MỤC VỤ GIA ĐÌNH & CÁC LỚP GIÁO LÝ

Vườn gia đình: Nở rộ hoa Mân Côi

Trước kia, người ta đếm kinh Mân Côi bằng những hạt sỏi. Ngày nay, người ta kết nhiều loại hạt thành chuỗi Mân Côi, gọi là Rosary.

Giuse Nguyễn Văn Quýnh


Kết quả hình ảnh cho gia đình và hoa mân côi


Lời mở


Thật lạ! Giữa Thành phố Sài Gòn hoa lệ, các quán nhận, quán bar, quán karaoke mọc lên như nấm, thi nhau hoạt động hết công suất, nhất là vào chiều tối. Ấy thế mà, cứ đúng 20 giờ, tiếng chuông giáo đường lại thánh thót vang lên từ những tháp chuông của nhiều nhà thờ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn, nhắc nhở người giáo dân ngưng tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí; tập trung trước bàn thờ gia đình để đọc Kinh Tối, hầu lắng nghe Lời Chúa và lần chuỗi Mân Côi. Thật là một thói quen tốt lành, đáng ngưỡng mộ, và cần phổ biến nhân rộng; nhất là trong thời đại thế tục hóa ngày nay.

 

Đặc biệt, trong Tháng Mười – Tháng Mân Côi – người ta còn rước kiệu Đức Mẹ luân phiên đến các gia đình, để mỗi tối, bà con giáo dân trong giáo khu tập trung lại, làm việc “Tôn vương gia đình” (tôn Mẹ làm Nữ Vương gia đình), râm ran những lời kinh Mân Côi, thành kính dâng lên Mẹ với trọn niềm thảo hiếu.

 

Bên cạnh đó, những “chiến sĩ” của Mẹ còn cổ vũ đọc kinh Mân Côi qua việc “Lần chuỗi sống”. Nghĩa là mỗi người nhận đọc một mầu nhiệm (Vui, Thương, Mừng, Sáng) và 10 kinh Kính Mừng; 5 người thành một chuỗi Mân Côi. Cứ thế, chuỗi này nối tiếp chuỗi kia, và “chuỗi Mân Côi sống” này kéo dài đến vô tận.

 

Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII dạy: “Chớ gì kinh Mân Côi gia đình là một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ Maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Đức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Đức Nữ Trinh”.


1.    Tại sao gọi là kinh Mân Côi?


Kinh Mân Côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose (nghĩa là Hoa Hồng) tượng trương kinh Kính Mừng, kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ như thời cổ Hy Lạp. Ngày nay, người ta cũng làm vòng hoa tươi choàng vào cổ để trao tặng nhau. Trước kia, người ta đếm kinh Mân Côi bằng những hạt sỏi. Ngày nay, người ta kết nhiều loại hạt thành chuỗi Mân Côi, gọi là Rosary.

 

Kinh Mân Côi tuyệt diệu vì bắt nguồn từ Trời cao: Kinh Lạy Cha là kinh cầu nguyện chính Chúa Giêsu đã dạy. Kinh Kính Mừng là lời thiên sứ Gabriel và lời Thánh Elizabeth chào chúc Đức Mẹ (Lc 1, 28. 41-42). Kinh Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời và kinh Sáng Danh do Thánh Piô V thêm vào năm 1569.


2.    Đức Mẹ với kinh Mân Côi?


Tại Lộ Đức, nước Pháp, Đức Mẹ đã hiện ra với chị Bernađetta, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải, và đọc kinh Mân Côi với chị.

 

Tại Fatima, nước Bồ Đào Nha, Đức Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ em: Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần, từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần, Đức Mẹ đều thúc giục: “Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân Côi hằng ngày”. Đặc biệt, ngày 13 tháng 10, Đức Mẹ xưng mình: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”.


Đức Mẹ phán dạy Chân phước Alanô: “Bất cứ ai trung thành đọc kinh Mân Côi và suy ngắm những mầu nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết. Điều đó rất dễ đối với Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vua Trời, và Người gọi Mẹ là Đấng đầy ơn phúc. Vì đầy ơn phúc nên Mẹ có thể ban phát ơn phúc cho các con cái dấu yêu của Mẹ”.


3.    Phép lạ của kinh Mân Côi

 

Vua Alfonse VIII, cai trị xứ Aragon và Castille, ông đã sống cuộc đời vô luân nên bị Thiên Chúa giáng phạt nhiều cách. Một trong những hình phạt đó là vua bị thất trận thảm hại, phải ẩn tránh vào một thành liên minh. Thánh Đaminh cũng có mặt trong thành phố ấy. Ngài đang giảng về những ơn phúc lớn lao từ kinh Mân Côi. Nhà vua chăm chú lắng nghe, và xin gia nhập hội Mân Côi. Với quyết tâm, nhà vua đọc kinh Mân Côi hằng ngày, trung thành suốt một năm.

