PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

GLTK: Bài 32 - Điều răn V

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 32 - Điều răn V - Chớ giết người

 

Bài 12. Điều răn thứ V - Chớ giết người

 

I. Tôn trọng sự sống của con người

 

1. Kinh Thánh

 

- St 9,5-6: “Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình… Ai đổ máu con người thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa”.

 

- Xh 20,13: “Ngươi không được giết người”.

 

- Mt 5,21-22: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng ‘Chớ giết người’. Ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa”.

 

2. Giáo lý

 

- Sự sống con người phải được coi là linh thánh vì chính Thiên Chúa tạo dựng con người. Chỉ một mình Thiên Chúa là Chúa của sự sống; vì thế, không một ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có quyền trực tiếp giết chết một thụ tạo nhân linh vô tội.

 

- Điều răn thứ năm coi việc giết người cách trực tiếp và có chủ ý là một trọng tội. Điều răn này cũng cấm làm một điều gì với ý hướng gây chết người cách gián tiếp.

 

- Luật cấm giết người là luật có giá trị phổ quát, bắt buộc mọi người, mọi nơi và mọi lúc. Chúa Giêsu còn thêm vào đó lệnh cấm giận dữ, căm ghét và báo thù (x. Mt 5,21).

 

II. Tự vệ hợp pháp

 

- Tình yêu đối với chính mình luôn là nguyên tắc căn bản của luân lý. Vì thế, ai bảo vệ mạng sống mình thì không mắc tội giết người. Hành vi tự vệ có thể có hậu quả kép: hậu quả chủ ý là bảo vệ sự sống mình, hậu quả không do chủ ý là cái chết của người tấn công. Tuy nhiên, nếu ai bảo vệ mạng sống mình mà sử dụng bạo lực quá mức cần thiết, thì hành vi này là bất hợp pháp.

 

- Sự bảo vệ hợp pháp vừa là quyền vừa là bổn phận quan trọng đối với những người có trách nhiệm về sự sống của người khác. Vì thế, công quyền hợp pháp có quyền và có bổn phận đề ra những hình phạt tương xứng với tính nghiêm trọng của tội phạm.

 

- Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường duy nhất khả thi để bảo vệ hữu hiệu sự sống con người và xã hội. Tuy nhiên việc kết án này không được khuyến khích vì như thế là tước đoạt cách vĩnh viễn khả năng chuộc tội của tội nhân.

 

III. Lập trường Công giáo về phá thai, cái chết êm dịu

 

1. Kinh Thánh

 

- Gr 1,5: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi”.

 

- Tv 139,15: “Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu”.

 

2. Phá thai

 

- Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối, ngay từ lúc tượng thai. Vì thế, ngay từ thế kỷ thứ nhất cho đến ngày nay và sẽ mãi như thế, Hội Thánh khẳng định mọi vụ phá thai đều là tội ác luân lý.

 

- Cộng tác chính thức vào việc phá thai là một trọng tội. Theo Giáo luật, Hội Thánh phạt vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae - tức khắc, do chính sự kiện phạm tội). Mục đích là để cho thấy tính cách nghiêm trọng của tội đã phạm và sự thiệt hại không thể sửa chữa.

 

- Con người được nhìn nhận như một nhân vị ngay từ lúc tượng thai, vì thế phôi thai phải được bảo vệ, chăm sóc và chữa trị cách toàn vẹn như bất cứ con người nào khác. Những can thiệp trên phôi người chỉ được coi là hợp pháp nếu tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai.

 

3. Cái chết êm dịu

 

- Từ ngữ “Cái chết êm dịu” (Euthanasia) diễn tả hành động chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được.

 

- Việc ngưng các phương tiện y khoa quá tốn kém và không tương xứng với kết quả mong muốn, có thể được coi là hợp pháp. Chính bệnh nhân hoặc những người có thẩm quyền theo luật pháp, phải đưa ra quyết định.

 

- Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau được coi là hợp pháp, miễn là không nhắm đến cái chết như mục đích của hành động.

 

Phút hồi tâm (Mt 5,21-22)


(Nguồn: WHĐ)