PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 15. Đức cậy
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 15. ĐỨC CẬY
Năm 1985, khi Đức hồng y Ratzinger xuất bản cuốn The Ratzinger Report (thực hiện dưới hình thức phỏng vấn về nhiều vấn đề quan trọng của Giáo Hội), cả một cơn bão phản đối và phê bình nổi lên. Ngài bị tố cáo là người bi quan vì đã mô tả tình hình đức tin bằng khung màu xám. Để trả lời cho những phê bình này, Đức hồng y đã trình bày sự khác biệt giữa hai cặp từ ngữ “bi quan – lạc quan”, và “hi vọng – thất vọng”.
Có những người có tính lạc quan. Họ vui vẻ, tự tin, không dễ chán nản, đang khi đó lại có những người tính khí bi quan, thường nhìn vào mặt tối của sự vật. Chúng ta không hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính khí của mình, dù có thể tác động lên nó cách nào đó.
Hi vọng là điều gì đó hoàn toàn khác với sự lạc quan. Với niềm tin tưởng, hi vọng hướng đến những gì sẽ đến và những gì chưa có trong hiện tại. Hi vọng trước hết là một thái độ của con người mà nếu không có, không thể nói đến cuộc sống làm người: bệnh nhân hi vọng hồi phục; người đang yêu hi vọng người yêu quay lại; những ai đau khổ vì chiến tranh hi vọng hòa bình. Cuộc sống con người ít nhiều được dệt bằng hi vọng. Không thể sống mà không có hi vọng. Phải chăng chết cũng có nghĩa là dập tắt mọi hi vọng? Nếu sự chết là tiếng nói cuối cùng, nếu cuộc sống trần thế này là “cơ may cuối cùng” trước hư vô, thì nói cho cùng, cũng chẳng có hi vọng đích thực. Khi đó, hi vọng một ngày Chúa nhật đẹp trời để trượt tuyết cũng chỉ là một ảo tưởng, bởi lẽ nó che giấu sự tuyệt vọng vì cái chết không thể tránh vẫn đang chực chờ.
Trong cách nhìn của Kitô giáo, hi vọng luôn luôn là niềm hi vọng vượt trên sự chết. Thánh Phaolô diễn tả về Tổ phụ Abraham: “Dù tuyệt vọng, ông vẫn một niềm hi vọng” (Rm 4,18). Không có dấu hiệu cụ thể nào ủng hộ ông cả: bản thân ông đã già, bà Sara vợ ông cũng thế. Nhưng Abraham vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa rằng ông sẽ có con nối dõi. Dù bên ngoài là thực tế đầy thất vọng, Abraham vẫn tín thác vào Đấng sẽ ban cho ông đứa con, và ông còn sẵn sàng hiến tế đứa con ấy cho Ngài.
Đức Cậy (Hi vọng) không nhất thiết phải lạc quan. Đức Cậy nhận diện những khó khăn và tìm hiểu tình hình. Đức Cậy không tin, cũng chẳng mong chờ sự tiến bộ kỹ thuật sẽ tạo nên thiên đàng trần gian và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống trần thế này. Đức Cậy dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần. Nói như thánh Bonaventura: Đức Cậy “hi vọng Thiên Chúa và từ Thiên Chúa”.
Thiên Chúa là lý do và đối tượng chính yếu của Đức Cậy. Đức Cậy không bi quan. Đức Cậy vượt lên trên cái nhìn bi quan về những thực tại trần thế, vì nhờ đức tin, Đức Cậy bám chặt vào Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết, Ngài sẽ chiến thắng sự chết và quyền lực của nó. Do đó Đức Cậy ban tặng niềm vui ngay giữa những thử thách: “Hãy vui mừng trong hi vọng, kiên nhẫn khi gặp gian truân” (Rm 12,12). Vì Đức Cậy hướng đến hạnh phúc bất diệt trên trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (GLHTCG số 1818). Đức Cậy làm cho chúng ta “không phải thất vọng” (Rm 5,5).
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?