PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Mấy nét chấm phá cho Linh mục
Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn
Ngài nói: ‘Bạn nói sao? dĩ nhiên là có nhiều người lương thiện giữa chúng tôi chứ. Nếu không có ở đó, lạy Chúa Trời cao cả, thì ở đâu mới có?’ Nhưng muốn dâng thánh lễ, phải là một Sêraphim. Nếu người ta biết được thánh lễ là gì người ta sẽ lăn ra chết đấy. Chúng ta chỉ có thể hiểu được hạnh phúc được dâng thánh lễ ở trên trời mà thôi. Hỡi bạn! nguyên nhân của mọi thảm hoạ và của sự sa sút nơi các linh mục là vì người ta không chú ý đến thánh lễ. Vô phúc thay! Vị linh mục thật đáng chê trách khi dâng lễ như làm một việc tầm thường. Có những vị đã bắt đầu thật tốt, thật sốt sắng trong vài tháng! Và sau đó… Ôi! khi mình nghĩ tới Thiên Chúa cao cả của chúng ta đã muốn giao công việc ấy cho những tên khốn nạn như chúng ta! Cái tai ác, là chính những tin tức thế giới ấy, những câu chuyện ấy, báo chí, chính trị ấy, người ta nhét đầy đầu rồi sau đó người ta đi dâng thánh lễ, đọc kinh nhật tụng. Ao ước lớn của tôi là rút về Fourvière không còn lo lắng về ai nữa, và sau khi đã cầu nguyện thật sốt sắng, đi thăm bệnh viện. Ôi được vậy, tôi sẽ sung sướng biết bao! Nhưng bạn này, đừng mất tin tưởng. Nhưng nghe này! Đọc sách nhật tụng thì nhẹ như lông hồng! Cái làm hư hỏng các linh mục là cứ mãi đi thăm nhau. Lâu lâu thăm viếng một anh bạn linh mục để giúp nhau, để xưng tội thì tốt. Nhưng cứ chạy xuôi chạy ngược, vô phúc thay! Bạn còn là phụ phó tế, ôi! Phúc cho bạn! một khi đã là linh mục rồi người ta chỉ còn thì giờ để khóc than sự khốn nạn của mình! Để trở nên thánh phải là điên rồ. Điều khiến chúng ta, những linh mục không nên thánh được chính là thiếu suy nghĩ. Chúng ta không chịu hồi tâm lại và chẳng còn biết mình làm cái gì nữa. Điều chúng ta cần đó là sự suy nghĩ, tâm niệm, sự kết hiệp với Thiên Chúa. Khốn thay một linh mục thiếu mất tính nội tâm! Nhưng muốn vậy phải có sự thanh thản, im lặng, tĩnh tâm bạn ạ! Tĩnh tâm! Chính trong cô tịch mà Thiên Chúa thường ngỏ lời. Đôi khi tôi nói với Đức cha Devie: ‘Nếu Đức cha muốn hoán cải giáo phận của mình, ngài phải biến tất cả các cha xứ của ngài thành những vị thánh. Phương tiện để sống tốt đối với một linh mục là sống như ở chủng viện. Nhưng đâu phải lúc nào cũng làm được’” (Gioan Maria Vianey, Cha sở họ Ars, tr. 73).
Xưa nay, rất nhiều người đã công phu cố gắng phác họa chân dung người linh mục với tất cả vẻ đẹp, sự sang trọng, thánh thiêng và quý giá của nó. Khi suy nghĩ những dòng suy niệm này, mình cũng đã cố gắng bỏ ra rất nhiều thời gian để vẽ tiếp thêm mấy cái râu ria cho chân dung linh mục hôm nay xem có phù hợp không. Thấy đời sống linh mục càng ngày càng phức tạp, rắc rối, luôn bị giằng co, khó xử, bên cạnh những mối liên hệ và những cái nhìn sau đây trong bài phát biểu của Fouad Twal, Thượng phụ Latinh Giêrusalem:
“- Con người càng ngày càng dễ độc ác hơn với nhau và khó tha thứ…
- Người ta khó đón nhận những đổ vỡ.
