PHỤNG VỤ - HỌC HỎI
Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 16. Đức mến
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 16. ĐỨC MẾN
“Nếu tôi… không có tình yêu”: những lời nổi tiếng của thánh Phaolô trong Bài ca Đức Mến (1 Cr 13) làm chứng và xác quyết rằng chẳng có gì trong đời sống con người có giá trị nếu thiếu tình yêu (GLHTCG 1826). Trong tất cả các nhân đức luân lý và đối thần, Đức Mến là cao trọng nhất (1 Cr 13,13). Thánh Catarina Siena, vị thánh được Giáo Hội tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh, đã trình bày lý do: “Linh hồn không thể sống mà không có tình yêu; linh hồn luôn mong muốn yêu thương điều gì đó. Nói cho cùng, linh hồn được làm nên bằng chất liệu tình yêu, vì Thiên Chúa đã dựng nên nó từ tình yêu” (Đối Thoại 2,1).
Lý do căn bản nhất của mọi sự là “kế hoạch hoàn toàn do lòng nhân hậu” của Thiên Chúa khi tạo dựng thế giới và con người (số 1). Mọi sự được tạo thành bằng chất thể tình yêu, nghĩa là từ ý muốn nhân lành của Chúa. Cội nguồn của mọi sự là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu muốn thông ban chính mình (số 294). Sách Thánh nói về các thụ tạo: “Và Thiên Chúa thấy thật là tốt” (St 1,10). Tác giả Josef Pieper diễn tả: “Yêu ai hay yêu điều gì đó là hướng về người đó hay sự vật đó mà nói: Thật tốt lành khi có bạn, khi bạn hiện hữu trong thế giới này”. Và triết gia hiện sinh người Pháp Gabriel Marcel diễn tả xa hơn: “Yêu ai là nói với người đó: Bạn sẽ không chết”.
Thế nhưng phải chăng tất cả những gì được dán nhãn “tình yêu” đều là tình yêu? Có nhiều hình thái của tình yêu và cũng có những lệch lạc. Yêu một đứa nhỏ là thứ tình yêu khác với tình yêu nhục dục, và cả hai lại khác với tình bạn. Tất cả những hình thái này đều có thể suy thoái, biến cái gọi là tình yêu thành ngục tù, nô lệ, tàn bạo. Để chắc chắn tình yêu trẻ nhỏ là tình yêu đúng nghĩa, tình yêu đó phải được khuôn đúc bằng hình thái tình yêu cao nhất mà Kinh Thánh gọi là agape, caritas, là Đức Mến, một nhân đức đối thần (số 1822). Tình yêu nhục thể vốn là điều tốt và được Thiên Chúa trao ban, nhưng nó có thể suy thoái thành sự lạm dụng khi biến người khác thành phương tiện cho mình đạt được mục đích ích kỷ của bản thân, vì thế nó cần được agape định hình và hướng dẫn (số 1827). Cũng thế, agape giữ gìn tình bạn khỏi sự ích kỷ, mở ra tình bạn chân chính, bao gồm cả Thiên Chúa và tha nhân.
Vậy, tình yêu đích thực, tình yêu được gọi là nhân đức đối thần này, hệ tại ở điều gì? Cái gì làm nên điều răn thứ nhất và cao trọng nhất này? Chúng ta cần phải làm gì (số 1823)?
Sẽ là sự hiểu lầm nếu cho rằng ba hình thái tình yêu đã nói trên đều là ích kỷ, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, còn Đức Mến thì hoàn toàn vô vị lợi. Nói cho cùng, điều răn thứ nhất dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu người lân cận “như chính mình”. Như thế tình yêu nơi chúng ta không bao giờ là hoàn toàn vô vị lợi. Là những thụ tạo đón nhận tất cả những gì đang có và đang là, chúng ta luôn cần đến tình yêu; vâng, trong quả tim nhân loại luôn có nhu cầu yêu thương đến vô tận. Tuy nhiên chúng ta khám phá ra rằng nỗi khao khát yêu thương vô tận này chỉ có thể đong đầy khi chính chúng ta yêu thương, cho đi quà tặng tình yêu.
Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, khi chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thì con tim chúng ta càng mở rộng để đón nhận tình yêu, cho đến một ngày Thiên Chúa đổ đầy quả tim chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, vô biên, vô tận.
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy nơi Đức Mến được thể hiện cách đặc biệt, đó là yêu thương kẻ thù (số 1825), tức là nhìn thấy nơi người bị xem là kẻ thù, không phải sự dữ mà họ gây ra cho chúng ta, nhưng là sự tốt lành ở trong họ xét như là tạo thành của Chúa. Đây chính là sự tuyệt hảo của tình yêu nơi Đức Kitô, Đấng đã yêu thương tôi đến nỗi chết vì tôi (Gal 2,20).
(Nguồn: WHĐ)
Tin liên quan
- Các biểu tượng và việc huấn giáo
- Sắc lệnh về Thánh lễ trong thời gian đại dịch
- Rước lễ thiêng liêng: tính thần học và niềm an ủi từ Chúa Kitô
- Ủy ban Phụng Tự: những lưu ý về trực tuyến Thánh Lễ Ủy ban Phụng Tự
- Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro
- Ủy ban Giáo dân: Bài huấn luyện số 16
- Cầu nguyện với các bài hát từ cộng đoàn Taizé - Tháng 10.2019 - trực tuyến
- Nhân đức thờ phượng
- Ủy ban Phụng Tự giải thích quy định về Giảng lễ, Đặt tay và Rảy nước phép
- Cộng đoàn có thể đọc Phúc Âm trong Thánh lễ không?