau yếu, những người già cả, qua những việc phục vụ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày, qua việc chia sẻ của cải, chia sẻ những niềm vui và nỗi khổ” (x. sđd số 21).



Sự phục vụ của chúng ta đối với nhau trong gia đình phải hết sức cụ thể, chu đáo và tích cực. Ông bà dành thời gian hưu dưỡng để trông coi cháu chắt. Cha mẹ bỏ công sức để chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái. Cháu chắt thăm hỏi và nâng đỡ ông bà. Con cái tận tình phụng dưỡng cha mẹ. Vợ chồng quan tâm đến nhau trong tư cách là bạn đời, bạn tình và bạn đường của nhau. Người ta nói: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề…”, đời sống hôn nhân luôn đòi buộc chúng ta không quản ngại bất kỳ một việc lớn nhỏ nào nhằm đem lại hạnh phúc, an vui cho người bạn đời mình. 



Văn hào Pháp Victor Hugo đã từng khẳng định: “Ngôi nhà được xây bằng gỗ đá, bằng ngói, bằng cột bằng kèo. Gia đình được xây bằng những việc làm yêu thương. Nó sẽ trụ vững một ngàn năm”./.