- Sự pha trộn của các khía cạnh tốt xấu trong các lãnh vực ngày càng nhiều và tinh vi do khuynh hướng toàn cầu hoá.
- Các quyền lực xem ra bế tắc trong vấn đề giải quyết các mối xung đột.
- Các lực lượng của chủ nghĩa cực đoan đang phát triển và có nhiều người đi theo, ủng hộ.
- Những khả năng cho một giải pháp công bằng đang nhanh chóng suy giảm.
- Ở đâu người ta cũng tìm cách tránh né cô đơn và sự thật kể cả ngay trong lương tâm của mỗi người. Hậu quả là những lối sống buông thả, tự do, cuồng nhiệt, thác loạn, cạnh tranh, giành giật, hư đốn…”.
Những sự khủng hoảng phát sinh từ sự bế tắc đó. Cho nên, các linh mục cần phải thường xuyên đi tìm chỗ “tầm quất, massage” cho linh hồn mình để cho nó đỡ đi! Nơi Chúa Giêsu hiển hiện rõ nét của những mối ưu tư này. Có khi Ngài phác họa, loan báo; có khi Ngài ra tay, dấn thân cao độ; có khi Ngài tìm nơi chốn, người cộng tác thích hợp; có khi Ngài áp dụng phương pháp thi hành: sự cứng rắn hay mềm dẻo tùy hoàn cảnh, tình huống. Hằng ngày Chúa Giêsu vẫn phục vụ chúng ta như một nhân viên massage, tầm quất tuyệt vời! Ngài “massage, tầm quất” linh hồn chúng ta bằng sự an ủi, vỗ về, nâng niu, chiều chuộng, nũng nịu để cho chúng ta được nghỉ ngơi thư giãn phần hồn, nếu Ngài không chiều chuộng như thế thì chúng ta đã chết hết rồi!
Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2000 đã đưa ra cái nhìn khái quát về người linh mục hôm nay là: con người của sự đối thoại, con người của sự thiêng thánh; con người trưởng thành và con người khiêm tốn phục vụ. Vì thế, Chúa Giêsu dạy: “Giả như có làm xong việc thì cũng hãy nói: chúng tôi là đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm công việc bổn phận đấy thôi”.
Dịp hội ngộ linh mục tại Rôma ngày kết thúc Năm thánh Linh mục 2010, ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ các linh mục đừng cố gắng làm đủ mọi việc, nhưng nên chú trọng trên những lãnh vực chính yếu đó là: cử hành bí tích, rao giảng thật tốt, giúp đỡ người thiếu may mắn. Ngài cũng nhắn nhủ các linh mục đừng quên củng cố đời sống tâm linh, và khi cần thiết phải biết tìm thấy can đảm và khiêm nhu để nghỉ ngơi (Hiệp Thông số 59, tr. 59). Thiếu tinh thần hiệp thông cũng làm cho tinh thần phục vụ bị giảm sút; có khi dẫn tới sự khủng hoảng và những lệch lạc nghiêm trọng. Linh mục rất cần có thời gian để phục hồi chức năng, tập huấn, thường huấn, bồi dưỡng, bổ túc bằng sự tĩnh tâm, để trong cầu nguyện mới biết rằng: đôi khi phải hành động, đôi lúc chỉ nên đón nhận. Đôi khi phải nghỉ ngơi, đôi lúc phải chiến đấu. Thời gian này, chúng ta cần nhắc lại câu nói của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”; và của thánh Phanxicô Salêsiô: “Lạy Chúa, con chỉ là củi khô: xin Chúa hãy châm lửa!”.
