PHỤNG VỤ - HỌC HỎI

Tìm hiểu Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo – Phần III: Đời sống mới trong Đức Kitô - Bài 20. Cộng đồng

Chủ nghĩa cá nhân quên mất mối liên hệ của cá nhân với cộng đồng; ngược lại, chủ nghĩa tập thể (khuynh hướng của những thể chế độc tài) lại khước từ phẩm giá siêu việt của nhân vị. Giáo huấn xã hội của Công giáo phải thường xuyên cố gắng để làm mới lại nhận thức về cả hai khía cạnh này.

ĐHY Christoph Schönborn


Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

 

Bài 20. CỘNG ĐỒNG

 

Khi tìm hiểu luân lý Kitô giáo từ đầu đến nay, chúng ta chủ yếu bàn về cái tốt hay xấu, đúng hay sai, trong những thái độ và hành động của mỗi cá nhân. Sách Giáo Lý theo sát lược đồ của Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hi Vọng, cho nên trong phần tiếp theo sẽ bàn đến cộng đồng nhân loại, vốn là điều cần thiết cho sự phát triển cá nhân (GLHTCG số 1877).

Trong cách nhìn của Kinh Thánh và Kitô giáo, mối tương quan giữa cá nhân và cộng đồng (theo nghĩa mở rộng là xã hội) có hai cực, và phải quan tâm đến cả hai thì mới có cái nhìn toàn diện. Con người có đặc tính cộng đồng. Ngay từ lúc tượng thai, con người đã sống trong mối tương quan với người khác và cần đến cộng đồng: với mẹ, với cha, với anh chị em. Vì thế, gia đình là cộng đồng đầu tiên theo tự nhiên đối với mọi người.

Sau đó những hình thức khác của cộng đồng được thêm vào: ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, xứ sở, dân tộc, quốc gia… Do đó, sống tương quan với người khác, thuộc về một cộng đồng, những điều đó không phải là cái gì thêm vào và không cần thiết. Ngày nay cần phải nhắc lại điều này cách rõ ràng, vì quan điểm đang chiếm ưu thế là chủ nghĩa cá nhân và sống đơn thân đang trở thành mô thức quen thuộc trong xã hội.

Từ những nhận xét trên, cộng đồng nhân loại không chỉ đơn thuần là sự tổng hợp những cá nhân riêng lẻ, nhưng là “một tổng thể những cá vị được liên kết với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất nào đó, vượt trên mỗi cá vị” (GLHTCG số 1880). Các cộng đồng và xã hội được nối kết với nhau bởi điều gì đó lớn lao hơn, vượt lên trên mỗi cá nhân. Chẳng hạn, ngôn ngữ là một di sản chung nối kết chúng ta, và đến lượt chúng ta lại cộng tác với nhau để chuyển giao di sản đó cho thế hệ sau. Những truyền thống lề luật, ứng xử, văn hóa, tôn giáo là những dữ kiện căn bản của cộng đồng mà nếu không có, chúng ta không thể sống. Đồng thời hàm ngậm trong đó là bổn phận củng cố, chuyển giao và phát triển. Bởi lẽ tất cả chúng ta đều được các cộng đồng nâng đỡ, nên chúng ta cũng mắc nợ cộng đồng trong việc chia sẻ những di sản đó.

Ngoài ra, phải lưu tâm đến cực thứ hai. Chúng ta là những hữu thể mang tính cộng đồng, điều này hoàn toàn đúng, thế nhưng mỗi một nhân vị không bị hòa tan trong cộng đồng. Với phẩm giá cao quý và vận mệnh vĩnh cửu, mỗi nhân vị vượt lên trên những ràng buộc của cộng đồng: “Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là, và phải là, nhân vị” (số 1881). Chúng ta không bao giờ hoàn toàn thuộc về gia đình, dân tộc, quốc gia. Con người chỉ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Không thể chế nào có quyền toàn diện và tuyệt đối trên nhân vị.

Chủ nghĩa cá nhân quên mất mối liên hệ của cá nhân với cộng đồng; ngược lại, chủ nghĩa tập thể (khuynh hướng của những thể chế độc tài) lại khước từ phẩm giá siêu việt của nhân vị. Giáo huấn xã hội của Công giáo phải thường xuyên cố gắng để làm mới lại nhận thức về cả hai khía cạnh này.

Đây không phải là chuyện ngây thơ và không tưởng. Hãy nhìn vào thực tế để thấy việc ý thức và trân trọng phẩm giá của mỗi con người quan trọng thế nào, nếu không, người ta dễ dàng loại trừ trẻ sơ sinh, người già cả, đau yếu. Đàng khác, phải có ý thức về cộng đồng, nếu không, xã hội ngày càng trở nên lạnh lùng và phi nhân.

 

(Nguồn: WHĐ)