 

Gần lễ Giáng sinh năm sau, khi nhà vua vừa lần hạt xong, thì Đức Mẹ hiện đến và phán: “Alfonse, con đã phục vụ Mẹ suốt một năm qua, bằng cách sốt sắng đọc kinh Mân Côi hằng ngày. Vì thế, Mẹ tới để ân thưởng cho con, Mẹ đã cầu bầu cùng Con Mẹ, tha thứ mọi tội lỗi cho con. Mẹ ban cho con chuỗi Mân Côi này, hãy luôn đeo trong người, và Mẹ hứa sẽ không để kẻ thù nào hãm hại được con”. Nhà vua đầy phấn khích, hạnh phúc ngập tràn, liền đi tìm hoàng hậu, lúc đó đang bị mù vì biến chứng của một căn bệnh hiểm nghèo. Ngài kể cho bà nghe tất cả câu chuyện: những lời Mẹ hứa và món quà Mẹ trao. Nhà vua đưa chuỗi Mân Côi trước mặt hoàng hậu, và thật lạ lùng, bà liền nhìn thấy được. Bà lập tức ca ngợi kỳ công Mẹ đã làm và hết lòng tạ ơn phúc lành Mẹ đã ban.

 

Chỉ sau một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của đồng minh, nhà vua đã tập hợp được nhiều đạo quân, ngài gan dạ đánh bật quân thù ra khỏi lãnh thổ chúng đã lấn chiếm, khiến chúng phải đền bù những xúc phạm, lăng nhục đối với ngài trước kia. Nhà vua trở thành kẻ may mắn, binh lính khắp nơi đều quy phục. Hình như bất cứ khi nào phải giao tranh thì chắc chắn phần sẽ thắng thuộc về nhà vua.

 

Lời kết


Tâm tình yêu mến Mẹ của các gia đình Công giáo Việt Nam, đã được đúc kết thành lời kinh rất cảm động: “Xưa nay chưa từng nghe nói có người nào chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời…”. Vâng, dường như tình mẫu tử của Đức Mẹ khiến chúng ta gần gũi, thân thiết với Mẹ hơn; và qua Đức Mẹ, chúng ta dễ dàng đến với Chúa Giêsu. Thật vậy, trong cuộc sống đạo, chúng ta đã nhận được biết bao ơn lành hồn xác, nhờ lời Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa Giêsu cho chúng ta.

 

Thánh Giáo hoàng Piô XII dạy: “Gia đình tụ họp buổi chiều đọc kinh Mân Côi tôn kính Nữ Vương Gia Đình. Đời sống gia đình Kitô hữu và lòng sùng đạo thấm nhuần trong các con cái mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tinh thần hy sinh dạy họ chịu đựng nghịch cảnh và sầu đau. Nếu noi gương Mẹ Maria, gia đình sẽ là một nguồn suối các nhân đức, và bình an luôn ngự trị trong gia đình”.


 

Cố Đức cha Giuse Vũ Duy Thống – Nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết - còn dệt nên một vần thơ về chuỗi Mân Côi rất giàu cảm xúc:

 

“Đời con một chuỗi Mân Côi

Hạt Thương, hạt Sáng, hạt Vui, hạt Mừng

Ngày đêm chiêm ngắm không ngừng

Như cây nến cháy nhỏ từng lời kinh”.


Đặc biệt, Tháng Mười là tháng dành riêng để tôn kính, mến yêu Mẹ bằng chuỗi Mân Côi. Xin Chúa cho các gia đình chúng ta biết kết hợp tâm tình của mình với tâm tình của Mẹ, để dâng lên Chúa bằng những lời kinh Kính Mừng, lời kinh của một người Mẹ trọn đời gắn bó với Con Yêu trong tiếng “Xin vâng” tròn đầy dành cho Thiên Chúa. Đó là những lời kinh đẹp lòng Chúa nhất và cũng đẹp lòng Đức Mẹ nhất.

 

Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương các Gia đình, từng đêm về, gia đình chúng con râm ran bên gối Mẹ tràng chuỗi Mân Côi, xin Mẹ thương đón nhận tâm tình đơn sơ thảo hiếu của chúng con. Xin Mẹ hãy giơ tay chúc lành và ban cho chúng con ơn phúc bình an. Amen.