Người ta kể về cha Mesrchler như sau: “Cho đến phút cuối cùng, ngài vẫn làm việc không mệt mỏi, bút viết luôn cầm trong tay. Ngài là một bạn đồng nghiệp luôn có những câu đối đáp dí dỏm, một người bạn luôn có lời ủi an, một người biết cầu nguyện trong thinh lặng và kiên trì, một mẫu gương đơn sơ như trẻ em, một sự vô tư trọn vẹn. Ngài không bao giờ tìm tư lợi cho bản thân trong bất cứ điều gì”.
Thinh lặng trong sự cô đơn, kể cả thất bại trở thành cần thiết cho tâm hồn biết suy nghĩ và tận dụng nó như một ân ban. Ân ban đó chính là cuộc gặp gỡ thân mật riêng tư hơn với Thiên Chúa: “Khi nào ta đánh mất đi sự đụng chạm với sự hiện diện của Đấng Cứu Chuộc yêu thương, thì khi ấy cuộc sống sẽ trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được, và ta sẽ chỉ thấy phải xoá đói giảm nghèo, phải vạch mặt bất công, phải chiến thắng bạo động, phải chấm dứt chiến tranh và phải xoá bỏ cô đơn. Tất cả những thứ ấy đều là những vấn đề nghiêm trọng và kitô hữu phải cố gắng giải quyết; tuy nhiên, khi quan tâm của ta không còn xuất phát từ việc ta đích thân gặp gỡ Đức Kitô hằng sống nữa, ta sẽ thấy một sức nặng khủng khiếp” (Henri Nouwen, Chỉ có một điều cần thôi, tr. 29tt).
“Cuộc sống nào không có một nơi vắng vẻ, nghĩa là, cuộc sống nào không có một trung tâm thanh vắng, sẽ dễ dàng bị hủy diệt. Khi chỉ biết bám vào những kết quả của các hoạt động của ta như một cách duy nhất để khẳng định chính mình, ta sẽ trở nên ích kỷ và lo âu; và sẽ có khuynh hướng nhìn anh chị em mình như những kẻ thù phải xa tránh, chứ không phải là những bạn hữu ta đang chia sẻ những ân huệ của sự sống. Trong sự thinh lặng nội tâm, ta có thể dần dần lật tẩy sự ảo tưởng của tính tham lam, và sẽ khám phá ra ngay tại cõi lòng của mình rằng ta không phải là những gì ta có thể chinh phục, mà chỉ là những gì đã được ban cho ta. Mình có thể nghe tiếng của Đấng đã nói với mình trước khi mình biết nói lên lời, đã chữa lành cho mình trước khi mình có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát mình từ lâu trước khi mình có thể giải thoát kẻ khác, và đã yêu thương mình trước khi mình có thể yêu thương tha nhân. Mình khám phá ra rằng những gì mình là quan trọng hơn những gì ta có, và bản thân ta giá trị hơn mọi thành quả của ta; ta khám phá ra rằng sự sống của ta không phải là một gia tài cần bảo vệ, nhưng là một quà tặng cần được chia sẻ. Chính lúc chia sẻ ấy mà ta nhận ra rằng những lời nói có tính chữa lành ta nói ra không phải là của ta, nhưng là những lời được ban cho ta; tình yêu ta có thể diễn tả là một phần của tình yêu vĩ đại hơn; và cuộc sống mới ta đem đến không phải là gia tài phải bám lấy mà chỉ là một quà tặng được đón nhận” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 39).
“Thời đại này mời gọi chúng ta phải lo ngại về sự lan rộng của bóng tối, sự bành trướng của cái ác, sự sai lầm của ‘cái tôi’, sự lạm dụng của quyền lực, sự hưởng thụ của ích kỷ của cá nhân… đang đe dọa và lấn át đời sống chứng nhân của chúng ta. Làm thế nào để đương đầu, làm sao để giải gỡ những bế tắc cho một xã hội, một tổ chức, một cơ quan, một cá nhân khi mà nền tảng của họ đã không được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô? Chính trong Thiên Chúa mà ta tìm được đồng loại và khám phá ra trách nhiệm của ta đối với họ. Thậm chí ta có thể nói rằng chỉ trong Thiên Chúa đồng loại của ta mới trở nên đồng loại đích thật, chứ không phải là một cái gì đó bám vào sự độc lập của ta, và chỉ trong và nhờ Thiên Chúa ta mới có thể phục vụ” (Henri Nouwen, Sđd, tr. 79). Đối với chúng ta, làm việc cho công lý hoà bình và trở nên những người hoạt động đích thật theo nghĩa tốt của từ ngữ ấy, chính là làm mà không phải vì ta cần chứng minh cho mình hoặc cho ai khác rằng ta đáng yêu. Nhưng, vì chính ta đụng chạm được tư cách là con yêu dấu của Thiên Chúa mà ta tự do hành động theo sự thật, ta hoạt động cho công lý hoà bình bất cứ khi nào ta thấy cần và khước từ bất công. Nếu như Thiên Chúa săn sóc ta, thì điều rất quan trọng là ta cũng phải săn sóc Thiên Chúa trên trần gian này! Thiên Chúa trở nên một Thiên Chúa vấp ngã, đã ngã gục trên thập giá, đã chết cho ta, và đã hoàn toàn cần đến tình yêu thương. Thiên Chúa đã làm thế để ta có thể gần gũi Ngài (cũng như người ta dễ gần gũi người hèn mọn hơn người cao sang). Thiên Chúa, Đấng yêu thương ta là một Vị Thiên Chúa trở nên mỏng dòn, lệ thuộc trên thập giá.
Sự vươn lên và vươn ra thế giới, xã hội và con người hôm nay cũng kéo theo cả căn tính và sứ vụ của linh mục nữa. Đôi khi chúng ta muốn bắt chước cho kịp thời đại. Đôi khi chúng ta cũng muốn hội nhập, hoà nhập. Đôi khi chúng ta cũng muốn chạy đua về phương tiện, phương pháp, phương hướng như một công chức nhà nước… Người trẻ có cơ hội này hơn người già. Người đi sau thích ứng dụng hơn người đi trước. Giáo Hội và xã hội có những lãnh vực, phương diện cần hợp tác, nhưng có những thứ phải độc lập hoàn toàn. Ranh giới đạo, đời, Giáo Hội, xã hội, tinh thần, vật chất, thánh thiêng, phàm tục… nhiều khi rất khó phân biệt, rất dễ lẫn lộn, và có khi bị đảo lộn! Chính con người chúng ta làm cho nó bị đảo lộn. Linh mục phải giữ được sự thăng bằng trước hết từ trong chính tâm hồn và căn phòng riêng của mình. Không có bậc sống nào đòi hỏi phải có một sự hài hoà và kết hợp chặt chẽ, một bên là các nhân đức bản thân và bên kia là các bổn phận nghiệp vụ cho bằng bậc linh mục. Đức cha Bùi Tuần viết: “Cái nguy hiểm của người môn đệ Chúa Kitô hôm nay là đang thích hưởng thụ ở chế độ cao”. Người trẻ thích hưởng thụ hơn người già. Cũng có người già tranh thủ hưởng thụ kẻo hết đời! Sự tinh vi, tinh tế của ma quỷ quả là thế. Chính chúng ta cũng có lúc muốn biện minh theo chiều hướng của ma quỷ và sự dữ. Lối sống lành mạnh và quân bình trong đời sống tận hiến rất khó và rất quan trọng. Thách đố biết giữ lấy sự quân bình đã là anh hùng lắm rồi.
Tìm nghe lại tiếng gọi từ lương tâm, tiếng gọi từ trách nhiệm, tiếng gọi từ sứ vụ tông đồ, tiếng gọi từ thánh chức, tiếng gọi vì phần rỗi đời đời sẽ là những động lực cơ bản, cần thiết giúp chúng ta suy nghĩ hằng ngày. Đồng thời cũng là những thách đố cho sứ vụ tông đồ và cũng là bản xét mình thường xuyên để cập nhật.
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?